Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng – một nhiệm vụ cấp bách
Để trẻ em Việt Nam là công dân "chuẩn" thời đại số… Bảo vệ trẻ em như thế nào trên không gian mạng trong dịch Covid? Trong mâu thuẫn gia đình, trẻ em là tấm gương phản chiếu cha mẹ |
Nhiều nguy cơ mất an toàn
Hiện nay, Internet đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích, tham gia môi trường mạng, trẻ phải đối mặt với nhiều rủi ro khi tiếp xúc những nội dung không phù hợp. Ngoài ra, các em còn đối diện với nguy cơ nghiện internet/game trực tuyến, mạng xã hội, xâm hại tình dục...
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Internet dễ dàng tạo ra chứng nghiện mạng xã hội nếu như người dùng không biết cách sử dụng phù hợp. Các phân tích cho thấy, người truy cập mạng thường xuyên ở giới hạn nào đó sẽ trở thành người nghiện mạng và rất dễ mắc chứng sang chấn tâm lý, giống như những biểu hiện bất ổn về mặt tâm thần.
Điều này sẽ càng nguy hiểm hơn khi người sử dụng mạng internet là trẻ em. Bởi khi sử dụng mạng internet trẻ em thường chưa biết giới hạn về thời gian và không gian sử dụng phù hợp, chưa biết tự bảo vệ mình trước những rủi ro có thể gặp phải. Nhiều em mắc hội chứng nghiện điện thoại thông minh, nghiện chơi game online... dẫn đến bị ảo giác, gây ra tổn hại về cả thể chất và tinh thần, khó hồi phục.
: Ở đâu chúng ta cũng có thể bắt gặp hình ảnh trẻ em sử dụng smartphone |
“Khi lướt bảng tin trên facebook, em cập nhật thêm được nhiều thông tin nhưng đôi lúc cũng có những nội dung không được phù hợp.” là chia sẻ của Nguyễn Quỳnh Anh, học sinh lớp 9, trường THCS Tam Hiệp (Thanh Trì). Theo Quỳnh Anh, không ít những tin nhắn trên facebook dụ dỗ, lôi kéo, tán tỉnh từ những người không quen biết. Cũng nhiều bạn của Quỳnh Anh đã bị lừa tiền qua hình thức bán hàng, hoặc tặng quà…
Không chỉ trên mạng xã hội, nguy hiểm còn “rình rập” các em khi truy cập vào các trang web. Theo lời em Hoàng Anh Tuấn, học sinh lớp 8, trường THCS Dịch Vọng Hậu kể lại, trong một lần em tìm kiếm tài liệu học trên mạng, 2 góc trái và phải màn hình đã hiện lên nhiều đường link của các trang website quảng cáo cá độ, website có nội dung 18+,…
Song, điều tệ hại nhất là nguy cơ trẻ em bị xâm hại tình dục thông qua việc hình ảnh trẻ em bị xâm hại và bóc lột được ghi, quay, chụp lại, dùng để đe dọa phát tán hoặc livestream khiến trẻ bị ép buộc trở thành nô lệ tình dục. Ngoài ra, trẻ cũng như phải tiếp xúc với nội dung bạo lực, nhạy cảm; tiếp xúc nội dung và hành vi tiêu cực khác.
Tạo lập hệ miễn dịch “số” cho trẻ
Thanh thiếu niên là độ tuổi dễ tiếp cận internet, nhưng cũng dễ bị tổn thương, bị ảnh hưởng tiêu cực nhất. Tuy nhiên, với lứa tuổi đang có những thay đổi về tâm sinh lý này, những giải pháp cần được đưa ra một cách khéo léo.
Là người bố của 3 con, nhà báo Hoàng Anh Tú, hay còn được biết đến là anh Chánh Văn của Báo Hoa học trò, cho rằng các phụ huynh không được buông lỏng, cần có những phương pháp khéo léo, tìm hiểu các dịch vụ giám sát trẻ khi sử dụng internet.
“Làm thế nào để bảo vệ con trên không gian mạng?” là băn khoăn của nhiều phụ huynh |
“Cách sử dụng mạng internet của trẻ em bây giờ rất khác so với người lớn. Chúng thường truy cập vào các trang đích, hội nhóm chứ không lướt, dạo quanh thông tin như người lớn. Hơn nữa, chúng hoạt động ẩn mình, không sử dụng hình ảnh, tên thật, xóa lịch sử vào trang web… khiến cho cha mẹ muốn kiểm soát và bảo vệ trẻ trên mạng là hết sức khó khăn.”, nhà báo Hoàng Anh Tú cho biết.
Tuy khó khăn là vậy nhưng ngày nay, với sự phát triển của khoa học công nghệ, nhiều ứng dụng đã được ra đời. Phụ huynh có thể tận dụng nhiều ứng dụng công nghệ giáo dục hiện đang có rất nhiều trên các gian hàng của nền tảng Android hoặc IOS để giúp cho việc học tập và rèn luyện của con trên môi trường số trở nên hứng thú hơn. Ví dụ các ứng dụng tham quan bảo tàng ảo, công trình kiến trúc ảo; các trò chơi hướng nghiệp; các ứng dụng làm thí nghiệm thực tế ảo liên quan đến chương trình học...
Cùng với đó, thay vì kiểm soát, cấm đoán, phụ huynh có thể thường xuyên nhắc nhở con bảo vệ tài khoản, chia sẻ những tài liệu về quyền riêng tư. Ngoài ra, các bậc cha mẹ cần bổ sung kiến thức để khi con cần giúp đỡ là có thể gỡ rối cho các con.
Đã đến lúc cần những liều “vắc xin” từ các cơ quan chức năng, truyền thông, gia đình, nhà trường để giúp trẻ em “miễn dịch” với các nguy cơ tiềm ẩn trên thế giới số, mang lại môi trường văn minh, tích cực trên các nền tảng để thanh thiếu niên giữ được trạng thái “an toàn” trên môi trường mạng. Hãy lắng nghe trẻ bằng trái tim và bảo vệ trẻ bằng hành động!