Bạo lực học đường, mức độ nào cần pháp luật vào cuộc?
Bạo lực học đường liên tiếp gia tăng: Cần "liều thuốc" mạnh Hưng Yên: Clip nhóm nữ sinh trường quốc tế hành hung bạn Cảnh báo về vấn nạn bạo lực học đường |
Mới đây, tại Trường Cao đẳng Công nghệ TP Hồ Chí Minh đã xảy ra vụ xô xát, đánh hội đồng giữa một số sinh viên chỉ vì mâu thuẫn từ việc làm đổ chai nước. Vụ việc này khiến Công an TP Thủ Đức phải vào cuộc, điều tra.
Hay như cách đây khoảng 1 tháng, một em học sinh (sinh năm 2009) tại Trung tâm GDTX huyện Củ Chi đã bị bạn bè cùng trung tâm đánh hội đồng một cách dã man và quay clip tung lên mạng. Đến nay, tinh thần em vẫn chưa thể ổn định hoàn toàn, không dám đến trường vì khủng hoảng tâm lý.
Còn nhớ vào tháng 4 năm nay, xã hội bàng hoàng bởi những đoạn clip quay được cảnh cô giáo mầm non tại lớp Mẫu giáo Tí Bo (TP Thủ Đức) bạo hành các em học sinh còn rất nhỏ tuổi. Vụ việc gây phẫn nộ dư luận đến nỗi cơ sở này đã bị buộc đình chỉ hoạt động, các đối tượng liên quan bị khởi tố, điều tra, xử lý.
Vụ việc giáo viên bạo hành học sinh tại lớp Mẫu giáo Tí Bo, TP Thủ Đức (Ảnh cắt từ clip) |
Ngoài ra, còn rất nhiều vụ việc tương tự khác cũng được ghi nhận trên các phương tiện truyền thông, từ việc học sinh bị bắt nạt tập thể, đến những vụ hành hung xảy ra ngay trong khuôn viên trường học. Các em đánh như thể không biết có khả năng tước đoạt mạng sống của người khác.
Các vụ bạo lực học đường diễn ra với mức độ ngày càng nghiêm trọng, thậm chí một số vụ việc đã gây tổn thương nặng nề về cả thể chất lẫn tâm lý cho các nạn nhân. Học sinh sợ đến trường, phụ huynh cũng bất an, lo lắng.
Luật sư Phùng Huyền, Công ty Luật A+ nhìn nhận, gốc rễ dẫn đến hành vi bạo lực học đường chính là “cái tôi”. Theo đó, tuổi dậy thì là thời kỳ các em hình thành và chứng tỏ “cái tôi” của mình, giáo dục hiện nay chỉ chú trọng những kiến thức học thuật đơn thuần, giúp đứa trẻ tư duy nhưng lại ít quan tâm giáo dục các em cách kiểm soát, nhìn thấy suy nghĩ, cách ngừng suy nghĩ, dẫn tới đứa trẻ đồng nhất bản thân với suy nghĩ của mình.
Cũng theo luật sư Phùng Huyền, một nguyên nhân khác nữa là do nguồn tin của trẻ tiếp nhận hiện nay quá phức tạp, bạo lực và cách tiếp cận lại quá dễ dàng (qua phim ảnh, điện thoại, mạng xã hội…) dẫn đến học sinh rất dễ ứng xử bạo lực trong cuộc sống. Ví như hiện nay, rất nhiều các bạn học sinh nghĩ việc chửi bậy, đánh bạn là bình thường.
Gốc rễ dẫn đến hành vi bạo lực học đường là do “cái tôi”, một phần còn bởi tác động từ xã hội (ảnh cắt từ clip) |
Theo vị luật sư, để tránh cho con em phải chịu những ảnh hưởng xấu từ bạo lực học đường, việc đầu tiên là cha mẹ phải quan tâm, chú ý khi cảm nhận được những năng lượng tiêu cực, nặng nề bất thường ở con.
“Một trong những biểu hiện là con ít tiếp xúc với cha mẹ, đắm chìm trong điện thoại, thường xuyên cáu giận và buồn bực. Những gì hiển thị ra bên ngoài là phóng chiếu từ bên trong. Do vậy, khi thấy các biểu hiện tiêu cực này, phụ huynh không nên coi nhẹ, lơ là”, luật sư Phùng Huyền chia sẻ và cho biết thêm, nếu bậc phụ huynh không biết cách xử trí thì nên nhờ chuyên gia tư vấn tâm lý, luật sư, pháp luật...
Về phía nhà trường phải có các biện pháp để phát hiện bạo lực học đường sớm (thường xuyên đi kiểm tra, chú ý các góc khuất, lắp camera …), nếu phát hiện tình trạng bạo lực học đường phải nhanh chóng xử lý, không để gây hậu quả đáng tiếc. Trường hợp vượt quá khả năng giải quyết thì phải thông báo đến chính quyền hoặc công an để xử lý theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, phụ huynh và nhà trường cũng nên trang bị kiến thức, kỹ năng về phòng, chống xâm hại cho con em, khuyến khích các em cùng nhau xây dựng một môi trường học đường an toàn và thân thiện.
Nếu nhà trường, phụ huynh nhận thấy vụ việc bạo lực học đường đã nằm ngoài khả năng tự xử lý thì hãy chủ động nhờ đến sự can thiệp của pháp luật (Ảnh minh hoạ) |
Mới đây, UBND TP Hồ Chí Minh cũng đã ban hành kế hoạch về việc tăng cường công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong phòng chống bạo lực học đường, phòng ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội trong học sinh, sinh viên (HSSV) trên địa bàn thành phố.
Theo đó, UBND TP Hồ Chí Minh yêu cầu các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị thực hiện hiệu quả 7 nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; đổi mới nội dung, phương pháp và hình thức giáo dục trong các cơ sở giáo dục; nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, giảng viên, giáo viên; tăng cường sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường, xã hội.
UBND thành phố cũng yêu cầu tăng cường cơ sở vật chất và đảm bảo thiết chế tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao cho HSSV; đảm bảo an ninh, an toàn, trật tự xã hội tại khu vực trường học; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong phòng chống bạo lực học đường, phòng ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội trong HSSV.