Biến buồn chán thành niềm vui để “đối phó” với dịch bệnh
Hà Nội trong ngày đầu triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống dịch |
Quận đoàn Hoàng Mai tăng cường biện pháp tuyên truyền phòng chống dịch Covid-19 |
Trổ tài nấu nướng
Nhiều bạn trẻ mang sản phẩm “tự vào bếp” của mình đăng lên mạng xã hội Facebook, Zalo, thể hiện tài nấu nướng. Họ cập nhật hình ảnh mâm cơm gia đình, món bánh tự làm, món ăn tự nấu... Thậm chí có bạn còn lập YouTube riêng cho bản thân để quảng bá về những món họ nấu, giới thiệu đến cộng đồng mạng xã hội.
Là chủ một Spa, nay phải tạm đóng cửa, Lê Ngọc Bích (trú tại Hoàn Kiếm, Hà Nội) trở nên rảnh rỗi. Cô dành nhiều thời gian để vào bếp, tự học nấu ăn với mong muốn trở nên “nữ công gia chánh”. Bích chia sẻ, những ngày ở nhà phòng dịch, cô chỉ ăn cơm với gia đình nên có điều kiện trổ tài, chăm chút cho chồng, con nhiều hơn.
Nguyễn Huyền My (trú tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, tranh thủ dịp nghỉ dài ngày này, My tự làm những món mà cô thích, từ những món đơn giản như: Trứng ốp, canh cá, thịt kho tàu, chân gà ngâm sả ớt... Cô gái trẻ còn lập hẳn album hình ảnh về bữa ăn.
Bạn trẻ Hà thành trổ tài làm kim chi |
My bày tỏ: “Những ngày hạn chế đi lại mà không có việc gì để làm như nấu nướng, chăm chút nhà cửa, đọc sách, xem phim, những trò chơi giải trí thì dễ rơi vào stress. Vì vậy, nấu những bữa ăn cho bản thân, gia đình là niềm hạnh phúc của mình. Mình nghĩ, niềm vui, lạc quan cũng là một loại “thuốc” để chống chọi với dịch Covid-19”.
Tiết kiệm chi tiêu tối đa
Dịch bệnh đã và đang kéo dài, chưa biết bao giờ kết thúc, kinh tế trở nên khó khăn với đa số người dân. Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, thu nhập của Đỗ Thị Hương (trú tại Gia Lâm, Hà Nội) giảm hẳn vì bán hàng ngưng trệ. Lúc trước, cô gái trẻ được chi tiêu thoải mái vì việc kinh doanh của cô suôn sẻ, dễ kiếm tiền. Còn bây giờ, Hương phải thật sự tiết kiệm, cắt giảm mọi chi tiêu, từ trong bữa ăn đến mua sắm quần áo, vật dụng.
Các bạn trẻ nhắn nhủ nhau tiết kiệm chi tiêu |
Đỗ Thị Hương chia sẻ: “Không kiếm được nhiều tiền nên nửa năm nay, tôi phải lấy cả tiền tiết kiệm ra tiêu. Hàng ngày thấy số tiền vơi đi, tôi rất lo lắng nên buộc phải tiêu pha tiết kiệm một cách tối đa, để đề phòng rủi ro, lúc khó khăn hơn”. Theo cô gái, trước dịch bệnh, chúng ta hãy bình tĩnh, tuân thủ theo quy định của Nhà nước, mỗi người dân tự nâng cao ý thức, để cùng nhau chống dịch một cách tốt nhất.
Là một người nắm giữ “tay hòm chìa khóa” của gia đình, chị Triệu Lan Anh (trú tại Hà Đông, Hà Nội) cho rằng, dịch Covid-19 đã tạo nhiều áp lực tài chính đối với việc chi tiêu trong gia đình. Tổng thu nhập của vợ chồng chị Lan Anh là 20 triệu đồng/tháng, bây giờ bị giảm do công ty chịu ảnh hưởng của dịch bệnh. Trong khi đó, anh, chị phải trang trải đủ thứ chi phí, nuôi hai đứa con và phát sinh khá nhiều khoản chi tiêu liên quan đến việc phòng, chống dịch; Tăng cường sức đề kháng cho người thân; Dự phòng rủi ro về sức khỏe...
Cũng như chị Lan Anh, nhiều người trẻ cho rằng, trong mùa dịch này cần phải có một khoản tiết kiệm khẩn cấp. Nếu có việc gì xảy ra, họ phải có tiền để duy trì cuộc sống, ít nhất trong khoảng 3 đến 6 tháng. Có tiền tiết kiệm sẽ làm tăng tính chủ động của mỗi người. Tuy nhiên, không phải ai cũng sẵn có, vì vậy, theo họ, giảm chi phí sinh hoạt, hạn chế chi tiêu hàng ngày chính là giải pháp kinh tế "cấp bách" để có thể chống chọi với dịch Covid-19.