Bình Dương: Nỗ lực thực hiện loạt giải pháp giảm ùn tắc giao thông
Bình Dương sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương Nút giao Tân Vạn được đầu tư xây dựng lên đến 1.700 tỷ đồng |
Ngoài tuyến đường Mỹ Phước Tân Vạn, hiện nay, tỉnh Bình Dương đã bắt đầu thực hiện công trình hầm chui đầu tiên trên tuyến quốc lộ 13 (còn gọi là Đại lộ Bình Dương). Công trình xây dựng hầm chui tại nút giao ngã 5 Phước Kiến thuộc loại công trình giao thông - hầm đường bộ, công trình cấp II. Theo kế hoạch của tỉnh đề ra, trong giai đoạn 2024 - 2030, tỉnh Bình Dương sẽ triển khai thực hiện nhiều dự án cầu vượt, hầm chui tại các nút giao thông phức tạp nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội.
Dự án xây dựng hầm chui tại nút giao ngã năm Phước Kiến có tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách tỉnh Bình Dương. Hầm chui được xây dựng theo hướng từ đường Huỳnh Văn Cù đến đường Phạm Ngọc Thạch. Đường dẫn 2 đầu hầm khoảng 229,60m; chiều dài của tuyến khoảng 629,96m.
Khu vực ngã 5 Phước Kiến được xây dựng hầm chui (Ảnh: A.Đ) |
Công trình có quy mô hầm bê tông cốt thép, tuổi thọ thiết kế 100 năm, tĩnh không thiết kế hầm 5m, vận tốc thiết kế hầm, đường gom hai bên hầm 40km/giờ; qua đó, nhằm giải quyết tình trạng ùn tắt giao thông, bảo đảm an toàn giao thông cho các phương tiện lưu thông qua khu vực ngã 5 Phước Kiến; nâng cao năng lực thông hành trục Quốc lộ 13; Phạm Ngọc Thạch; Huỳnh Văn Cù; Nguyễn Văn Tiết tại khu vực nút giao.
Đây là một trong những nút giao phức tạp nhất trên Quốc lộ 13, có một hướng đi qua huyện Củ Chi (TP Hồ Chí Minh), với lưu lượng phương tiện giao thông di chuyển dày đặc vào giờ cao điểm, nhất là lưu lượng xe container, xe tải, vì thế nơi đây thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc. Bên cạnh đó, nút giao này cũng từng xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nguy hiểm nên việc xây dựng hầm chui và đưa vào sử dụng sẽ làm giảm tải lượng phương tiện giao thông qua khu vực.
Ngoài ra còn có hai dự án cầu vượt khác đang thực hiện tại Bình Dương là công trình hai cầu vượt qua đường Nguyễn Thị Minh Khai và Quốc lộ 13 (Bình Dương) thuộc dự án thành phần 6 (bồi thường, hỗ trợ và tái định cư) tổng mức đầu tư 13.527 tỷ đồng. Đây là dự án thành phần thuộc dự án đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Bình Dương với tổng mức đầu tư hơn 19.200 tỷ đồng.
Theo đó, cầu vượt trên đường Nguyễn Thị Minh Khai sẽ giúp giải quyết tình trạng ùn tắc tại khu vực giao lộ với Quốc lộ 13, một trong những điểm thường xuyên xảy ra kẹt xe, đặc biệt vào giờ cao điểm. Cầu vượt này cho phép xe cộ di chuyển liên tục mà không bị cản trở bởi các phương tiện khác trên Quốc lộ 13, từ đó giảm thời gian chờ đợi và tăng cường lưu thông.
Cùng với đó, cầu vượt trên Quốc lộ 13 cũng đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện hệ thống giao thông tại khu vực. Việc hoàn thành hai cầu vượt này không chỉ giúp giảm bớt áp lực giao thông hiện tại mà còn đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Bình Dương, khi cải thiện kết nối và tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động vận tải và thương mại.
Cũng thuộc dự án đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh, đoạn qua tỉnh Bình Dương có điểm đầu tại nút giao Tân Vạn, điểm cuối tại cầu Bình Gởi với tổng chiều dài hơn 26,6km. Dự án này bao gồm việc xây dựng và nâng cấp đường, cầu, hầm và các công trình phụ trợ để cải thiện kết nối giao thông giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận, trong đó có Bình Dương.
Bên cạnh đó còn có các dự án Nút giao Tân Vạn (thuộc gói thầu XL1- Dự án Vành đai 3 - TP Hồ Chí Minh đoạn qua Bình Dương), là hạng mục quan trọng nằm trong dự án thành phần 5 đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh giúp kết nối Bình Dương, TP Hồ Chí Minh và Đồng Nai.
Đường Mỹ Phước Tân Vạn, đoạn trùng với dự án đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh tại Dĩ An. Ảnh: Đình Trọng |
Trên đường Mỹ Phước - Tân Vạn (dài trên 50 km) kết nối Bình Dương với TP Hồ Chí Minh và Đồng Nai cũng sẽ dự kiến xây dựng các hầm chui ở ngã tư có lưu lượng phương tiện qua lại đông đúc.
Theo kế hoạch, ông Nguyễn Văn Lợi, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương cho biết, dự án cải tạo hạ tầng giao thông công cộng trên địa bàn tỉnh Bình Dương thuộc dự án nhóm A có tổng vốn đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng, trong đó dự kiến nguồn vốn vay hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) Nhật Bản hơn 1.300 tỷ đồng, nguồn vốn đối ứng của tỉnh hơn 700 tỷ đồng.
Được biết, tuyến đường Mỹ Phước Tân Vạn có chiều dài hơn 60km, đi qua nhiều khu công nghiệp. Vào giờ cao điểm, tại các điểm ngã tư, tuyến đường này thường xuyên ùn ứ phương tiện. Xe container, xe tải hạng nặng chủ yếu đi qua tuyến đường Mỹ Phước Tân Vạn. Trung bình mỗi phút có 15 container đi ra khỏi Bình Dương.
Dự án bao gồm một số hạng mục chính như 6 cầu vượt tại các nút giao lớn trên đường Mỹ Phước Tân Vạn (là tuyến đường chính nối Bình Dương – TP Hồ Chí Minh, đi qua nhiều khu công nghiệp). Đồng thời, dự án sẽ triển khai tuyến xe buýt nhanh kết nối giữa thành phố mới Bình Dương và ga Suối Tiên, dài hơn 30km, dự kiến dự án được triển khai trong giai đoạn 2019-2025.