Bình minh của cơ chế, thời cơ, vận hội mới
Chủ tịch nước cùng kiều bào thả cá chép mừng Xuân TP Hồ Chí Minh: Khai mạc Lễ hội Tết Việt Kiều bào là bộ phận không thể tách rời của dân tộc |
Hiệu quả từ cơ chế mới
Từ ngày 1/8/2023, TP Hồ Chí Minh bắt đầu thực hiện cơ chế đặc thù mới theo Nghị quyết 98/2023/QH15 (Nghị quyết 98) của Quốc hội. Nghị quyết có 44 cơ chế, chính sách thuộc 7 nhóm lĩnh vực. Trong đó có 27 chính sách mới, đặc thù, áp dụng riêng cho TP Hồ Chí Minh trên các lĩnh vực: Quản lý đầu tư; tài chính, ngân sách Nhà nước; quản lý đô thị, tài nguyên, môi trường; ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào thành phố; quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; tổ chức bộ máy của chính quyền thành phố và TP Thủ Đức.
Ngay sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết 98, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo sát sao, quyết liệt; TP Hồ Chí Minh cũng đã có bước chuẩn bị và chủ động đưa nghị quyết vào hiện thực hóa một cách khẩn trương, toàn diện, tích cực, đồng thời cũng nhận được sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương...
TP Hồ Chí Minh nhìn từ sông Sài Gòn |
Theo báo cáo, tăng trưởng quý I/2023 của TP Hồ Chí Minh chỉ đạt 0,7%, quý II 5,8%, quý III 6,7%, tổng 9 tháng ước tăng gần 4,5%. Trong khi đó, tổng kết năm 2023, tăng trưởng của thành phố đạt 5,8%, thấp hơn mục tiêu đặt ra từ đầu năm là từ 7,5 - 8%. Tuy nhiên, cần thẳng thắn nhìn nhận, với một năm thế giới đầy biến động, kinh tế khủng hoảng và những ảnh hưởng chung trong nước mà TP Hồ Chí Minh đạt kết quả khả quan như vậy là rất đáng quý. Nhất là sự tăng trưởng trong những tháng cuối năm phần nào chứng minh Nghị quyết 98 đã phát huy hiệu quả, thể hiện tinh thần, trách nhiệm của chính quyền và Nhân dân thành phố.
Đánh giá về kinh tế - xã hội trong năm qua, đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh cho biết, tuy kết quả tăng trưởng năm qua chưa đạt kế hoạch đề ra nhưng vẫn rất đáng mừng trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực phức tạp, khó lường, trong khi kinh tế thành phố vẫn có nhiều khởi sắc.
TP Hồ Chí Minh đã tổ chức nhiều sự kiện kinh tế - xã hội có quy mô và tầm cỡ quốc tế để mở ra thương mại lớn, giao lưu hội nhập sâu rộng với nhiều nước; đời sống người dân cũng được nâng cao, doanh nghiệp cũng đã tiếp cận được các nguồn vốn để hồi phục kinh doanh, sản xuất…
Cũng theo người đứng đầu Thành ủy thành phố, những hạn chế, tồn tại, nguyên nhân của năm 2023; phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp năm 2024, Thành ủy đã nghiêm túc và thẳng thắn nhìn nhận, đề ra kế hoạch cụ thể.
Đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh: "TP Hồ Chí Minh phải tận dụng tối đa thời cơ, thích ứng linh hoạt, khắc phục những hạn chế, bất cập và dự báo những rủi ro có thể xảy ra để từ đó mới có thể vượt chướng ngại vật, tăng tốc về đích…” |
Bí thư Thành ủy thành phố nhận định năm 2024 là năm có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ TP Hồ Chí Minh; dự báo tình hình thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, từ những yếu tố bất lợi từ bên ngoài cũng như những hạn chế, bất cập bên trong.
"TP Hồ Chí Minh phải tận dụng tối đa thời cơ, thích ứng linh hoạt, khắc phục những hạn chế, bất cập và dự báo những rủi ro có thể xảy ra để từ đó mới có thể vượt chướng ngại vật, tăng tốc về đích hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra", đồng chí Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.
Triển khai đồng bộ nhiều kế hoạch
Thông tin về một số nội dung trọng tâm năm 2024 của Hội đồng Tư vấn triển khai thực hiện Nghị quyết 98, đồng chí Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn cho biết, Hội đồng sẽ tiếp tục theo dõi và đề xuất các giải pháp trong quá trình tổ chức triển khai Nghị quyết 98; góp ý thảo luận về bộ tiêu chí đánh giá về tăng trưởng xanh, xây dựng lộ trình giảm phát thải về trung hòa carbon đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; đóng góp vào chủ đề và các nội dung của Diễn đàn kinh tế TP Hồ Chí Minh năm 2024.
Du lịch TP Hồ Chí Minh đang ngày càng phát triển, thu hút nhiều du khách quốc tế |
Bên cạnh đó, Hội đồng Tư vấn triển khai thực hiện Nghị quyết 98 cũng tham gia vào các chương trình nghị sự nhằm thu hút các nhà đầu tư chiến lược thế hệ mới vào thành phố như công nghệ bán dẫn, công nghệ số, năng lượng tái tạo; hoàn thiện cơ chế thu hút - huy động, cơ chế đặt hàng chuyên gia, nhà khoa học; xây dựng nền tảng kết nối thông tin giữa các cơ quan, sở ngành với Tổ thư ký Hội đồng và Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh…
Đồng chí Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho rằng, trong năm 2024, thành phố sẽ tập trung nhóm các đề án, dự án, công trình cụ thể. Để khi có dự án, công trình cụ thể và triển khai thành công sẽ có sức thuyết phục rất lớn.
