"Bay qua hồ Gươm" - món quà đặc biệt dành tặng Hà Nội
Gặp mặt 33 phụ nữ tiêu biểu tham gia tiếp quản Thủ đô Khoảng 3.000 người dự Lễ kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô Khắc họa mùa thu Hà Nội đầy hào hùng và lãng mạn |
Chắt chiu từng con chữ
Tập thơ gồm 54 bài, gắn với con số 1954 - ngày cách đây 70 năm chúng ta Giải phóng Thủ đô. Buổi ra mắt cuốn sách "Bay qua hồ Gươm" diễn ra sáng 4/10 tại Nhà xuất bản (NXB) Hội Nhà văn (Hà Nội).
"Bay qua Hồ Gươm" là một tập thơ đặc biệt, hiếm có trong dạng của mình, vì toàn bộ tập thơ nói về một thành phố, dành riêng cho một thành phố, Hà Nội, dệt nên một bức tranh ký hoạ về Hà Nội đa sắc màu, vừa cổ kính vừa hiện đại, vừa quen thuộc vừa đầy bí ẩn.
Trái tim yêu thương của một người mẹ và đôi mắt tinh tường của một nhà báo đã giúp các bài thơ đạt tới sự cân bằng tinh tế giữa cảm xúc và quan sát, níu giữ người đọc, khiến một đề tài lớn và quen thuộc trong thơ ca nhạc họa như Hà Nội được sống động trở lại qua những lời tâm tình tha thiết của Huỳnh Mai Liên.
Buổi ra mắt tập thơ "Bay qua hồ Gươm" của nhà thơ, nhà báo Huỳnh Mai Liên |
Đây là kết quả cả quá trình lao động miệt mài với con chữ của một người phụ nữ yêu thơ đắm đuối, viết thơ như tiếng nói thôi thúc từ nội tâm của mình. Công tác tại Phòng Quảng bá, Ban Thư kí Biên tập Đài Truyền hình Việt Nam, công việc của Mai Liên vô cùng bận rộn. Vậy mà, ngoài thời gian cho công việc, cho con cái và đọc sách, chị chắt chiu từng giây phút quý giá để viết từng bài thơ nhỏ xinh, chủ yếu là lấy tiếng nói của trẻ thơ, viết cho trẻ thơ.
Đọc từng con chữ, chúng ta sẽ cảm nhận được tình cảm thiết tha của chị gửi gắm qua mỗi tác phẩm. Tình cảm ấy thể hiện bằng việc chị sống tròn đầy với thành phố này, từ vỉa hè, hàng cây, thời tiết, sự giao cảm chuyển mùa, những di tích, những người nghệ nhân... Tất cả những điều được chị chắt lọc qua công việc, đặc biệt là việc quan sát tỉ mỉ phố xá, con người, cảnh vật Hà Nội hàng ngày.
Nhà thơ Huỳnh Mai Liên chia sẻ về tình yêu Hà Nội trong tập thơ của mình |
Nhà thơ Huỳnh Mai Liên chia sẻ về lí do "Bay qua hồ Gươm" ra đời. Trong năm học này chị có hai bài thơ được chọn vào chương trình sách giáo khoa lớp 5 thuộc bộ Cánh diều. Như vậy chị đã có tổng cộng 8 bài thơ được đưa vào giảng dạy cho trẻ nhỏ. Chính vì thế, chị mong muốn được gửi một tập thơ đến các bạn thiếu nhi như một kỉ niệm, một dấu mốc rất hạnh phúc này.
Thế rồi, trong đầu chị như có tiếng nói reo lên: Năm nay là kỉ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô. Mình sẽ viết gì cho Hà Nội nhỉ? Viết cái gì để gắn với tháng 10 năm 1954? Điều đó thôi thúc chị phải buông cuốn sách đang biên tập ở một chủ đề khác để hình thành một cuốn sách mới mà theo chị là đầy gian khổ và vất vả vì phải dành nhiều thời gian cho việc viết, chỉnh sửa, biên tập...
"Gác lại nhiều dự án khác, tôi tập trung cao độ cho "Bay qua hồ Gươm" bằng tất cả tình yêu và sự trân trọng, cảm ơn Hà Nội đã cưu mang tôi suốt hơn 30 năm qua", Huỳnh Mai Liên tâm sự.
Nhà thơ Huỳnh Mai Liên và nhà thơ Thụy Anh |
Tham gia buổi ra mắt sách "Bay qua hồ Gươm", nhà thơ Thụy Anh bày tỏ: "Tôi cảm ơn chị Mai Liên vì với những câu chuyện thủ thỉ với con mỗi ngày như thế này đã mang lại cho cá nhân tôi những gì ấm áp của Hà Nội. Những bài thơ của chị đã cho tôi tìm lại những góc yên bình của Hà Nội xưa mà tôi tự trách mình trước đây đã không lắng lại, không "bay trên hồ Gươm", bay trên bầu trời Thủ đô với những cảm xúc rất trong trẻo ấy.
