Bộ Công thương đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử
CPĐT Bộ Công thương hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả
Cổng dịch vụ công (CDVC) của Bộ Công thương chính thức hoạt động từ cuối năm 2016 với mô hình tương tự như CDVC quốc gia. Trong những năm qua, các nhiệm vụ liên quan đến việc xây dựng, triển khai CPĐT, xây dựng dịch vụ công trực tuyến đã được Bộ Công thương thực hiện nghiêm túc, đầy đủ và vượt kế hoạch đề ra.
Theo đó, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2016-2020, Bộ Công thương đã quyết liệt thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Đây cũng là những nội dung quan trọng trong nhiệm vụ xây dựng và triển khai CPĐT - gắn với đẩy mạnh cải cách và hiện đại hoá hành chính, cắt giảm điều kiện đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp (DN), tạo môi trường đầu tư, kinh doanh và cạnh tranh lành mạnh cho tất cả các thành phần kinh tế.
Kết quả, riêng trong năm 2019, thông qua CDVC, Bộ Công thương đã xử lý gần 155 triệu hồ sơ điện tử ở cấp độ 3 và 4, trong đó có trên 131 triệu hồ sơ được xử lý ở cấp độ 3 và trên 225 nghìn hồ sơ được xử lý ở cấp độ 4, tương ứng với 99% tổng số hồ sơ được gửi đến Bộ Công thương trong năm 2019 đã được xử lý trực tuyến.
Hiện tại, tất cả 295 thủ tục hành chính cấp Trung ương thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công thương đã được triển khai dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 2 trở lên tại địa chỉ https://dichvucong.moit.gov.vn. Trong đó, 144 DVCTT mức độ 3, 62 DVCTT mức độ 4.
Đến nay, đã có gần 35,000 doanh nghiệp đăng ký sử dụng Cổng DVCTT của Bộ. Tổng số hồ sơ DVCTT trong 9 tháng đầu năm 2020 là 874.199 hồ sơ, tương ứng 99% tổng số hồ sơ được gửi đến Bộ.
Cán bộ, công chức của sở Công thương Khánh Hòa hướng dẫn người dân tạo lập hồ sơ trực tuyến |
6 tháng đầu năm 2021, Bộ Công thương đã kết nối 17 nhóm DVCTT với Cơ chế một cửa quốc gia (VNSW). Tổng số hồ sơ thực hiện trên VNSW trong 06 tháng đầu năm 2021 là 142.700 hồ sơ.
Để đạt được những con số ấn tượng nói trên, Bộ Công thương đã đánh giá, lựa chọn những thủ tục hành chính, những dịch vụ công có ảnh hưởng sâu và tác động lan toả rộng đến xã hội, đến đông đảo người dân và DN để xây dựng thành các dịch vụ công trực tuyến, như: hệ thống cấp chứng nhận xuất xứ ưu đãi, hệ thống khai báo hoá chất nhập khẩu; quản lý hoạt động thương mại điện tử… để chuyển đổi thành dịch vụ công trực tuyến thay cho hình thức thủ tục trên giấy như trước.
Đặc biệt, nhằm khuyến khích và tạo thuận lợi nhất cho người dân, DN tiếp cận và sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, Bộ Công thương đã thực hiện việc thiết kế kỹ thuật sao cho dễ sử dụng nhất và có hướng dẫn cụ thể, chi tiết cách thức thực hiện.
Kết nối với cơ chế một cửa ASEAN
Thời gian vừa qua, nhằm phát huy hiệu quả của Cổng DVC, với quan điểm và thực tiễn lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, Bộ Công thương đã thực hiện đồng bộ hàng loạt biện pháp.
Cụ thể, Bộ Công thương tích cực triển khai Nghị định số 61/2018/NĐ-CP của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính. Đồng thời, triển khai Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước và tình kết nối, liên thông, gửi, nhận văn bản điện tử.
Bên cạnh đó, Bộ Công thương đẩy mạnh triển khai Kiến trúc Chính phủ điện tử cấp bộ, tổ chức triển khai nhân rộng Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc và xây dựng Hệ thống thông tin báo cáo của Bộ, kết nối với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ.
Trong hoạt động, Bộ Công thương chủ động nhân rộng Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc, song song với việc xây dựng Hệ thống thông tin báo cáo của Bộ, kết nối với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ. Đáng chú ý, Bộ Công thương cũng đã kết nối Cổng DVC Bộ Công thương với Cổng dịch vụ công quốc gia; Kết nối, chia sẻ thông tin với các hệ thống của quốc gia; Ứng dụng công nghệ thông tin tại Bộ; Bảo đảm an toàn, an ninh thông tin và hoàn thiện thể chế thúc đẩy Chính phủ điện tử tại Bộ Công thương.
Một vấn đề quan trọng là thủ tục Cấp giấy chứng nhận xuất xứ mẫu D, Bộ Công thương đã phối hợp với Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan), kết nối thành công với đã trao đổi Giấy chứng nhận xuất xứ mẫu D điện tử với 9 nước bao gồm: Indonesia, Thái Lan, Singapore, Malaysia và Bruinei, Campuchia, Lào, Myanmar, Philippine.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, tổng số hồ sơ điện tử đã trao đổi với các nước là 103.664 hồ sơ. Đây là chứng từ điện tử đầu tiên của Việt Nam được gửi ra nước ngoài, tạo tiền đề để Việt Nam tiếp tục trao đổi, xử lý trực tuyến các chứng từ thương mại khác dưới dạng điện tử khác với các nước, khối - cộng đồng kinh tế theo các thỏa thuận và cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Năm 2021, Bộ Công thương tiếp tục trao đổi, xử lý trực tuyến các chứng từ thương mại khác dưới dạng điện tử khác với các nước, khối, cộng đồng kinh tế theo các thỏa thuận và cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Bên cạnh đó Bộ Công thương đang phối hợp với Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) tiếp tục kết nối 3 thủ tục hành chính lên Cổng thông tin một cửa quốc gia trong năm 2021 bao gồm: Khai báo nhập khẩu đối với hàng hóa bị điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại; Miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại và Cấp mã số nhà sản xuất (MID) hàng dệt may xuất khẩu sang Hoa Kỳ.
* Đây là bài viết tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng dịch vụ công trực tuyến của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2021