Bình Dương đẩy mạnh phát triển kinh tế số, xã hội số
Quả ngọt trong phát triển kinh tế số, xã hội số
Hiện nay, trong làn sóng phát triển như vũ bão của khoa học - công nghệ, các đô thị trên thế giới đang hướng đến phát triển bền vững. Việc phát triển đô thị thông minh sẽ là xu hướng chung và trở thành mối quan tâm đặc biệt của các quốc gia.
Theo đó, các chính sách và biện pháp phát triển kinh tế số, xã hội số đã đưa đến những kết quả tích cực thông qua việc chú trọng đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng viễn thông và internet, đảm bảo kết nối nhanh chóng và ổn định cho các doanh nghiệp và người dân; từ đó, tạo nền tảng vững chắc cho sự chuyển đổi sang xã hội số, nâng cao chất lượng cuộc sống và thúc đẩy sự phát triển bền vững trong tương lai.
Bình Dương đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng viễn thông và internet, đảm bảo kết nối nhanh chóng và ổn định cho các doanh nghiệp và người dân (Ảnh: A.X) |
Ngoài ra, tỉnh còn triển khai hệ thống dịch vụ công trực tuyến, giúp giảm thời gian và chi phí cho người dân và doanh nghiệp khi thực hiện giao dịch với chính quyền; khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng công nghệ số vào quy trình sản xuất và quản lý, thông qua các chương trình hỗ trợ tài chính và tư vấn.
Bên cạnh đó, tỉnh tăng cường tổ chức các khóa đào tạo về công nghệ thông tin và kỹ năng số cho người lao động, nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong bối cảnh chuyển đổi số; đẩy mạnh triển khai các chiến dịch tuyên truyền để nâng cao nhận thức cộng đồng về lợi ích của kinh tế số và xã hội số; tìm kiếm cơ hội hợp tác với các tổ chức quốc tế và địa phương khác để chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
Nhờ đó, Bình Dương đã đạt được nhiều thành quả ấn tượng trong phát triển kinh tế số và xã hội số như: Chuyển đổi số đã hoàn thiện 18/19 Sở, ban ngành và 8/9 địa phương thành lập ban chỉ đạo giúp tăng cường sự lãnh đạo và quản lý trong lĩnh vực. Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025, 100% hồ sơ công việc sẽ được xử lý trên môi trường mạng.
Về hạ tầng công nghệ thông tin, đạt tỷ lệ phủ sóng 5G lên tới 95% hộ gia đình, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong việc sử dụng dịch vụ số.
Đạt tỷ trọng kinh tế số chiếm 20% GRDP, với tỷ lệ thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt 10%.
Về đào tạo kỹ năng số: Tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên có tài khoản ngân hàng đạt 80%, đồng thời hơn 70% người dân trong độ tuổi lao động được đào tạo kỹ năng số cơ bản.
Định hướng đẩy mạnh trong chuyển đổi số
Theo Quy hoạch của tỉnh Bình Dương, đến năm 2030, Bình Dương sẽ vươn lên dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số toàn diện, đảm bảo an toàn thông tin; phát triển hạ tầng thông tin và truyền thông đồng bộ, công nghệ hiện đại theo định hướng chia sẻ dùng chung, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số và thử nghiệm các công nghệ số mới, mô hình mới.
Đồng thời, tỉnh ứng dụng công nghệ số mới vào cải cách thủ tục hành chính; xây dựng đô thị thông minh và chuyển đổi toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế số, xã hội số và chính quyền số.
Bình Dương phát triển kinh tế số, hình thành các khu công nghệ thông tin tập trung, thu hút đầu tư sản xuất các sản phẩm phần mềm, nội dung số, sản phẩm điện tử, chip bán dẫn, các sản phẩm Internet kết nối vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo, an toàn, an ninh mạng, dữ liệu lớn, trung tâm dữ liệu, nghiên cứu chế tạo và thử nghiệm các sản phẩm công nghệ số mới; phát triển nguồn nhân lực số đáp ứng số lượng và chất lượng cho công nghiệp công nghệ thông tin, chip bán dẫn.
Ngoài ra, tỉnh phát triển mạng lưới báo chí, truyền thông theo hướng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu thông tin của người dân và phù hợp với xu thế phát triển.
Phát triển nguồn nhân lực số đáp ứng số lượng và chất lượng cho công nghiệp công nghệ thông tin, chip bán dẫn |
Trong thời gian tới, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh thường xuyên bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi số theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông để triển khai thực hiện, đảm bảo kịp thời, hiệu quả và phù hợp với yêu cầu thực tiễn của địa phương.
Bên cạnh đó, tỉnh cần tập trung triển khai Trung tâm dữ liệu phục vụ chuyển đổi số theo hướng sử dụng công nghệ điện toán đám mây đạt tiêu chuẩn; phấn đấu 100% hộ gia đình có kết nối Internet băng rộng cáp quang.
Cùng với đó, Bình Dương đẩy mạnh triển khai các nền tảng số dùng chung; triển khai thành lập và tổ chức hoạt động các tổ công nghệ số cộng đồng đến cấp xã; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng về công nghệ thông tin, chuyển đổi số, an toàn thông tin mạng cho cán bộ, công chức, viên chức; thực hiện cài đặt hệ thống phòng, chống mã độc và chia sẻ thông tin (SOC) với Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia cho 100% máy chủ và máy trạm của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, Bình Dương nâng cao tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến; mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến; đảm bảo tỷ lệ chi ngân sách Nhà nước cho hoạt động chính quyền số đạt tối thiểu 0,5% tổng chi ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh nâng cao tỷ trọng kinh tế số trong GRDP đảm bảo đạt tối thiểu 20% GRDP; thúc đẩy các doanh nghiệp công nghệ số, doanh nghiệp nền tảng số hoạt động, đảm bảo số lượng doanh nghiệp công nghệ số đạt 500 doanh nghiệp, doanh nghiệp nền tảng số đạt tối thiểu 100 doanh nghiệp; phổ cập danh tính số, tài khoản định danh điện tử cho người dân trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, đảm bảo ứng dụng khai thác trên nền tảng ứng dụng Bình Dương số hoạt động ổn định, hiệu quả, cung cấp được nhiều tiện ích cũng như gia tăng tương tác giữa chính quyền, người dân và doanh nghiệp trên môi trường số, góp phần cung cấp nhiều thông tin cho Chính quyền số nhiều hơn để phục vụ công tác điều hành kinh tế - xã hội, phục vụ người dân tốt hơn trong thời gian tới.