Phát huy tinh thần yêu nước, niềm tự hào để xây dựng Thủ đô
Hội thảo khoa học về Hội nghị quân sự Trung Giã Hiện thực hóa khát vọng hòa bình |
Sáng 30/7, tại UBND huyện Sóc Sơn, Bộ Quốc phòng phối hợp với Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học “70 năm Hội nghị quân sự Trung Giã - Giá trị lịch sử và bài học”.
Đây là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động thiết thực nhằm kỷ niệm 70 năm Hội nghị quân sự Trung Giã và Hiệp định Giơnevơ (1945 - 2024); hướng tới 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024).
Nét văn hóa quân sự đặc sắc
Tại sự kiện này, các chuyên gia lịch sử quân sự, nhà khoa học đã đánh giá lại tầm vóc, ý nghĩa của Hội nghị quân sự Trung Giã. Cách đây tròn 70 năm, Hội nghị Trung Giã tại Sóc Sơn đã đạt được nhiều kết quả sau 23 ngày đàm phán (ngày 4 - 27/7/1954), giải quyết một cách thỏa đáng vấn đề tù binh, đồng thời định ra thể thức cần thiết để thực hiện ngừng bắn trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam. Kết quả đàm phán tại Trung Giã đã góp phần vào thành công của Hội nghị Giơnevơ, tiến tới tiếp quản, giải phóng Thủ đô.
Để có được thắng lợi đó, Đại tá, PGS, TS Dương Hồng Anh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự cho hay, năm 1954, khi Đoàn đại biểu Chính phủ ta đi dự Hội nghị Giơnevơ, Thủ tướng Phạm Văn Đồng kể lại: “Tôi đến chào Bác trước khi đi Giơnevơ, Bác cho biết là sẽ có món quà quý tặng đoàn đại biểu của ta. Và chiến thắng Điện Biên Phủ, món quà vô giá ấy đã đến ngay chiều hôm trước ngày Hội nghị Giơnevơ khai mạc”. Món quà này cũng là yếu tố quyết định dẫn đến Hội nghị quân sự Trung Giã.
TS Nguyễn Văn Phong - Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội tham dự và phát biểu tại hội thảo |
Theo Đại tá, PGS.TS Dương Hồng Anh, trong việc xử lý quan hệ với các nước đối địch, chúng ta có nhiều quan điểm sáng tạo, sâu sắc, tạo dựng được mối quan hệ thỏa đáng, giải quyết mối quan hệ trước mắt có tính đến hệ quả và chiều hướng phát triển lâu dài. Với các nước ta phải đương đầu thì cần quan tâm vấn đề giữ thể diện cho họ. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Bác căn dặn cán bộ chiến sĩ: Ta chiến thắng rồi, công tác tuyên truyền chỉ nên biểu dương tinh thần anh dũng của quân và dân ta, không nên sỉ nhục đối phương, vì như thế sẽ kích động tinh thần tự ái dân tộc của họ. Hội nghị quân sự Trung Giã đã giải quyết thành công vấn đề này.
Đại tá, PGS.TS Dương Hồng Anh trình bày tham luận tại sự kiện |
Ông bày tỏ quan điểm, lịch sử, truyền thống và hiện tại đã hòa quyện thẩm thấu vào nhau, tạo nên văn hóa quân sự giữ nước độc đáo, thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam “lấy đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo”.
Điều này được vận dụng vào hiện nay như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đúc kết: “Mềm mại, khôn khéo, nhưng rất kiên cường quyết liệt; linh hoạt sáng tạo nhưng rất bản lĩnh, kiên định, can trường trước mọi thử thách, khó khăn vì độc lập dân tộc, vì tự do hạnh phúc của nhân dân. Đoàn kết nhân ái, nhưng kiên quyết, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc. Biết nhu, biết cương; biết thời, biết thế; biết mình, biết người; biết tiến biết thoái, tùy cơ ứng biến”.
Toàn cảnh hội thảo |
Trình bày tham luận tại Hội thảo, Thiếu tướng, TS Nguyễn Hồng Thái, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Công an, Bộ Công an đánh giá, Đoàn đại biểu Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam ở Hội nghị quân sự Trung Giã dưới sự chỉ đạo của Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh, đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ do Chủ tịch Hồ Chí Minh giao, góp phần tích cực vào thành công của Hội nghị Giơnevơ, để lại dấu ấn đậm nét của đối ngoại quân sự trong nền ngoại giao Việt Nam.
Thiếu tướng, TS Nguyễn Hồng Thái, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Công an, Bộ Công an trình bày tham luận |
“Đánh và đàm” là nét đặc sắc, nổi trội trong Hội nghị quân sự Trung Giã. Điều này thêm một lần nữa chứng minh nghệ thuật đặc sắc giá trị văn hóa quân sự của dân tộc Việt Nam. Kết quả nghệ thuật “đánh và đàm” trong Hội nghị Trung Giã đã góp trí tuệ và bài học lớn cho văn hóa quân sự của Đảng ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ sau này”, ông khẳng định.
Giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ
Với ý nghĩa to lớn của Hội nghị quân sự Trung Giã, nhiều năm qua, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sóc Sơn đã tham mưu với các cấp lãnh đạo huyện đưa sự kiện lịch sử này vào Tập bài giảng Giáo dục lịch sử địa phương Sóc Sơn, kèm theo đó là Tập tài liệu hướng dẫn giảng dạy tại các trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông trên địa bàn từ năm học 2012 - 2013 đến nay.
Phần Hội nghị quân sự Trung Giã được trình bày trong phần bài giảng “Sóc Sơn trong kháng chiến chống Pháp”… Đây là những tài liệu quan trọng giúp giáo viên và học sinh các nhà trường tìm hiểu, giảng dạy về lịch sử địa phương trong các giờ học chính khóa và ngoại khóa.
