Bản lĩnh của người chiến sĩ chống “giặc lửa”
Thường xuyên đối mặt với nguy hiểm
Năm 2010, sau khi tốt nghiệp trường Đại học Phòng cháy chữa cháy (PC&CC) Xuân Chi về công tác tại Đội Cảnh sát PC&CC Gia Lâm. Lúc đi học, dù đã trải qua rất nhiều bài tập thực hành nhưng khi bước vào thực tế Chi vẫn thấy khác xa nhiều quá. Trước ngọn lửa cháy lớn, thời gian cứu người, cứu tài sản tính bằng giây, tính chủ động và nhạy bén với tình huống được đẩy lên cực điểm... Khi đó, người chiến sĩ quên hết mọi hiểm nguy chỉ tập trung nghe lệnh chỉ huy và phối hợp với đồng đội nhịp nhàng, làm sao nhanh chóng dập lửa, đưa người bị hại và tài sản ra ngoài nhanh nhất…
Sau những bỡ ngỡ ban đầu, anh dần tích lũy được kinh nghiệm và không ít lần là người trực tiếp chỉ huy đồng đội lao vào đám cháy cứu người, cứu tài sản của nhân dân. Trải qua rất nhiều hiểm nguy nhưng chưa bao giờ Đại úy Đỗ Xuân Chi quên lần cùng đồng đội đến chữa cháy bốt điện trên đường Nguyễn Văn Cừ (Long Biên, Hà Nội).
Đại úy Đỗ Xuân Chi thăm tặng quà các gia đình có hoàn cảnh khó khăn
“Trên đường xuống hiện trường chúng mình nhận được thông tin của Trung tâm chỉ huy PC&CC là đã phối hợp với bên Điện lực cắt điện tại khu vực xảy ra cháy nổ. Vì vậy, ngay khi đến nơi mình lệnh cho anh em triển khai công tác chữa cháy. Tuy nhiên, khi vừa phun nước lên xảy ra hiện tượng truyền điện. Điều này vô cùng nguy hiểm vì nó tác động trực tiếp đến tính mạng chiến sĩ cầm vòi chữa cháy và rất nhiều người dân đang đứng xung quanh. Ngay lập tức mình yêu cầu anh em dừng triển khai chữa cháy bằng nước, gọi cho bên Điện lực cắt điện sau đó tiếp tục triển khai các phương án khác để chữa cháy kịp thời” - Đại úy Chi kể.
Cũng theo Đại úy Xuân Chi, việc chữa cháy cứu người, cứu tài sản là sự phối hợp nhịp nhàng của cả tập thể. Nếu người chỉ huy không nhanh nhậy có thể gây ảnh hưởng không nhỏ đến đồng đội. Vì vậy, anh không chỉ phải rèn luyện bản lĩnh, lòng quả cảm mà còn phải liên tục học hỏi làm chủ khoa học kỹ thuật, nắm vững các yếu tố liên quan đến ngọn lửa, chất cháy, đặc điểm của đám cháy cũng như cơ sở xảy ra cháy, … để hạn chế tối đa những hậu quả do cháy nổ gây ra về người và tài sản.
“Công việc của chúng mình thường xuyên phải đối mặt với hiểm nguy, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng. Tuy nhiên, chúng mình luôn sẵn sàng lao vào những hiểm nguy đó để bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân” - Đại úy Chi tâm sự.
Yêu công tác Đoàn
Công tác trong lực lượng Công an được gần 12 năm cũng là ngần ấy thời gian Đại úy Đỗ Xuân Chi gắn bó với công tác Đoàn. Yêu các hoạt động tập thể nên ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường anh đã năng nổ tham gia các hoạt động Đoàn, Hội của lớp, trường. Năm 2012, Đại úy Xuân Chi được cấp trên và đồng đội tín nhiệm giao giữ chức danh Phó Bí thư Đoàn Thanh niên Cảnh sát phòng cháy chữa cháy thành phố Hà Nội.
Trên cương vị thủ lĩnh Đoàn, anh đã cùng tập thể Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên Cảnh sát PC&CC TP Hà Nội thực hiện tốt chức năng tham mưu khi xây dựng và tổ chức, thực hiện nhiều chương trình, kế hoạch công tác Đoàn thiết thực như: Tháng Văn hoá thể thao thanh niên, phụ nữ lực lượng Cảnh sát PC&CC Thủ đô; lễ thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ nhân Ngày thương binh liệt sĩ 27/7; Ngày hội hiến máu tình nguyên; thực hiện tốt phong trào “Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” và phong trào “Thanh niên CAND học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy” do Bộ Công an phát động…
Những năm gần đây tình hình cháy, nổ trên địa bàn cả nước nói chung và TP Hà Nội nói riêng xảy ra phức tạp, nguyên nhân chủ yếu do người dân chưa được trang bị những kiến thức cơ bản về phòng cháy, chữa cháy. Để hạn chế thiệt hại về người và tài sản do các vụ cháy, nổ gây ra, Đại úy Chi đã cùng tập thể Ban Chấp hành Đoàn xây dựng kế hoạch, tổ chức các hoạt động tuyên truyền phổ biến pháp luật về công tác phòng cháy chữa cháy; thành lập Đội thanh niên xung kích tuyên truyền, tập huấn phòng cháy chữa cháy.
Hoạt động nhanh chóng lớn mạnh, được nhân rộng, trở thành chương trình thu hút đông đảo đoàn viên thanh niên tình nguyện tham gia. Cán bộ, chiến sĩ của các đội xung kích đã sử dụng thời gian ngoài giờ đi làm để đến tuyên truyền phổ biến kiến thức về PC& CC tại các khu chung cư, cụm dân cư, tổ dân phố, cơ sở nguy hiểm cháy nổ cao trên địa bàn TP Hà Nội. Chương trình đã xây dựng được hình ảnh đẹp, thân thiện trong mắt người dân Thủ đô về người chiến sĩ Cảnh sát PC&CC.
Tháng 8/2017, Đại úy Đỗ Xuân Chi trở thành Bí thư Đoàn Thanh niên Cảnh sát PC&CC thành phố Hà Nội. Ngoài trăn trở, chú trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho đoàn viên thanh niên gắn với các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, anh còn chủ động xây dựng các kế hoạch tham mưu với Thành đoàn Hà Nội tổ chức tuyên truyền phòng cháy chữa cháy; tổ chức các cuộc thi tuyên truyền, tìm hiểu pháp luật về PC&CC cho 100% cán bộ Đoàn trong toàn thành phố.
“Công tác PC&CC có thực hiện tốt hay không phụ thuộc rất lớn vào đoàn viên thanh niên vì họ chính là lực lượng xung kích trên mọi mặt trận. Vì vậy, ngoài tổ chức tập huấn cho cán bộ đoàn, chúng mình cũng sẽ tham mưu với Thành đoàn Hà Nội phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tuyên truyền phòng cháy chữa cháy trong trường học. Đến giờ chúng mình đã tổ chức được rất nhiều khóa học về phòng cháy chữa cháy cho các bé mầm non. Chúng mình sẽ đẩy mạnh hoạt động này trong học sinh tiểu học và trung học cơ sở. Mình tin hoạt động này không chỉ góp phần thiết thực vào công tác phòng cháy chữa cháy của thành phố mà còn giúp đoàn viên của mình trưởng thành hơn” - Đại úy Chi cho biết.