Nhà thơ Thụy Anh cho biết khi cầm trên tay bản thảo tập thơ "Bay trên hồ Gươm", đọc để viết lời tựa, chị đã rất xúc động. Bởi lẽ, thơ là một phần nhưng tấm lòng của một người làm thơ gửi gắm tới Hà Nội của một người mẹ muốn con cũng yêu Hà Nội như mình mới là điều quan trọng.
"Mỗi thế hệ đều có một Hà Nội của riêng mình, Mai Liên không áp đặt cái nhìn về Hà Nội của những người sinh những năm 1970 như chúng tôi vào trong thơ mà tác phẩm của chị còn có cả hình ảnh Hà Nội hiện đại. Chị đã kết nối để có nhiều Hà Nội đan xen vào với nhau, tạo nên bức tranh khá tổng thể của Thủ đô ngày hôm nay.
Nhà thơ Thụy Anh chia sẻ về thơ của Huỳnh Mai Liên |
Chẳng hạn như bài "Câu thơ của phố" có sự thủ thỉ của chung cư mới với khu tập thể cũ khiến tôi thích vô cùng. Tôi hiểu vì sao những khu tập thể cũ ấy như nhà tôi ở khu tập thể Bách Khoa vẫn đang tồn tại, có lí do để tồn tại. Bên cạnh đó, chúng ta cũng nhìn thấy nhiều điều đẹp đẽ của Hà Nội mới ngày hôm nay. Với cuốn sách này chúng ta có biết bao nhiêu điều có thể nhớ về Hà Nội. Từ tập thơ này, nhà thơ Huỳnh Mai Liên sẽ khiến cho các bạn nhỏ để tâm hơn đến những điều xung quanh, những thay đổi của Hà Nội với không chỉ bốn mùa của thời tiết mà còn cả những mùa hoa Hà Nội, mùa lá Hà Nội, mùa sương, mùa mây...
Để tâm hơn về những điều này sẽ khiến chúng ta có thêm nhiều nỗi nhớ và chính những nỗi nhớ này khiến chúng ta sống tốt đẹp hơn", nhà thơ Thụy Anh chia sẻ.
Đối thoại, kết nối giữa tình yêu Hà Nội
Mỗi vần thơ giống như một lời thủ thỉ ngọt ngào của người mẹ, kể cho con nghe về thành phố nơi chúng đang lớn lên. Từ những con phố cổ rêu phong đến những tòa nhà chọc trời hiện đại, từ mặt hồ Gươm lấp lánh đến những hàng cây xanh mát, tất cả đều hiện lên sống động qua ngôn ngữ giàu hình ảnh.
Tác giả đã “hóa thân” vào đủ mọi nhân vật xung quanh: Khi là chú chim sẻ líu lo, lúc là cụ rùa già kể chuyện xưa, có khi lại là cả cột cờ Hà Nội thầm thì với gió mây. Qua đó, người mẹ đưa em vào một cuộc phiêu lưu kỳ thú, khám phá Hà Nội ở nhiều góc nhìn khác nhau, nhiều cảnh sắc thân quen, ở nhiều chiều không gian thời gian.
Tập sách "Bay qua hồ Gươm" |
"Bay qua Hồ Gươm" không chỉ là một bức tranh thơ về cảnh quan Hà Nội, mà còn là những bức ký hoạ về cuộc sống và con người nơi đây. Huỳnh Mai Liên đã khéo léo đưa vào tầm mắt của trẻ thơ hình ảnh những người lao động tảo tần, những nghệ nhân phố cổ - những người góp phần tạo nên linh hồn của Hà Nội ngàn năm văn hiến. Tác giả đã khắc họa sinh động hình ảnh những người lao động vỉa hè, những con người bình dị nhưng chăm chỉ, góp phần tạo nên nhịp sống hàng ngày của thành phố.
Trong tập thơ này, Huỳnh Mai Liên đứng trên giọng điệu, cái nhìn của trẻ thơ để viết về Hà Nội. Chẳng hạn, thành phố hơn 1000 tuổi thì phải gọi như thế nào, một cô bé đi vào cửa hàng mua nến để thắp nến mừng sinh nhật Hà Nội thì loay hoay không biết mua bao nhiêu cây...
Những suy nghĩ đó không đơn giản, không phải cố mà được, không phải ép mà được. Đó là những giây phút xuất thần của nhà thơ viết cho thiếu nhi.
