Báo động tình trạng "xả hơi" sau dịch bệnh, liên tiếp nhiều vụ TNGT liên quan bia rượu
"Xả hơi" bằng bia rượu sau giãn cách
Đầu tháng 11 vừa qua, khoa Cấp cứu Bệnh viện Việt Đức tiếp nhận anh Hoàng Trọng T (43 tuổi, trú tại Hà Đông, Hà Nội) nhập viện trong tình trạng đa chấn thương, đặc biệt nghiêm trọng là vết thương ở vùng đầu. Người nhà nạn nhân cho biết, anh T gặp nạn do va chạm với một chiếc xe tải trên đường trở về nhà sau bữa tiệc liên hoan tân gia của một người bạn. Trong bữa ăn đó, anh đã sử dụng khá nhiều rượu bia.
Sau khi được bác sỹ cấp cứu và xử trí kịp thời, anh T dần dần hồi tỉnh và có thể trò chuyện. Kể lại nguyên nhân dẫn đến tai nạn, người đàn ông 43 tuổi ngại ngùng nói: "Tất cả là do rượu! Số là, tôi chơi với một nhóm bạn thân chừng gần chục người, thường xuyên giao lưu, ăn nhậu với nhau. Suốt mấy tháng giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19, chúng tôi không gặp nhau nên "nhớ" quá. Ngay khi Hà Nội cho phép tụ họp, chúng tôi đã lên kế hoạch làm một bữa nhậu ra trò. Việc mừng tân gia chỉ là cái cớ thôi, thực ra là gặp nhau để uống rượu cho bõ những ngày giãn cách".
Hiện trường một vụ tai nạn giao thông có liên quan đến bia rượu |
Rượu say lướt khướt, anh T tự điều khiển xe máy về nhà. Việc gì đến đã đến, anh không kiểm soát được tay lái nên va chạm với xe tải. Cũng may, địa điểm xảy ra tai nạn gần nhà nên thân nhân của anh T được thông báo đã tới ngay hiện trường, đưa đi cấp cứu. Anh T coi đây là bài học "khi đã lái xe thì không nên uống rượu bia là tốt nhất", dù nhận ra điều này cũng đã là muộn nhưng như T nói "vẫn còn may mắn hơn nhiều người khác".
Quả vậy, cùng nhập viện cấp cứu với anh T đêm hôm đó còn 2 trường hợp gặp nạn sau khi đã sử dụng rượu bia. Câu chuyện của họ tương tự nhau: Anh em, bạn bè rủ rê nhậu nhẹt sau thời gian giãn cách xã hội. Vừa vui vì gặp bạn, vừa thích với men nồng, nên họ uống quá chén, dẫn đến tai nạn. Hậu quả là một người phải tháo khớp háng - tức là chịu cảnh tàn tật suốt đời. Người khác thì hôn mê đến nay chưa tỉnh lại, bác sĩ nói rằng tiên lượng của anh này rất xấu.
Thống kê từ Bệnh viện Việt Đức chỉ ra một con số giật mình: Sau khi nới lỏng giãn cách, số ca nhập viện cấp cứu do tai nạn giao thông có xu hướng gia tăng so với thời gian giãn cách xã hội.
Cụ thể, trong gần 2 tháng giãn cách xã hội chỉ có 541 trường hợp nhập viện Việt Đức liên quan đến tai nạn giao thông nhưng chỉ trong 1 tháng nới lỏng giãn cách, đã có 626 bệnh nhân nhập viện điều trị do tai nạn giao thông; Còn trong 10 tháng qua, tổng số trường hợp nhập viện cấp cứu liên quan đến tai nạn giao thông tại Bệnh viện Việt Đức là 9.386 trường hợp. "Phần đông các trường hợp nhập viện liên quan đến việc sử dụng bia, rượu khi lái xe", thông tin từ bệnh viện cho hay.
Vui thôi đừng vui quá!
Theo thống kê của Ủy ban ATGT Quốc Gia, 9 tháng năm 2021, lần đầu tiên trong nhiều năm qua, tai nạn giao thông giảm sâu cả ba tiêu chí: Số vụ, số người chết và bị thương. Nguyên nhân được cho là do tình hình dịch Covid-19 trong năm 2021 diễn biến phức tạp nên từ cuối tháng 6/2021, ở nhiều địa phương, nhất là thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía Nam, phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, 16.
Điều khiển phương tiện giao thông sau khi uống rượu bia có thể gây ra hậu quả khôn lường (Ảnh minh họa) |
Tuy nhiên, tình trạng người điều khiển phương tiện sau khi sử dụng rượu bia lại có dấu hiệu nghiêm trọng trở lại trong thời gian gần đây. Đại úy Lương Văn Quý (Đội Cảnh sát giao thông số 5, Phòng Cảnh sát giao thông) cho biết, ca trực đêm 27/10 của tổ công tác đã phát hiện nhiều lái xe mô tô, ô tô vi phạm nồng độ cồn. Điển hình là anh Vũ Ngọc T (ở tỉnh Hưng Yên) khi kiểm tra có nồng độ cồn 0,651mg/lít khí thở. Trước đó, anh T có uống rượu mừng sinh nhật bạn. Với mức này anh T bị phạt 7,5 triệu đồng.
Sử dụng rượu, bia cũng là tác nhân gây tai nạn khi đêm 22/10, trên đường Long Biên - Xuân Quan đoạn qua địa bàn phường Long Biên (quận Long Biên) đã xảy ra vụ tai nạn liên hoàn khiến 3 ô tô và 2 xe máy hư hỏng, 2 người đi xe máy bị thương nặng. Qua điều tra ban đầu, nguyên nhân do lái xe biển kiểm soát 30G-364.xx là anh Bùi Ngọc H (ở phường Giảng Võ, quận Ba Đình) sử dụng rượu bia, đi lấn làn.
Thực tế, người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng rượu, bia là một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến tai nạn giao thông. Mặc dù, Luật Phòng chống tác hại của rượu bia có hiệu lực từ ngày 1/1/2020 và Nghị định 100/2019/NĐ-CP đã quy định mức xử phạt nghiêm khắc đối với người điều khiển phương tiện giao thông có nồng độ cồn quá mức cho phép nhưng các vi phạm về trật tự tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia vẫn còn diễn ra và để lại những hậu quả nặng nề cho người tham gia giao thông.
Do không kiểm soát được nhận thức và hành vi bởi tác động của chất cồn trong cơ thể, người sử dụng rượu bia thường không làm chủ được tay lái, có xu hướng phóng nhanh, vượt ẩu, không chấp hành tín hiệu đèn và hay ngủ gật khi đang điều khiển phương tiện. Điều đó dễ dẫn đến người điều khiển tự gây tai nạn (do tông vào dải phân cách, gốc cây, trụ điện, các xe khác đang dừng đỗ…) hoặc gây tai nạn với phương tiện khác. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến các thương tật nặng nề, cái chết đau lòng cho người tham gia giao thông.