Bà Trần Thị Minh Huế - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sóc Sơn |
Bà Trần Thị Minh Huế - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sóc Sơn cho biết, việc đưa các nội dung này đưa vào chương trình giáo dục lịch sử tại các cấp học không chỉ đơn thuần là truyền tải lịch sử mà còn có ý nghĩa sâu sắc trong việc giáo dục đạo lý, truyền thống; khẳng định trí tuệ, bản lĩnh; tôn vinh những anh hùng, liệt sĩ đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng, giải phóng dân tộc. Đây cũng là cơ hội để quảng bá, khẳng định vị thế của quê hương Sóc Sơn với cả nước về phương diện lịch sử, truyền thống cách mạng.
Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn Bùi Huy Cường cho biết, Nhân dân và các lực lượng vũ trang huyện Đa Phúc trước đây, huyện Sóc Sơn ngày nay vinh dự là địa phương tổ chức Hội nghị, và tự hào tham gia bảo vệ, phục vụ, góp phần vào thành công của Hội nghị.
Nhiều em học sinh tham dự và chăm chú lắng nghe các đại biểu trình bày tham luận. Đây là dịp để các em hiểu về lịch sử quê hương Sóc Sơn và Thủ đô |
Trong 70 năm qua, Hội nghị quân sự Trung Giã và hình ảnh những con người đã tham gia và tạo nên thành công của hội nghị như Đại tướng Văn Tiến Dũng, Thượng tướng Song Hào, đồng chí Lê Quang Đạo và những tên tuổi khác như đồng chí Hồng Hà, Lê Minh Nghĩa, Lưu Văn Lợi… vẫn luôn in đậm trong ký ức, lịch sử truyền thống hào hùng của quân và dân huyện Sóc Sơn, trong bài học về lịch sử của các thế hệ học sinh Sóc Sơn.
Năm 2002, Khu di tích cách mạng kháng chiến Trung Giã được thành phố xếp hạng, được xây dựng, trở thành nơi giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng của địa phương. Tiếp nối truyền thống vẻ vang của quê hương, ngày nay, các thế hệ cán bộ, đảng viên, nhân dân và các lực lượng vũ trang huyện Sóc Sơn đang nỗ lực phấn đấu xây dựng huyện ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
Từ một huyện nghèo của Hà Nội, Sóc Sơn ngày nay đang chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng công nghiệp hóa, đô thị hóa, phát triển du lịch, dịch vụ, đang từng bước phát triển theo hướng đô thị cửa ngõ phía Bắc của Thủ đô.
Các đại biểu tham dự hội thảo |
Tiếp tục cống hiến trí tuệ, xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại
Tại hội thảo, bà Văn Minh Tâm - con gái của Đại tướng Văn Tiến Dũng bày tỏ xúc động và vinh dự: “Chúng tôi tự hào về những đóng góp của cha mình và nguyện tiếp tục sống sao cho xứng đáng với những hy sinh của các thế hệ cha anh đi trước. Đây là một hội thảo hết sức ý nghĩa nhằm giáo dục truyền thống cách mạng của Việt Nam cho các thế hệ sau này” – bà Văn Minh Tâm chia sẻ.
Đánh giá cao Hội thảo khoa học này, TS Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định, sự kiện này một trong những hoạt động lớn, trọng tâm, có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, có ý nghĩa thiết thực hướng tới Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024).
Bà Văn Minh Tâm - con gái của Đại tướng Văn Tiến Dũng |
“Những tham luận và ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học đã góp phần bổ sung thông tin, tư liệu để tiếp tục khẳng định và làm sâu sắc hơn tầm vóc to lớn, ý nghĩa thắng lợi của Hội nghị quân sự Trung Giã đến tiếp quản, giải phóng Thủ đô, góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân đối với công cuộc đổi mới đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo.
Điều này còn giáo dục lý tưởng cách mạng, truyền thống yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc; khích lệ, cổ vũ động viên các tầng lớp Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ noi gương thế hệ ông cha ra sức học tập, lao động và cống hiến sức lực, trí tuệ để xây dựng Thủ đô giàu đẹp, văn minh, hiện đại, đồng thời rút ra những kinh nghiệm quý báu cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”, đồng chí nói.
Đại tá, TS Lê Thanh Bài, Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự tổng kết hội thảo |
Tổng kết nội dung Hội thảo, Đại tá, TS Lê Thanh Bài, Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự (Bộ Tổng Tham mưu) một lần nữa nhấn mạnh, các tham luận đã tập trung phân tích, làm sâu sắc hơn vai trò, vị trí và ý nghĩa của Hội nghị quân sự Trung Giã, tôn vinh những công lao, đóng góp của lực lượng vũ trang và Nhân dân ta, đặc biệt cấp ủy Đảng, quân và dân huyện Sóc Sơn - Trung Giã, đã vượt qua mọi khó khăn, thiếu thốn, nỗ lực hết mình cho thành công Hội nghị quân sự Trung Giã, góp phần giải phóng Thủ đô Hà Nội và miền Bắc Việt Nam.
Ông cũng tin tưởng rằng, cán bộ, đảng viên, các lực lượng vũ trang Nhân dân Hà Nội nói chung, Sóc Sơn nói riêng luôn nỗ lực, phấn đấu không ngừng, xây dựng, phát triển ngày càng giàu đẹp, văn minh, xứng đáng là Thủ đô - trái tim của cả nước và danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”; đồng thời, luôn dành sự quan tâm thích đáng đối với việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các di tích lịch sử trong đó có di tích lịch sử cách mạng kháng chiến Trung Giã.