Bình Dương đã chứng minh được giá trị là tỉnh “công nghiệp hóa” đi đầu cả nước
Bình Dương là một kỳ tích của Việt Nam về phát triển kinh tế và công nghiệp hóa |
Trung tâm công nghiệp lớn của cả nước
Cụ thể, trong bài tham luận mang tên: "Bình Dương nhìn từ động lực liên kết phát triển vùng", Tiến sĩ Trần Du Lịch đánh giá, Bình Dương là tỉnh có điểm xuất phát thấp với diện tích không lớn (khoảng 2.694km2) nhưng đến nay đang là một trung tâm công nghiệp lớn của cả nước với 27 trong 29 khu công nghiệp (KCN) và 12 cụm công nghiệp đang hoạt động với diện tích hơn 13.000ha.
Tiến sĩ Trần Du Lịch phát biểu tại hội thảo |
Bên cạnh đó, Bình Dương luôn đứng đầu về thu hút đầu tư nước ngoài có chất lượng cao. Ngoài các doanh nghiệp trong nước, Bình Dương còn là điểm đến của các nhà đầu tư nước ngoài (doanh nghiệp FDI). Số doanh nghiệp FDI đứng thứ 3 ở nước (sau TP HCM và Hà Nội), nổi bật với mô hình KCN VSIP, đang được nhân rộng ra nhiều địa phương khác.
Trong cơ cấu GRDP, thì khu vực công nghiệp - xây dựng đóng góp 68%; thương mại - dịch vụ: 21,3% và nông nghiệp chỉ hơn 3%. Trong 25 năm qua, Bình Dương đã cải thiện môi trường đầu tư thông qua cải cách thủ tục hành chính một cách thực chất, với khẩu hiệu "trải thảm đỏ" mời gọi đầu tư.
Hội thảo thu hút đông đảo đại biểu tham dự |
Bên cạnh đó, tỉnh này còn đột phá trong mô hình phát triển các khu công nghiệp tập trung dựa vào lợi thế vị trí, địa hình và thổ nhưỡng thuận lợi. Ngoài ra, Bình Dương còn đột phá trong phát triển hạ tầng: "Xin cơ chế chứ không xin tiền". Thông qua việc sử dụng doanh nghiệp Nhà nước là "công cụ" của chính quyền để dẫn dắt đầu tư.
Vì thế, theo TS Trần Du Lịch, sau 25 năm tách ra từ tỉnh Sông Bé, Bình Dương đã đạt được những thành tựu kinh tế - xã hội rất ấn tượng. Hình thành cơ cấu kinh tế của một tỉnh công nghiệp, tất cả địa bàn nông thôn đạt tiêu chí nông thôn mới và GRDP/người thuộc top cao nhất nước.
Cần có "cơ chế liên kết vùng" để tạo ra một cộng đồng phát triển năng động
Trong bài phát biểu của mình, TS Trần Du Lịch bày tỏ mặc dù gặt hái được nhiều thành tựu đáng kể sau 25 năm tách tỉnh nhưng hiện Bình Dương không thể phát triển lên cao và tự đứng, đi một mình, mà muốn đi xa phải đi cùng nhau.
Theo đó, ông đưa ra đề nghị cần có "cơ chế liên kết vùng" để tạo ra một cộng đồng phát triển năng động nhất của cả nước, đủ sức cạnh tranh trong khu vực và quốc tế.
"Bình Dương cần thực hiện ngay việc xây dựng, kết nối đường vành đai 3 và 4 với TP HCM, đẩy nhanh xây dựng đường cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, để tạo ra đường băng cho cuộc đua giúp Bình Dương tăng tốc phát triển", ông Lịch nói.
Bên cạnh đó, một số vấn đề đang đặt ra cho bài toán phát triển bền vững của Bình Dương như cơ chế quản lý địa bàn còn nhiều bất cập, chưa phát huy sự năng động. Tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc huy động nguồn lực cho sự phát triển. Đây cũng là tình hình chung của các địa phương có điều kiện phát triển nhanh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Hệ thống giao thông của Bình Dương vẫn chưa thể kết nối thuận lợi với TP HCM để khai thác lợi thế trong giao lưu hàng hoá và phát triển đô thị. Khu vực thương mại - dịch vụ của Bình Dương tăng trưởng chậm, các khu đô thị mới không thu hút được dân cư; Lao động nhập cư tạo ra áp lực lớn về mặt xã hội.
"Nếu xét về tỷ trọng giá trị công nghiệp trong cơ cấu GRDP thì Bình Dương là tỉnh công nghiệp, nhưng xét về tổng thể của quá trình công nghiệp hóa phát triển theo hướng hiện đại, thì sự phát triển nhanh của Bình dương đang mất cân đối giữa 2 khu vực chính: Công nghiệp và dịch vụ. Đây cũng là vấn đề về chất lượng tăng trưởng", ông Lịch chia sẻ thêm.
Trong thời gian qua, Bình Dương đi đầu trong quá trình hình thành "vành đai công nghiệp" của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nhưng trong tương lai đòi hỏi Bình Dương phải cơ cấu lại các ngành công nghiệp trong các khu công nghiệp, tăng hàm lượng giá trị gia tăng và gắn việc cơ cấu lại các khu công nghiệp với phát triển đô thị.
Đây cũng chính là động lực để tăng tỷ trọng khu vực dịch vụ (bao gồm thương mại). Tuy nhiên, cần đặt sự phát triển của Bình Dương theo quan điểm kinh tế vùng; Nhất là "tứ giác phát triển" của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Ông Võ Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, thông điệp của Bình Dương là quyết tâm thực hiện hoá trên cơ sở vận dụng linh hoạt, sáng tạo các chủ trương, chính sách; Lĩnh hội, ứng dụng những thành tựu khoa học, công nghệ hiện đại. Tìm kiếm sự cộng hưởng, đồng hành từ các tỉnh, thành, các quốc gia và vùng lãnh thổ để tiếp tục phát triển lên tầm cao mới, phấn đấu thực hiện thành công chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ khi thăm và làm việc với Bình Dương về xây dựng "hệ sinh thái công nghiệp thế hệ mới, gắn với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, phát triển xanh, thông minh, bền vững, bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau". Theo đó, mục tiêu của Bình Dương trong những năm tới là trở thành trung tâm, động lực liên kết vùng, tiếp tục là hình mẫu địa phương trong nỗ lực vượt qua bẫy thu nhập trung bình, phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại, cùng với cả nước hiện thực hóa tầm nhìn và mục tiêu đưa nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. |
750 đại biểu tham dự Hội thảo khoa học tại Bình Dương |
Đảng, chính quyền và Nhân dân cùng đồng thuận tạo sự phát triển |
Bình Dương là một kỳ tích của Việt Nam về phát triển kinh tế và công nghiệp hóa |