Bám sát tình hình, đẩy nhanh các dự án cao tốc trọng điểm
Trao đổi về định hướng hoàn thiện quy hoạch tỉnh Lâm Đồng, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà lưu ý: Tư duy quy hoạch phải mở, vừa giữ được định hướng căn cốt, vừa có thể đón đầu thay đổi - Ảnh: VGP/Minh Khôi |
Xác định các mốc thời gian cụ thể, mốc tiến độ triển khai dự án
Báo cáo của tỉnh Lâm Đồng cho biết dự án cao tốc Tân Phú-Bảo Lộc có chiều dài khoảng 66 km (trong đó đoạn qua tỉnh Lâm Đồng dài 55 km).
Đến nay, hai tỉnh Lâm Đồng và Đồng Nai đã trình báo cáo nghiên cứu khả thi và thiết kế cơ sở dự án để Bộ GTVT thẩm định với tổng mức đầu tư điều chỉnh tăng từ 17.200 tỷ đồng lên 18.120 tỷ đồng, trong đó phần vốn nhà nước vẫn giữ nguyên 6.500 tỷ đồng. Diện tích chuyển mục đích sử dụng rừng giảm từ 186,21 ha xuống 172,64 ha.
Hai địa phương đã hoàn thiện khung chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư của dự án; báo cáo đánh giá tác động môi trường; sơ bộ thống kê, tính toán khối lượng, phạm vi, diện tích bồi thường, giải phóng mặt bằng, dự kiến quỹ đất tái định canh, định cư; chuẩn bị công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng dự án hạ tầng kỹ thuật khu dân cư, tái định cư; chuẩn bị mỏ vật liệu phục vụ xây dựng cao tốc…
Tỉnh Lâm Đồng đã xác định các mốc thời gian cụ thể, mốc tiến độ triển khai dự án.
Về dự án cao tốc Bảo Lộc-Liên Khương dài khoảng 74 km, tỉnh Lâm Đồng đang hoàn thiện cuối kỳ báo cáo nghiên cứu khả thi với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 19.521 tỷ đồng, trong đó phần vốn nhà nước 7.761 tỷ đồng; diện tích chuyển mục đích sử dụng rừng là 3,07 ha.
Đến nay, tỉnh Lâm Đồng đang khẩn trương hoàn thiện hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng; báo cáo đánh giá tác động môi trường; thống kê, tính toán khối lượng, phạm vi, diện tích bồi thường, giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật…
Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng báo cáo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về một số điểm nghẽn trong phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương - Ảnh: VGP/Minh Khôi |
Chủ động tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc
Bí thư Tỉnh uỷ Lâm Đồng Trần Đức Quận cho biết, đến thời điểm hiện nay, những khó khăn vướng mắc của dự án cao tốc Tân Phú-Bảo Lộc đã được giải quyết căn bản dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc đồng bộ, khẩn trương của các bộ, ngành Trung ương.
Tỉnh Lâm Đồng kiến nghị các bộ, ngành Trung ương quan tâm, hỗ trợ địa phương trong thẩm định, phê duyệt hoặc hướng dẫn các nội dung liên quan đến dự án cao tốc Tân Phú-Bảo Lộc để sớm khởi công vào quý I/2024; huy động thêm nguồn vốn cho dự án cao tốc Bảo Lộc-Liên Khương; tích cực phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng, các cơ quan liên quan khi thực hiện thu hồi diện tích đất quốc phòng để đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng của dự án cao tốc Bảo Lộc-Liên Khương.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị tỉnh Lâm Đồng, các bộ, ngành tiếp tục theo sát tình hình, chủ động tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc còn lại để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án cao tốc đã được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá cao sự chủ động của tỉnh Lâm Đồng, sự vào cuộc của các bộ, ngành để tháo gỡ khó khăn cho các dự án cao tốc trọng điểm - Ảnh: VGP/Minh Khôi |
Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng cũng báo cáo với Phó Thủ tướng về kết quả đạt được trong phát triển kinh tế-xã hội: Tăng trưởng kinh tế dự kiến đạt 6,02%, thu ngân sách đạt 13.213 tỷ đồng, bằng 98,7% cùng kỳ; giải ngân vốn đầu tư công đạt 90%; khách du lịch tăng 15,3%, trong đó khách quốc tế tăng 167%,…
Sau khi nghe trao đổi của lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng, đại diện một số bộ, ngành, Phó Thủ tướng đã cho ý kiến chỉ đạo cụ thể về định hướng hoàn chỉnh quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; rà soát việc phân bổ các chỉ tiêu sử dụng đất theo Quyết định số 326/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phân bổ chỉ tiêu Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021-2025; chính sách giải quyết tồn tại quỹ đất liên quan đến nông lâm trường; đề xuất đầu tư tuyến cao tốc kết nối Khánh Hoà và Lâm Đồng; định hướng nâng cấp, mở rộng sân bay Liên Khương; chủ trương phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng gắn với nông nghiệp, dịch vụ môi trường rừng…