Bắt giữ người trái pháp luật có thể đối mặt 12 năm tù
Các bị cáo trong phiên xét xử |
Ranh giới mong manh
Ngày 28/6, TAND huyện Sóc Sơn (TP Hà Nội) đã tuyên án vụ Bắt giữ người trái pháp luật, Cướp tài sản với các bị cáo Nguyễn Văn Cường (40 tuổi, xã Trung Giã, Sóc Sơn), Nguyễn Tuấn Anh (21 tuổi), Dương Văn Quý (27 tuổi) và Dương Văn Cương (28 tuổi, cùng trú huyện Sóc Sơn).
Theo cáo trạng, rạng sáng 11/7/2018, ông Đào Công Thành (56 tuổi, Sóc Sơn, Hà Nội) cùng bốn người đi hai thuyền đến sông Cầu, thuộc địa phận xã Trung Giã, huyện Sóc Sơn, khai thác cát mà không được cơ quan có thẩm quyền cấp phép.
Lúc này, bị cáo Cường phát hiện có thuyền hút cát trộm gần khu vực đất nông nghiệp của gia đình, nên đã rủ thêm Tuấn Anh, Quý và Cương đi bắt người hút cát.
Sau khi dùng thuyền áp sát và hô hoán, nhóm Cường cầm tuýp sắt nhảy lên thuyền khiến ông Thành và bà Nguyễn Thị Anh (30 tuổi) hoảng sợ trốn vào khoang, còn ba người khác nhảy xuống sông bỏ chạy.
Cáo trạng xác định, ông Thành bị nhóm Cường dùng tuýp sắt đánh và trói lại bằng dây thừng, thu hai điện thoại. Sau đó ông Thành và bà Anh bị đưa lên bờ, mang về nhà Cường viết tường trình.
Khoảng 30 phút sau, nhận được tin báo của vợ ông Thành, Công an huyện Sóc Sơn đến giải cứu.
Sau đó, ông Thành bị Công an huyện Sóc Sơn ra quyết định xử phạt hành chính do có hành vi khai thác cát nhưng không có giấy phép và sử dụng thuyền không đăng ký phương tiện.
Tại tòa, Nguyễn Văn Cường cho rằng, mục đích ban đầu bị cáo chỉ muốn ngăn cản nhóm “cát tặc” khai thác cát trái phép, khi bị đối phương chém thì mới xảy ra việc giữ người.
Hội đồng xét xử TAND huyện Sóc Sơn nhận định, các bị cáo dù không có thẩm quyền bắt giữ người nhưng đã dùng vũ lực bắt, trói rồi đưa bị hại về nhà trái pháp luật…
Nhóm của Cường tại cơ quan công an |
Hành vi của các bị cáo xâm phạm về sức khỏe, thân thể và tài sản của người khác. Trong đó, Cường đóng vai trò cao nhất, ba bị cáo còn lại với vai trò đồng phạm giúp sức.
Gần đây, cùng bạn vào quán bar chơi hết 25 triệu đồng, thiếu niên 14 tuổi và bạn không có tiền trả và bị giữ lại, công an sau đó đã khởi tố 5 người có hành vi Giữ người trái pháp luật.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Hoàn Kiếm (TP Hà Nội) đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và tạm giam 5 người, gồm: Ngô Quốc Cường (24 tuổi; trú tại Triều Khúc, Thanh Xuân, Hà Nội), Nguyễn Thanh Tùng (29 tuổi; trú tại Hồng Hà, Chương Dương, Hoàn Kiếm), Vũ Trọng Hưng (23 tuổi; trú tại Phúc Xá, Ba Đình), Phạm Tiến Thịnh (31 tuổi; trú tại Hồng Hà, Chương Dương, Hoàn Kiếm), Trần Quang Hà (23 tuổi; trú tại Hồng Hà, Chương Dương, Hoàn Kiếm) về hành vi Giữ người trái pháp luật.
Trước đó, ngày 27/5, Công an quận Hoàn Kiếm tiếp nhận đơn trình báo của gia đình Hùng Anh (tên nạn nhân đã được thay đổi; sinh năm 2008; trú tại quận Đống Đa, Hà Nội) về việc tối 26/5, Hùng Anh cùng bạn có đến chơi ở một quán bar trên phố Mã Mây.
