BHXH Việt Nam hoàn thành cung cấp dịch vụ công cấp độ 4
Hoàn thành cung cấp dịch vụ công cấp độ 4
Thực hiện các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Cổng dịch vụ công Quốc gia; phê duyệt Danh mục dịch vụ công tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công Quốc gia năm 2020; thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19... và Chỉ đạo của Lãnh đạo Ngành, Trung tâm Công nghệ thông tin đã chủ động, tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan trong và ngoài ngành triển khai nhiệm vụ xây dựng, vận hành Cổng dịch vụ công Quốc gia.
Ông Lê Nguyên Bồng, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin (BHXH Việt Nam) cho biết: Trung tâm đã triển khai kết nối, tích hợp cung cấp 15 dịch vụ công của ngành và dịch vụ công liên thông trên Cổng dịch vụ công Quốc gia: 10 dịch vụ công theo Danh mục dịch vụ công tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công Quốc gia năm 2020; 3 dịch vụ công theo về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; 1 dịch vụ thanh toán trực tuyến đóng BHXH bắt buộc, BHYT, BH thất nghiệp; 1 thủ tục liên thông với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký, điều chỉnh đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN và báo cáo tình hình sử dụng lao động.
BHXH Việt Nam hoàn thành cung cấp dịch vụ công cấp độ 4 các thủ tục của ngành |
Qua đó, tiếp nhận và giải quyết hơn 7 nghìn trường hợp, trong đó: Tiếp nhận và giải quyết 2.605 hồ sơ BHYT do hỏng, mất trên Cổng dịch vụ công Quốc gia; Tiếp nhận thanh toán trực tuyến qua Cổng dịch vụ công Quốc gia, thực hiện gia hạn thẻ BHYT theo hộ gia đình (3.658 trường hợp) và đóng tiếp BHXH tự nguyện (1.411 trường hợp) thành công; Tiếp nhận thanh toán thành công đóng BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN của 103 đơn vị trên Cổng dịch vụ công Quốc gia; Tiếp nhận, xử lý 925 hồ sơ đề nghị hỗ trợ do ảnh hưởng Covid-19từ Cổng dịch vụ công Quốc gia; Tiếp nhận và trả lời 16 phản ánh, kiến nghị liên quan đến lĩnh vực CNTT của ngành trên Cổng dịch vụ công Quốc gia.
“Trong thời gian tới, trung tâm sẽ tiếp tục triển khai tích hợp các dịch vụ công tất cả của ngành lên Cổng dịch vụ công Quốc gia nhằm tạo thuận lợi, thêm lựa chọn cho người dân, doanh nghiệp khi tham gia giao dịch với cơ quan BHXH”, ông Lê Nguyên Bồng nhấn mạnh.
Bên cạnh việc đẩy mạnh triển khai dịch vụ công, ngày 16/11/2020, BHXH chính thức công bố ứng dụng VssID – BHXH số. Theo số liệu thống kê, tính đến 23/12/2020 đã có hơn 272 nghìn lượt tải và cài đặt ứng dụng trên 2 kho ứng dụng Google Play và AppStore; 127.821 lượt đăng ký tài khoản giao dịch điện tử với cơ quan BHXH (đã phê duyệt 62.791 trường hợp). Tính riêng trong ngành, có 18.276 trường hợp đăng ký tài khoản, số hồ sơ hợp lệ được duyệt là 17.004 trường hợp (chiếm 93% số hồ đăng ký).
Trong thời gian tới, trung tâm sẽ tích hợp, cung cấp các dịch vụ công, dịch vụ thanh toán trực tuyến dành cho cá nhân trên ứng dụng VssID, nhằm đảm bảo người dân có thể giao dịch với cơ quan BHXH tại bất cứ đâu và bất kỳ lúc nào. Trong đợt bão lũ vừa qua, việc triển khai VssID thay thẻ BHYT giấy tại 10 tỉnh ảnh hưởng bão lũ miền trung đã nhận được sự đánh giá rất tích cực từ người dân.
Đẩy mạnh triển khai các phần mềm và cơ sở dữ liệu
Trong năm 2020, BHXH Việt Nam đã kịp thời cung cấp thông tin và gửi tin nhắn tới người dân đi khám chữa bệnh tại bệnh viện Bạch mai cũng như liên thông mã số BHXH với hệ thống khai báo y tế theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Cùng với đó, ngành BHXH cũng thực hiện liên thông và trao đổi dữ liệu với các bộ ngành: Văn phòng chính phủ, Tổng cục thuế, Bộ Kế hoạch đầu tư, Bộ Tư pháp, Bưu điện Việt Nam và 5 hệ thống ngân hàng lớn. Đang làm việc với Bộ Y tế để chia sẻ dữ liệu phục vụ việc tạo lập hồ sơ sức khỏe của Bộ Y tế thông qua trục chia sẻ dữ liệu quốc gia của Bộ TT-TT (NGSP).
Về công tác hạ tầng và an toàn thông tin, BHXH Việt Nam thường xuyên giám sát đảm bảo sự hoạt động ổn định của hệ thống mạng WAN ngành, kết nối từ Trung ương tới BHXH cấp huyện. Triển khai các giải pháp bảo mật dữ liệu, phần mềm Antivirus, bản quyền phần mềm Window… Tổ chức hội nghị Diễn tập ứng cứu khẩn cấp sự cố an toàn thông tin năm 2020.
BHXH Việt Nam cũng tổ chức giám sát an toàn thông tin cho các hệ thống thông tin tại các đơn vị trong toàn Ngành, phối hợp với các đơn vị chuyên môn tiến hành giám sát, rà quét các hệ thống thông tin ngành BHXH và đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Cụ thể, ngành đã phát hiện và ngăn chặn 217 kết nối đến máy chủ điều khiển mã độc; Xử lý 357 địa chỉ IP/máy tính trong ngành tồn tại điểm yếu có nguy cơ bị khai thác hoặc lợi dụng để tấn công hệ thống khác; Phát hiện và xử lý 73.692 thư điện tử bị nghi ngờ là thư rác được ngăn chặn (cả vào và ra).
Phát hiện và xử lý 716.305 cuộc dò quét điểm yếu hệ thống đã được ngăn chặn; Phát hiện và xử lý 28.442 mã độc tấn công hệ thống tầng network được phát hiện và ngăn chặn; Phát hiện và xử lý 84.332 mã độc tấn công hệ thống được phát hiện và ngăn chặn; Phát hiện và xử lý 9.802 thư điện tử có virus trên tầng Application được phát hiện và ngăn chặn; Phát hiện và ngăn chặn 134 virus được phát hiện và ngăn chặn trong môi trường máy chủ ảo hóa.