Bệnh viện Đa khoa Hà Đông cứu sống bệnh nhi bị vỡ gan nặng do tai nạn giao thông
Theo lời kể của gia đình, nhà bệnh nhi gần ngay mặt đường, chiều muộn ngày 19/7/2022, bệnh nhi chạy từ nhà sang hàng xóm chơi thì bất ngờ bị một chiếc xe tắc xi đâm.
Bệnh nhi được người nhà đưa đến Bệnh viện Đa khoa Hà Đông cấp cứu trong tình trạng sốc mất máu, da xanh nhợt, mạch nhanh nhỏ, khó bắt, huyết áp không đo được, bụng chướng căng, tràn máu ổ bụng.
Xác định đây là ca bệnh phức tạp, trẻ có dấu hiệu sốc chấn thương, ngay lập tức kíp trực bệnh viện đã kích hoạt báo động đỏ nội viện với sự phối hợp của các chuyên khoa Ngoại tiêu hóa, Gây mê phẫu thuật, Hồi sức tích cực, Cấp cứu Nội, Cấp cứu Ngoại, Huyết học truyền máu. Rất nhanh chóng, các phương tiện, phòng mổ, nhân viên y tế có mặt để cấp cứu.
Bác sĩ kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhi sau phẫu thuật 10 ngày. |
Bệnh nhân được tiến hành hồi sức, vừa làm các xét nghiệm thăm khám và chẩn đoán xác định sốc mất máu, chảy máu trong ổ bụng do chấn thương bụng kín, nghi chấn thương gan, lách. Sau đó, bệnh nhân vừa được tiến hành hồi sức vừa mổ cấp cứu.
Theo các bác sĩ, các tổn thương trong mổ của bệnh nhi gồm: đường vỡ gan phải lớn với kích thước 12cm, đụng dọc nhu mô gan phải diện rộng, rách tĩnh mạch gan giữa, tụ máu nhiều khoang sau phúc mạc bên phải, đụng dọc tá tràng đầu tụng, trong ổ bụng có khoảng 1 lít máu.
Các bác sĩ đã tiến hành khâu cầm máu nhu mô gan, tĩnh mạch gan giữa, bảo tồn gan vỡ, mở thông ống tràng cho ăn. Bằng sự nỗ lực của của cả kíp phẫu thuật, sau hơn 2 giờ, ca phẫu thuật đã kết thúc thành công, bệnh nhi qua cơn nguy kịch.
BSCKII Bùi Đức Duy – Trưởng khoa Ngoại tiêu hóa, Bệnh viện đa khoa Hà Đông người trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhân cho biết: "Đây là một ca phẫu thuật khó bởi tổn thương nặng, phức tạp trên nền bệnh nhi nhỏ tuổi lại bị suy dinh dưỡng. Việc phẫu thuật giải quyết được nguyên nhân chảy máu, hồi sức trong và sau mổ rất khó khăn. Đặc biệt tổn thương gan diện rộng gây hủy hoại nhu mô gan nhiều. Trong và sau mổ chỉ số men gan của bệnh nhân rất cao, thường trên 4.000 UI/L".
Theo BS. Duy, ngoài việc cầm máu để cứu sống tính mạng người bệnh, trong mổ bệnh nhân được truyền 5 đơn vị hồng cầu và 3 đơn vị huyết tương. Việc chăm sóc sau mổ cho bệnh nhi cũng gặp nhiều khó khăn, các biến chứng sau mổ có thể gặp phải như: chảy máu, áp xe tồn dư sau mổ, rò mật, suy gan, suy hô hấp, rối loạn đông máu...
Sau hơn 10 ngày phẫu thuật, bệnh nhân tỉnh táo, không sốt, da niêm mạc hồng, bụng mềm, đã ăn uống bình thường và được xuất viện.