Bảo vệ trẻ em trước bạo hành cần sự vào cuộc của toàn xã hội
Bảo vệ môi trường trong hoạt động đường thủy nội địa Chung tay bảo vệ và phòng chống xâm hại trẻ em Con gái là để yêu thương... |
Trước sự việc đau lòng của bé gái 12 tuổi ở phường Hà Cầu (Hà Đông, Hà Nội) nhiều bạn trẻ đã cùng bày tỏ ý kiến.
Chị Lương Thị Lê (Đống Đa, Hà Nội): Thông báo cho người thân biết khi bị đe dọa, xâm hại
Trẻ em cần được cảm thấy an toàn tại gia đình của mình. Nếu các em sống trong cảnh bạo lực và chịu ảnh hưởng của bạo lực gia đình sẽ không thể phát triển hài hoà về thể chất và nhân cách hoàn thiện. Bởi vậy, người lớn cần trang bị cho các bạn nhỏ các kỹ năng để phòng tránh bạo hành, xâm hại.
Chị Lương Thị Lê |
Tất cả những hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em tác động rất lớn đến quá trình phát triển tâm lý và thể chất của trẻ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến những giá trị đẹp đẽ của đạo đức xã hội, sự phát triển của đất nước. Do đó, hành vi này cần được phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn kịp thời bởi sự tham gia phối hợp, chung tay góp sức của các cơ quan chức năng, gia đình và toàn xã hội.
Gia đình tôi thường dạy con kiến thức về các bộ phận trên cơ thể, dạy con về ranh giới cá nhân, khuyến khích các con kể về hoạt động hàng ngày. Tôi bảo con cảnh giác cao, mách người lớn khi có người lạ hoặc người xung quanh có biểu hiện không tốt đối với con và trang bị kỹ năng xử lý khi gặp phải tình huống nguy hiểm.
Theo tôi, chúng ta cần dạy trẻ rằng, các con không phải sợ hãi hay lo lắng để rồi giấu đi khi có kẻ đe dọa hoặc làm tổn thương mình, trong trường hợp có kẻ xấu đe dọa phải giữ bí mật thì phải thông báo cho cha mẹ và người thân biết…
Anh Nguyễn Ngọc Ánh (ở Gia Lâm, Hà Nội): Phát huy vai trò của các đoàn thể tại địa phương
Vụ việc xảy ra với bé gái ở phường Hà Cầu thực sự rất đau lòng. Điều này sẽ ảnh hưởng cực kỳ nghiêm trọng đến tâm sinh lý của bé khi lớn lên. Từ những kí ức không lành mạnh sẽ để lại cho em một vết sẹo tâm lý cực lớn. Hậu quả càng nghiêm trọng hơn khi nó không được chữa lành và theo em đến hết cuộc đời sau này.
Anh Lê Ngọc Ánh |
Vì vậy, việc ngăn chặn xâm hại và bạo hành trẻ em cần phải được quan tâm và có sự vào cuộc của toàn xã hội. Trong đó, vai trò của các tổ chức như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ ở địa phương càng phải được phát huy hơn. Đặc biệt, với những gia đình “khiếm khuyết”, phức tạp càng cần sự quan tâm, sát sao của các đoàn thể.
Sự sát sao đó sẽ giúp chúng ta sớm phát hiện ra sự việc, có các biện pháp ngăn chặn kịp thời để bảo vệ trẻ em.
Chị Trần Thu Thủy (ở quận Long Biên): Thầy cô hãy là người bạn gần gũi, thân thiết của con trẻ
Ngoài gia đình, trường lớp luôn là nơi trẻ nhận được nhiều sự quan tâm. Đối với những trẻ có hoàn cảnh đặc biệt càng cần sự quan tâm nhiều hơn của giáo viên. Thầy cô cũng là những người gần gũi hàng ngày nên dễ dàng nhận được sự tin tưởng, tâm sự của các em.
Chị Trần Thu Thủy |
Trong một tập thể lớp, giáo viên cần nắm được hoàn cảnh của từng em. Từ đó, phân công các học sinh khác giúp đỡ em. Bản thân giáo viên cũng phải gần gũi, quan tâm, trò chuyện cùng với những em có hoàn cảnh đặc biệt đó hơn, từ đó có các biện pháp giúp đỡ các em.
Mặt khác, ngoài kiến thức văn hóa, nhà trường cần tăng cường các tiết học về giáo dục giới tính cho trẻ. Nhiều gia đình, thầy cô từng lo ngại vấn đề giáo dục giới tính, nghĩ con còn bé nên chưa cần thiết. Tuy nhiên, qua rất nhiều sự việc đáng tiếc thì đây là suy nghĩ sai lầm. Dạy cho trẻ biết một chút về cơ thể mình là rất quan trọng
Trẻ có thể hiểu đâu là chỗ nhạy cảm, không nên động vào. Khi trẻ biết về khu vực cá nhân, cấm xâm phạm, bé có thể tự “nhận diện” tình huống của mình là nguy hiểm hay không. Nếu như có ai đó chạm vào những chỗ ấy, trẻ sẽ từ chối và báo ngay cho cha mẹ hoặc những người có thể giúp đỡ.
Bên cạnh kiến thức về giới tính, mình cũng nghĩ trẻ em cần được học nhiều hơn nhiều kỹ năng để bảo vệ bản thân. Từ đó, các con sẽ biết cách lên tiếng để không phải chịu cảnh xâm hại hay bạo lực gia đình.