Báo chí - người bạn đồng hành của ngành Bảo hiểm xã hội
Hội nghị tập huấn kiến thức về BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho nhà báo, phóng viên năm 2019
“Cầu nối” của chính sách an sinh xã hội
Bảo đảm an sinh xã hội là chủ trương nhất quán, xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta trong quá trình lãnh đạo, điều hành đất nước. Trong hệ thống an sinh xã hội, BHXH, BHYT là trụ cột chính, ngày càng khẳng định vị trí, vai trò quan trọng. Đó là công cụ đắc lực của Nhà nước nhằm mục đích chăm lo, bảo vệ và phát triển con người, vì sự tiến bộ và công bằng xã hội.
Nói cách khác, an sinh xã hội là một trong những yếu tố quan trọng để phát triển bền vững; Đồng thời là vấn đề mang tính cấp bách cho sự ổn định chính trị của mỗi quốc gia, khu vực.
Trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, BHXH, BHYT ngày càng quan trọng trong việc góp phần bảo đảm công bằng và phát triển xã hội một cách bền vững. Thực tế cho thấy, vai trò của BHXH, BHYT là rất to lớn đối với đời sống kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, một bộ phận không nhỏ người dân và doanh nghiệp chưa nhận thức được tầm quan trọng dẫn đến tình trạng chưa tham gia chưa đầy đủ và thiếu tính chủ động.
Với vai trò đặc biệt của mình, trong những năm qua, các cơ quan báo chí đã phối hợp với ngành BHXH trong công tác tuyên truyền, giám sát và định hướng dư luận. Nhiều nhà báo, phóng viên chuyên trách đã khai thác và sáng tạo nhiều tác phẩm báo chí sinh động, từng bước nâng cao nhận thức, hiểu biết, chia sẻ và tạo sự đồng thuận của xã hội đối với các chính sách lớn về BHXH, BHYT nói chung, góp phần củng cố niềm tin của các tầng lớp nhân dân vào hệ thống chính sách an sinh xã hội.
Nhận định về vai trò của báo chí trong việc tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT, đồng chí Đào Việt Ánh, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam nhấn mạnh: Trong những năm qua, báo chí như người bạn đồng hành, "đối tác" quan trọng của BHXH Việt Nam trong việc truyền tải các thông điệp về BHXH, BHYT một cách rõ ràng; Thúc đẩy tiến trình chuyển biến nhận thức, khẳng định vị trí, vai trò của chính sách BHXH, BHYT.
Đặc biệt, mối quan hệ giữa những người làm báo và người làm công tác BHXH, BHYT ngày càng trở nên mật thiết, gắn bó hơn bao giờ hết. Thông qua các cơ quan báo chí, công tác truyền thông về BHXH, BHYT được tiến hành mạnh mẽ với độ bao phủ rộng khắp, tần suất tăng. Hình thức truyền thông được thể hiện phong phú, nội dung bảo đảm trọng tâm, trọng điểm về những điểm mới của Luật BHXH, BHYT, dự báo tác động quyền lợi, tâm lý của người lao động, người sử dụng lao động…
Hiện tại, BHXH Việt Nam đã và đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí, đặc biệt là các nhà báo, phóng viên chuyên trách lĩnh vực BHXH, BHYT để nâng cao hiệu quả truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng. Qua đó, nhận thức của các cấp, ngành và nhân dân về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về BHXH, BHYT được nâng cao; Đồng thời cổ vũ, động viên nhân dân và người lao động tích cực tham gia BHXH, BHYT, hướng tới mục tiêu BHXH, BHYT toàn dân.
“Qua theo dõi các tin bài được đăng tải trên các cơ quan báo chí, tôi nhận thấy, báo chí không chỉ có nhiệm vụ tuyên truyền các chính sách BHXH đến với người dân mà còn tham mưu cho các nhà hoạch định chính sách, đóng góp quan trọng cho hệ thống BHXH, BHYT vận hành một cách minh bạch, rõ ràng.