Đến khoảng 1h30 ngày 27/5, quán thông báo hóa đơn thanh toán là hơn 25 triệu đồng thì cả hai đều không có tiền để thanh toán nên bị quản lý và nhân viên quán giữ lại yêu cầu gọi người nhà đến thanh toán.
Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, Công an quận Hoàn Kiếm đã khẩn trương xác minh, làm rõ vụ việc.
Căn cứ vào tài liệu điều tra, Công an quận Hoàn Kiếm đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và tạm giam quản lý quán bar là Ngô Quốc Cường và các nhân viên gồm: Nguyễn Thanh Tùng, Vũ Trọng Hưng, Phạm Tiến Thịnh, Trần Quang Hà về hành vi giữ người trái pháp luật và quyết định cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Nguyễn Thanh Tùng (18 tuổi; trú tại Tân Mai, Hoàng Mai).
Hai vụ việc trên một lần nữa cho thấy sự cần thiết phải hiểu rõ hơn về quy định của pháp luật về hành vi bắt, giữ người trái pháp luật, để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra.
Trả giá cho sự thiếu hiểu biết
Thực tế cho thấy, khi bị xâm phạm quyền lợi, người ta thường có xu hướng “đòi lại”. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết “đòi” đúng cách. Vì thế, ranh giới giữa người đúng - kẻ sai rất mong manh. Nếu không hiểu biết pháp luật, rất có thể từ nạn nhân lại chuyển thành thủ phạm, tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật cũng là một trong những trường hợp dễ khiến người phạm tội vì thiếu hiểu biết.
Liên quan đến tội danh này, luật sư Lê Minh Trường, Công ty TNHH Luật Minh Khuê đã phân tích cụ thể.
Luật sư Lê Minh Trường (Ảnh IT) |
Theo đó, luật sư chỉ ra khái niệm cụ thể về hành vi bắt, giữ người trái pháp luật. Đây là hành vi ngăn cản, tước đoạt sự tự do dịch chuyển thân thể của người khác trái với quy định của pháp luật.
Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật được quy định tại Điều 157 Bộ luật Hình sự 2015. Tuy nhiên, cần lưu ý nguyên tắc của Bộ luật Hình sự là mỗi hành vi vi phạm chỉ xử lý một lần theo tội danh tương ứng.
Cụ thể trong Điều 157 về Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật: Người nào bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 153 và Điều 377 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Trường hợp phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm: a) Có tổ chức; b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; c) Đối với người đang thi hành công vụ; d) Phạm tội 2 lần trở lên; đ) Đối với 2 người trở lên; e) Đối với người dưới 18 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ; g) Làm cho người bị bắt, giữ, giam hoặc gia đình họ lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn; h) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của người bị bắt, giữ, giam mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.
Người nào phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 5 năm đến 12 năm: a) Làm người bị bắt, giữ, giam chết hoặc tự sát; b) Tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục nhân phẩm của người bị bắt, giữ, giam; c) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của người bị bắt, giữ, giam mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.
Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Căn cứ vào những quy định của pháp luật, TAND huỵện Sóc Sơn (Hà Nội) tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Cường (40 tuổi, trú xã Trung Giã, huyện Sóc Sơn) 7 năm 6 tháng tù về tội cướp tài sản, 30 tháng tù về tội bắt giữ người trái pháp luật, tổng hợp hình phạt là 10 năm tù.
Cùng hai tội danh trên, bị cáo Nguyễn Tuấn Anh (21 tuổi) bị tuyên phạt tổng hợp 7 năm tù, Dương Văn Quý (27 tuổi) và Dương Văn Cương (28 tuổi, cùng trú huyện Sóc Sơn) cùng bị tuyên phạt tổng hợp mức án 9 năm tù. Tổng cộng, 4 bị cáo trong vụ án này phải nhận mức án 35 năm tù giam.
Hình phạt trên là thích đáng, có tính răn đe để các bị cáo ăn năn, hối cải, có cơ hội nhìn lại sai lầm và sớm sửa chữa.
Đối với nhóm của Ngô Quốc Cường, hiện Công an quận Hoàn Kiếm đang củng cố hồ sơ, xử lý những người liên quan theo quy định của pháp luật. Rõ ràng, chỉ vì sự thiếu hiểu biết, sốt sắng “đòi nợ” mà nhóm của Cường sẽ phải đối diện với mức án cao.