Bản hùng ca bất tận về tình yêu nước và khát vọng hòa bình
Phát huy tinh thần yêu nước, niềm tự hào để xây dựng Thủ đô |
Không khí sục sôi của lễ phát động phong trào Ba sẵn sàng vào mùa thu năm 1964 vẫn còn in đậm trong trí nhớ của bà Dương Thị Vịn, nguyên Phó Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong thành phố Hà Nội. Năm đó, cô gái Dương Thị Vịn (sinh năm 1943) mới 21 tuổi. Dù thi đỗ trường sư phạm nhưng theo tiếng gọi của Đoàn, bà đã lên đường gia nhập đội quân thanh niên xung phong.
“Chúng tôi vinh dự được sống trong không khí náo nức thiêng liêng và tự hào ấy. Cũng như nhiều chi đoàn, chúng tôi nhiều đêm tổ chức hành quân “Ba sẵn sàng”, vai khoác ba lô điểm lá ngụy trang đi khắp các đường phố của Thủ đô, hô vang khẩu hiệu “Ba sẵn sàng, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược...” - bà Vịn chia sẻ.
Các vị đại biểu trao tặng quà tri ân tới các nhân chứng lịch sử phong trào Ba sẵn sàng |
Bà Vịn cho biết thêm, lúc bấy giờ, khắp Hà Nội tràn ngập khí thế thi đua yêu nước sôi nổi. Với khí thế sục sôi của phong trào “Ba sẵn sàng”, thanh niên náo nức nộp đơn tình nguyện gia nhập đội thanh niên xung phong. Ở quận Hoàn Kiếm, yêu cầu là tuyển 200 đội viên nhưng có hơn 1.000 người viết đơn tình nguyện; cả thành phố yêu cầu tuyển 1.500 người nhưng có hơn 4.000 người xin được tham gia...
Mùa thu năm 1964 cũng vẫn in dấu sâu đậm trong ký ức của ông Hàn Tiến Nhâm, Trưởng ban Liên lạc Thanh niên xung phong 13C Hà Nội dù năm nay ông đã 82 tuổi. Ông Nhâm kể, trong không khí cả nước sục sôi chống Mỹ cứu nước, ngày 9/8/1964, Thành đoàn Hà Nội phát động phong trào “Ba sẵn sàng” tạo nên một luồng gió mới, khơi dậy hào khí Thăng Long, thôi thúc thanh niên Thủ đô sẵn sàng đi bất cứ đâu, làm bất kỳ việc gì mà Đảng, Đoàn yêu cầu. Cuối tháng 8 năm đó, Hà Nội thông báo tuyển thanh niên xung phong tình nguyện mở đường 13C. Đây là con đường giao thông chiến lược nối tỉnh Yên Bái với Lào Cai.
Những món quà trao tặng tới các nhân chứng lịch sử là lời tri ân của thanh niên Thủ đô hôm nay |
Chỉ sau 2 tuần phát động, Hà Nội đã có gần 1.400 thanh niên tham gia lập thành 7 đại đội. Chàng trai Hàn Tiến Nhâm lúc đó vừa học xong lớp 10 (hệ 10 năm), quyết định gác bút nghiên hăng hái tham gia thanh niên xung phong.
Ông Nhâm nhớ, công trường 13C vô cùng gian khổ, khó khăn, thời tiết khắc nghiệt, nắng cháy lưng, mưa như thác đổ nhưng những chàng trai, cô gái thanh niên xung phong vẫn lao động hăng say quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ. “Hơn một năm sau, mặt đường toàn tuyến đường 13C cơ bản hoàn thành. Chúng tôi rất tự hào vì trong thành quả chung đó có mồ hôi, trí tuệ của thanh niên Hà Nội”, ông Nhâm xúc động nói.
Các nhân chứng lịch sử thời kỳ Ba sẵn sàng |
Không chỉ với bà Vịn, ông Nhâm, phong trào “Ba sẵn sàng” khi đó trở thành cuộc vận động cách mạng rộng lớn, sâu sắc của thanh niên, là chiến trường lập công của tuổi trẻ, là trường học bồi dưỡng một lớp “thế hệ thanh niên anh hùng của dân tộc Việt Nam anh hùng”. Hoàn thành nhiệm vụ trở về những thanh niên xung phong như ông Nhâm, bà Vịn vẫn nỗ lực đóng góp cho Thủ đô, đất nước.
Họ cũng là những người truyền lửa để thế hệ trẻ hôm nay viết tiếp những trang vàng lịch sử của lớp thanh niên “Ba sẵn sàng” năm xưa với nhiều phong trào hành động cách mạng tiêu biểu như: “Thanh niên tình nguyện”, “Tuổi trẻ sáng tạo”, “Tuổi trẻ xung kích bảo vệ Tổ quốc”, “Tôi yêu Hà Nội”. Thế hệ trẻ hôm nay nguyện tiếp bước cha anh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.
Từ ngọn lửa nhiệt huyết của những thanh niên thời kỳ “Ba sẵn sàng” - một thế hệ thanh niên với những phẩm chất tốt đẹp, yêu nước, sẵn sàng xả thân vì Tổ quốc đã nhắc nhở tuổi trẻ hôm nay không ngừng rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh, Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại. Tuổi trẻ Thủ đô vẫn luôn ghi nhớ những dấu son lịch sử của phong trào cũng như dành sự tri ân đến với lớp thanh niên “Ba sẵn sàng” năm xưa, bằng tất cả lòng biết ơn, niềm tự hào và tình cảm yêu quý nhất.