“Bí kíp” chinh phục điểm cao môn Lịch sử chỉ trong 2 tháng
Tuyển sinh vào lớp 10 công lập Hà Nội: Lịch sử được chọn là môn thứ 4 Người cán bộ tư pháp đam mê viết sách lịch sử |
Là giáo viên có nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy môn Lịch sử, cô giáo Trần Thị Dung - giáo viên Lịch sử trường THCS Nguyễn Du (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã chia sẻ nhiều “bí kíp” giúp học sinh học và ôn môn Lịch sử có hiệu quả trong giai đoạn “nước rút” này.
Cô Trần Thị Dung và học sinh của mình |
Cô Dung chia sẻ: “Phụ huynh và các con không nên quá lo lắng. Việc giữ tâm trạng thoải mái, bình tĩnh là chìa khóa để các em bắt đầu quá trình ôn tập và tiếp thu kiến thức hiệu quả. Bên cạnh đó, cô Dung cũng lưu ý rằng nếu như các em đã dành nhiều thời gian trước đây cho 3 môn Toán - Văn - Anh và bỏ qua môn Lịch sử thì hiện tại nên có sự ưu tiên cho môn thi thứ 4 này”.
Từ kinh nghiệm của bản thân với nhiều năm đứng lớp giảng dạy môn Lịch sử, đã có năm thứ 2 ôn thi cho học sinh vào lớp 10 môn Sử, cô Dung lưu ý các em học sinh: Những kiến thức cơ bản nhất vẫn là các kiến thức trong sách giáo khoa Lịch sử lớp 9. Vì vậy, các em cần phải nắm chắc kiến thức này. Việc nắm bắt cấu trúc đề thi cũng vô cùng quan trọng.
Cô Dung chia sẻ các phương pháp bản thân áp dụng để ôn thi cho học sinh như: Dạy theo chủ đề, dạy theo sơ đồ tư duy trong đó nhấn mạnh vào nội dung quan trọng nhất của từng chủ đề.
Các em có thể ôn bài bằng nhiều hình thức như làm bài test nhanh, hỏi nhanh, đáp gọn; Tạo trí nhớ bằng cách luyện đề, chấm chéo bài cho nhau.
Việc nắm chắc các kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa là rất quan trọng với học sinh khi bước vào kỳ thi vào lớp 10 môn Lịch sử |
Cô giáo dạy Lịch sử trường THCS Nguyễn Du cũng chia sẻ cho học sinh một số kỹ năng cần lưu ý để giành được điểm cao khi thi trắc nghiệm môn Lịch sử: Tìm chính xác từ khóa trong câu hỏi để tránh đáp án gây nhiễu; Lưu ý dạng câu hỏi thông hiểu, câu hỏi so sánh, câu hỏi vận dụng; Dựa vào dữ kiện đề bài để lựa chọn và loại trừ; Phân chia thời gian hợp lý để có thời gian kiểm tra lại đáp án; Tuân thủ nguyên tắc làm bài từ dễ đến khó; Giữ tâm lý bình tĩnh, thoải mái để xử lý bài thi.
Tâm sự thêm về việc học và thi Lịch sử ở trường phổ thông, cô Dung cho biết: “Qua quá trình giảng dạy Lịch sử, tôi nhận thấy học sinh không phải sợ học Sử, không yêu thích Sử mà trái lại rất thích thú, tò mò về lịch sử. Điều khiến các em sợ là việc thi Sử với rất nhiều mốc thời gian, sự kiện và ngày tháng cần ghi nhớ. Để học sinh hào hứng với Lịch sử, giáo viên phải tổ chức giờ học gần gũi với học sinh.
Đối với bản thân tôi, tôi thường khai thác triệt để các tư liệu cho học sinh nghe, xem, kể chuyện lịch sử cho học sinh nghe. Học Lịch sử là cả 1 quá trình lâu dài, tôi nghĩ rằng, chỉ cần học sinh đạt được mục tiêu của môn học là nhớ được các sự kiện lịch sử, bồi đắp lòng yêu nước và tự hào dân tộc là rất tuyệt vời rồi”.