BHXH, BHYT - thước đo đánh giá sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia
BHYT vì sức khỏe, hạnh phúc mọi gia đình
Chính sách BHXH, BHYT là một trong những thước đo đánh giá sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Tại Việt Nam, cùng với sự phát triển kinh tế, chính sách BHXH, BHYT ngày càng khẳng định vai trò trụ cột chính trong hệ thống an sinh xã hội, được Đảng và Nhà nước quan tâm chú trọng và không ngừng hoàn thiện, đổi mới, phù hợp với sự phát triển của đất nước trong từng thời kỳ.
Đánh giá về chính sách BHXH, BHYT của thành phố Hà Nội trong thời gian qua, Phó Giám đốc BHXH thành phố Hà Nội Vũ Đức Thuật cho rằng: “Hằng năm, các hoạt động trong tháng cao điểm hưởng ứng Ngày BHYT Việt Nam, tuyên truyền về chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình đã phát huy hiệu quả tích cực. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của các tầng lớp Nhân dân, huy động các nguồn lực trong việc thực hiện chính sách, tăng tỷ lệ bao phủ BHXH, BHYT trên địa bàn.
Năm nay, lễ ra quân hưởng ứng ngày BHYT Việt Nam - truyền thông, vận động phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình trên địa bàn thành phố Hà Nội sẽ diễn ra trên phạm vi toàn thành phố. Thông qua buổi lễ ra quân sẽ giúp người dân hiểu sâu về lợi ích khi tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình; Gia tăng số lượng người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, hướng tới hoàn thành mục tiêu BHXH, BHYT toàn dân”, Phó Giám đốc BHXH thành phố Hà Nội nhấn mạnh.
Cán bộ ngành BHXH tư vấn chính sách BHXH cho người lao động tự do |
Theo số liệu thống kê, tính đến nay toàn thành phố Hà Nội đã có hơn 7,4 triệu người tham gia BHYT và hơn 63 ngàn người tham gia BHXH tự nguyện. Với mục tiêu tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn thành phố, BHXH Hà Nội đã chủ động phối hợp với Bưu điện thành phố tổ chức đồng loạt lễ phát động tháng cao điểm tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHYT hộ gia đình, BHXH tự nguyện trên địa bàn thành phố Hà Nội trong hệ thống ngành BHXH từ thành phố đến quận, huyện, thị xã.
Với chủ đề truyền thông BHYT vì sức khỏe, hạnh phúc mọi gia đình, đối tượng hướng đến là nhóm người có tiềm năng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình để truyền thông chính sách BHXH, BHYT phù hợp; Trong đó chú trọng hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, chủ trang trại; Thợ thủ công, lao động trong các hợp tác xã, làng nghề truyền thống; Người làm nghề tự do có thu nhập như buôn bán, kinh doanh cá thể, tiểu thương, chủ nhà trọ; Người lao động dừng tham gia BHXH bắt buộc đang bảo lưu thời gian…
Qua đó, truyền thông, vận động trực tiếp tới người nông dân và người lao động khu vực phi chính thức về quyền và lợi ích khi tham gia BHXH tự nguyện, những rủi ro khi không tham gia BHXH, BHYT; Từ đó, thay đổi nhận thức, hành động và thói quen của người dân, chủ động tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình để đảm bảo an sinh, ổn định cuộc sống.
Tạo chuyển biến trong nhận thức của người dân
Lắng nghe những tư vấn từ cán bộ Bưu điện thành phố Hà Nội về mức đóng và quyền lợi của BHXH tự nguyện, cô Dương Thị Trinh (65 tuổi, ở phường Khương Đình, Thanh Xuân) cho biết sẽ hướng dẫn con trai của mình tham gia để có lương hưu tuổi già. “Hiện tại trong gia đình chỉ có con trai làm tự do, thu nhập không ổn định. Qua tìm hiểu, tôi thấy chính sách BHXH tự nguyện rất nhân văn, mức đóng đa dạng; Về già có lương hưu, thẻ BHYT miễn phí giúp bảo đảm cuộc sống”, cô Trinh cho biết.
Với mong muốn cuộc sống về già được đảm bảo nhờ lương hưu, chị Vương Thị Thiết (ở huyện Thanh Oai, Hà Nội) cho biết: Mức đóng BHXH tự nguyện rất đa dạng, phù hợp với những tiểu thương, người lao động có thu nhập không ổn định.
“Tôi buôn bán nhỏ tại chợ Thượng Đình đã 6 năm, thu nhập cũng thất thường, thậm chí là thấp. Sau những chi tiêu cho gia đình, số tiền dành dụm lại cũng không nhiều. Tuy nhiên qua tìm hiểu, tôi thấy mức đóng BHXH tự nguyện rất đa dạng, hợp lý, đặc biệt là những mức đóng thấp khá phù hợp với dân lao động thu nhập thấp như mình. Về già được hưởng lương hưu và BHYT miễn phí”, chị Vương Thị Thiết cho biết.
Mức đóng BHXH tự nguyện rất đa dạng, phù hợp với những tiểu thương, người lao động có thu nhập không ổn định |
Chị Thiết cũng cho biết là tiểu thương quanh năm “đầu tắt mặt tối”, không có thời gian đọc báo, nghe đài nên chưa hề biết đến chính sách BHXH tự nguyện. Chia sẻ thêm về công việc tất bật, vất vả quanh năm, chị Thiết cho biết bản thân cũng luôn muốn tham gia bảo hiểm để đảm bảo cuộc sống khi về già.
“Được các anh, chị tư vấn chính sách BHXH là một trong những chính sách an sinh xã hội rất nhân văn của Đảng và Nhà nước, nhằm đảm bảo mọi công dân có quyền được hưởng an sinh xã hội. Do đó, mình càng yên tâm và tin tưởng hơn”, chị Thiết bày tỏ.
Là một trong những người trực tiếp tư vấn cho cô Trinh và chị Thiết, chị Lê Quỳnh Trang, chuyên viên tư vấn BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình (Bưu điện trung tâm 2, Bưu điện thành phố Hà Nội) cho biết: Hoạt động tuyên truyền trực tiếp nhóm nhỏ thường xuyên được các cán bộ, nhân viên bưu điện triển khai và đem lại hiệu quả cao.
“Qua các buổi nói chuyện, tư vấn, các cô, các bác đã được nghe về ý nghĩa của chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình; Đồng thời được tư vấn chi tiết, giải đáp những thắc mắc về mức hưởng, cách thức tham gia, quyền lợi… Các tư vấn viên cũng để lại số điện thoại, khi cần thêm thông tin người dân có thể liên hệ trực tiếp.
Khác với các hình thức tuyên truyền, truyền thông khác như tổ chức hội nghị, truyền thông online trên các nền tảng mạng xã hội, việc tư vấn trực tiếp tuy có vất vả, tốn thời gian hơn nhưng lại rất hiệu quả. Người dân, tiểu thương, người lao động không có thời gian để tham gia hội nghị, không thường xuyên sử dụng các thiết bị di động thông minh… là nhóm đối tượng phù hợp nhất với cách truyền thông này. Đây cũng là cách làm hiệu quả, đang được nhiều địa phương áp dụng trong thời gian qua”, chị Lê Quỳnh Trang nhấn mạnh.