Với độ bao phủ rộng, cập nhật liên tục, không giới hạn, báo chí là phương tiện chuyển tải thông tin BHXH, BHYT nhanh chóng và hữu hiệu nhất. Đặc biệt, các phương tiện truyền thông, báo chí còn luôn dành chuyên trang, mục, thời lượng truyền thông phù hợp nhằm nhân rộng những điển hình, nhân tố tích cực, cổ vũ các phong trào; Góp phần củng cố, khẳng định niềm tin của người dân vào chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước trong lĩnh vực này.
Bên cạnh đó, các nhà báo, phóng viên cũng phản ánh những góc khuất, vấn đề bức xúc trong đời sống xã hội để cơ quan chức năng kịp thời nắm bắt, giải quyết nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và hiệu quả công tác phục vụ nhân dân”, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh nhấn mạnh.
Tiếp tục phối hợp vì mục tiêu chung
Để nâng cao kiến thức chuyên ngành cho đội ngũ nhà báo, phóng viên, biên tập viên chuyên trách của các cơ quan báo chí, những năm qua, ngành BHXH liên tục tổ chức các lớp tập huấn trang bị kiến thức về BHXH, BHYT. Giảng viên của lớp tập huấn là các chuyên gia, nhà hoạch định chính sách có nhiều kinh nghiệm sẽ giúp các phóng viên có cái nhìn đa chiều về lĩnh vực an sinh xã hội. Qua đó, cơ quan BHXH và các phóng viên hiểu nhau hơn cũng như dễ dàng trao đổi thông tin.
Nói về công tác phối hợp giữa cơ quan báo chí với ngành BHXH, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông BHXH Việt Nam Nguyễn Đức Toàn cho biết: Thời gian qua, công tác phối hợp tuyên truyền giữa BHXH Việt Nam và các cơ quan báo chí đã được nâng lên tầm cao mới. Các cơ quan báo chí đã chú trọng đến việc xây dựng các chuyên trang, chuyên mục cố định để tuyên truyền về BHXH, BHYT. Hầu như hằng ngày trên sóng của các đài phát thanh, đài truyền hình, trên các báo ở Trung ương và địa phương đều có tin, bài, ảnh, phóng sự, tọa đàm… về BHXH, BHYT.
Ngoài ra, BHXH Việt Nam còn thường xuyên tổ chức Hội nghị cung cấp thông tin định kỳ về BHXH, BHYT cho phóng viên của các cơ quan báo chí. Nhiều nội dung được BHXH Việt Nam cung cấp đầy đủ, kịp thời, giúp các phóng viên và cơ quan báo chí thực hiện viết tin, bài hoặc xây dựng các chương trình tuyên truyền sát với thực tế.
Đặc biệt, các phóng viên, biên tập viên đã có sự đầu tư thời gian, công sức sáng tạo nhiều tác phẩm báo chí viết về BHXH, BHYT có chất lượng để tham dự các giải báo chí. Có thể nói, đây là giai đoạn BHXH Việt Nam triển khai phối hợp tuyên truyền mạnh mẽ trên tất cả các loại hình báo chí và rộng khắp từ Trung ương đến các địa phương. Hoạt động này đã góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi và toàn diện các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.
Khẳng định BHXH, BHYT là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh: Trách nhiệm tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BHXH, BHYT trước hết thuộc về các cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan thực thi chính sách.
Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí cũng góp phần rất quan trọng trong việc tuyên truyền, giám sát, định hướng dư luận. Theo đó, tuyên truyền phải phản ánh đúng sự thật, bản chất, làm sao để người dân hiểu rõ chính sách, phải đả thông tư tưởng. Chưa kể, do các yếu tố đặc thù của chính sách, đòi hỏi các phóng viên, biên tập viên phải thực sự am hiểu sâu sắc về chính sách, pháp luật thì việc tuyên truyền mới đạt hiệu quả.