Các em nhỏ chăm chú thưởng thức những vần thơ |
"Viết cho thiếu nhi thì giọng điệu phải hết sức nhẹ nhõm, trong sáng, thanh thoát nhưng không được ngây ngô. Rất nhiều nhà thơ bị rơi vào tình trạng giả vờ là trẻ em để nói theo giọng điệu của trẻ em. Chị Huỳnh Mai Liên là người mẹ của hai em bé, chị lắng nghe, quan sát con và mang được cái sự hồn nhiên, trong trẻo của trẻ con vào thơ.
Phải dành cho trẻ con rất nhiều điều nhân hậu để dẫn dắt các em trong cuộc đời này. Ngôn ngữ thơ ca của Huỳnh Mai Liên có điều này. Sự nhân hậu ấy dành cho những người xung quanh như chú nghệ nhân đậu bạc, người cắt tóc vỉa hè, hóa thân vào những sự vật mình gặp tại Hà Nội.
Ta cứ tưởng cứ nhân hóa sự vật là xong nhưng không, phải biết hòa mình vào nó, biết nó khao khát điều gì, cái gì cản trở khao khát ấy thì viết mới thành công. Thông qua tập thơ này, Huỳnh Mai Liên đã tìm ra con đường của mình. Sự gắn bó với thiếu nhi của chị ngày càng sâu đậm. Tôi tin rằng thời gian tới chị Mai Liên sẽ có những câu thơ sắc nét hơn nữa để lại lâu trong tâm trí bạn đọc", nhà thơ Thụy Anh khẳng định.
Nhà thơ Huỳnh Mai Liên |
Có mặt tại buổi ra mắt cuốn sách "Bay qua hồ Gươm", nhà báo Tạ Bích Loan khẳng định tập thơ "Bay qua hồ Gươm" là một món quà đặc biệt gửi tới Hà Nội trong dịp kỉ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. Tiếp nối tập "Biển là trẻ con", chị Mai Liên vẫn khiến người đọc ngạc nhiên bởi trí tưởng tượng phong phú, độc đáo.
Tôi nghĩ khi đọc cuốn sách này chúng ta có những lợi ích cho bản thân và các con của mình. Bởi lẽ chúng ta sẽ có những hình tượng, hình ảnh mới lạ, điều này rất cần thiết cho người làm công việc sáng tạo nói chung và trẻ nhỏ vì các con đang trong quá trình khám phá thế giới xung quanh.
Điều đặc biệt trong tập thơ này là Mai Liên đã làm những cuộc đối thoại, kết nối giữa thành phố với trẻ em, các cây với nhau, giữa con người với thiên nhiên... Để có những cuộc kết nối liên tục như vậy, Mai Liên phải có năng lực rất đặc biệt là hóa thân, thấu hiểu để tạo thành sự nhân văn nhất quán trong các tác phẩm.
Nhà báo Tạ Bích Loan chia sẻ cảm nhận về tập thơ "Bay qua hồ Gươm" |
Chị hiểu được tất cả những điều mình viết ra, từ con sâu đo bò trên đất như giải một bài hình học. Hay như sau cơn bão Yagi vừa rồi, Hà Nội bị đổ rất nhiều cây và rất nhiều người đau xót về việc này, bài thơ "Sau cơn bão" của chị sáng tác ngay lập tức khi đó rất thời sự nhưng cũng đầy cảm xúc.
Qua đó chúng ta cảm nhận được tình yêu của Mai Liên với cây cối nói riêng và cảnh vật, thiên nhiên, con người của Hà Nội".
Đi cùng những bài thơ của Huỳnh Mai Liên là minh hoạ của hoạ sĩ nhí - con gái Mai Khuê của chị với bảng màu rực rỡ, tươi đẹp, nét vẽ đã trưởng thành hơn nữa so với chính em. Mai Khuê cũng là hoạ sĩ minh hoạ cho nhiều tập thơ của Huỳnh Mai Liên. Cô bé tuy nhỏ tuổi nhưng đã sớm thể hiện tài năng ở nhiều lĩnh vực. Hoạ sĩ nhí đã từng giành giải Xuất sắc Giải thưởng sáng tác truyện đồng thoại lần thứ hai với truyện “Bướm lá”. Sự cộng hưởng của những bài thơ đáng yêu và nét vẽ tươi tắn này khiến tập thơ giống như cây cầu nối tình cảm giữa các thế hệ trong gia đình trước một đối tượng gắn bó chung , là thủ đô yêu dấu. Qua từng trang sách, ông bà, cha mẹ có thể cùng con cháu đắm chìm trong tình yêu Hà Nội bất tận, cùng nhau khám phá và tận hưởng vẻ đẹp của thơ ca và hồn Hà Nội. |