Đối với đề án đường sắt đô thị cần kiên trì lộ trình như đã bàn, sẽ đảm bảo được tiến độ. Đối với Trung tâm Tài chính quốc tế, Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ cũng là nhiệm vụ rất lớn, làm được sẽ có sức thuyết phục cao.
“Đây là 3 việc cụ thể phải nhắm tới, đó là chủ trương chính trị từ Bộ Chính trị, sẽ có được khung pháp lý của Quốc hội trong năm 2024 để làm nền tảng triển khai cho những năm tiếp theo”, đồng chí Phan Văn Mãi nhấn mạnh.
Đối với nhóm các công việc có tính chất về mặt thể chế, đồng chí Phan Văn Mãi cho biết sẽ phải tập trung hoàn thiện đề án nền công vụ TP Hồ Chí Minh. Thành phố muốn lấy nền công vụ của Singapore như một kinh nghiệm quốc tế tham khảo để chuẩn hóa về mặt quy trình, về mặt tổ chức bộ máy, đội ngũ, chuyển đổi số và làm sao sẽ tổ chức thực hiện, giám sát, điều chỉnh để hoạt động công vụ thành phố thời gian tới tiệm cận các chuẩn mực quốc tế, có chất lượng tốt phục vụ sự phát triển kinh tế.
Từ năm 2024, thành phố cũng bắt đầu khởi động nghiên cứu một khuôn khổ pháp lý phù hợp để quản trị đô thị đặc biệt TP Hồ Chí Minh. Hiện đã có Nghị quyết 98 nhưng cũng chỉ giải quyết được một phần và đang chờ đợi một khung pháp lý. Nếu tập trung trong năm 2024 - 2025, thì sau 3 năm sơ kết thực hiện Nghị quyết 98 có thể phát triển lên ở một khung pháp lý đủ lớn để quản trị đô thị đặc biệt TP Hồ Chí Minh...
Đồng chí Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, từ năm 2024, thành phố cũng bắt đầu khởi động nghiên cứu một khuôn khổ pháp lý phù hợp để quản trị đô thị đặc biệt TP Hồ Chí Minh |
Đồng chí Phan Văn Mãi cũng cho biết, với những tiền đề đã được tạo ra từ đầu nhiệm kỳ, các nghị quyết của Đảng, cơ chế chính sách từ Trung ương và nỗ lực của thành phố, dự báo kinh tế TP Hồ Chí Minh sẽ phục hồi và phát triển mạnh mẽ, tái lập đỉnh tăng trưởng vào khoảng năm 2025 - 2026. Ngoài ra, với các xu hướng mới của kinh tế thế giới như: Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, đổi mới sáng tạo sẽ tác động tích cực và là điều kiện để thành phố chuyển mình, phát triển mạnh mẽ trong năm 2024.
Theo đó, TP Hồ Chí Minh đặt mục tiêu tăng trưởng 7,5 - 8% năm 2024 và đưa ra các nhóm giải pháp về kinh tế - xã hội trọng tâm như: Tập trung rà soát điều chỉnh quy hoạch chung, tạo không gian phát triển mới, bao gồm không gian ngầm, sông, biển; tiếp tục xác định phát triển đô thị đa trung tâm với Thủ Đức là đô thị sáng tạo - tương tác cao ở phía Đông, Cần Giờ là đô thị sinh thái biển, đô thị khu Nam với Phú Mỹ Hưng là trung tâm, đô thị Tây Nam với Bình Chánh là cửa ngõ với Đồng bằng sông Cửu Long và đô thị Tây Bắc gồm Củ Chi - Hóc Môn.
Bên cạnh đó, thành phố cũng tiếp tục tập trung nguồn lực cả đầu tư công và đầu tư xã hội để chỉnh trang, phát triển đô thị, y tế, giáo dục và an sinh xã hội…
TP Hồ Chí Minh đã thống nhất chọn chủ đề năm 2024 là “Quyết tâm thực hiện hiệu quả chuyển đổi số và Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội”. Chủ đề đã thể hiện sự quyết tâm của chính quyền và Nhân dân thành phố mang tên Bác trong việc thực hiện chương trình chuyển đổi số của Chính phủ và hiện thực hóa Nghị quyết 98 của Quốc hội, qua đó mở ra thời cơ mới, tạo vận hội mới để thành phố đột phá, vươn xa…
Tại Hội nghị lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo triển khai Nghị quyết 98, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá, TP Hồ Chí Minh có vị trí, vai trò quan trọng; có tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh và không gian phát triển lớn. Tuy nhiên, khuôn khổ pháp lý cho thành phố còn hạn hẹp. Do đó, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ có các nghị quyết nhằm tháo gỡ các rào cản, tạo điều kiện thuận lợi để TP Hồ Chí Minh phát triển nhanh, bền vững. Trong đó, Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo để triển khai Nghị quyết 98 của Quốc hội. Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, sau hơn 4 tháng triển khai Nghị quyết 98, tư duy, nhận thức, cách tiếp cận về phát triển TP Hồ Chí Minh đã được đổi mới, nâng lên, góp phần tạo động lực, tạo niềm tin về phát triển thành phố. Các Bộ, ngành, cơ quan liên quan và TP Hồ Chí Minh cũng tự tin hơn trong xây dựng các cơ chế, chính sách phát triển. Các nhiệm vụ thực hiện Nghị quyết 98 ban đầu được triển khai tích cực, có hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của TP Hồ Chí Minh… |