Đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến, giảm giấy tờ trong xử lý thủ tục hành chính
Tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp
DVCTT là dịch vụ hành chính công và các dịch vụ khác của cơ quan nhà nước được cung cấp cho các tổ chức, cá nhân trên môi trường mạng.
Việc sử dụng DVCTT giúp giảm thời gian, chi phí đi lại cho việc gửi hồ sơ và nhận kết quả của các tổ chức, cá nhân; Đặc biệt là tránh được tệ nhũng nhiễu, quan liêu, phiền hà từ một bộ phận cán bộ công quyền, hách dịch; Tăng tính công khai, minh mạch của thủ tục hành chính; Nâng cao trách nhiệm, trình độ chuyên môn và kiến thức về công nghệ thông tin của cán bộ công chức được phân công xử lý hồ sơ thủ tục hành chính… góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Kết quả xử lý hồ sơ trên Cổng dịch vụ công trực tuyến TP Hà Nội |
Hiện DVCTT có 4 cấp độ, trong đó, với việc sử dụng hình thức nộp hồ sơ trực tuyến thông qua DVCTT mức độ 3, 4, người dân và doanh nghiệp có thể thực hiện nộp hồ sơ đề nghị giải quyết TTHC với cơ quan nhà nước xuyên suốt 24 giờ/ngày tại bất cứ địa điểm nào có kết nối internet. Người nộp hồ sơ có thể được cung cấp kịp thời và chính xác thông tin về trạng thái xử lý hồ sơ giải quyết TTHC đầy đủ và chi tiết.
Đặc biệt, đối với DVCTT mức độ 4, người dân, doanh nghiệp có thể thực hiện nộp các khoản phí, lệ phí thông qua thanh toán điện tử trên môi trường mạng, nhận kết tại nhà nếu có nhu cầu mà không cần phải đến trực tiếp các cơ quan Nhà nước hay Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả các cấp.
Tại Trung tâm Hành chính công quận Hoàng Mai (Hà Nội), người dân đến giao dịch các dịch vụ công khá thuận lợi. Chỉ cần khoảng 5-10 phút tùy dịch vụ, các giao dịch của người dân được giải quyết nhanh chóng.
Ông Nguyễn Quang Trung (ở phường Giáp Bát, Hoàng Mai, Hà Nội) đến Trung tâm Hành chính công quận để thực hiện thủ tục xóa thế chấp. Chỉ trong vòng chưa đầy 5 phút, giao dịch của ông hoàn thành, nhờ TTHCC quận đã thực hiện số hóa hồ sơ của ông trong lần giao dịch trước.
“Việc thực hiện các thủ tục hành chính tại Trung tâm hành chính của quận rất thuận lợi. Lần thứ hai đến giao dịch, tôi chỉ cần đọc số căn cước công dân thì hồ sơ của đã có tích hợp sẵn và giao dịch nhanh hơn rất nhiều, hạn chế các loại giấy tờ và giảm thời gian giao dịch”, ông Trung phấn khởi chia sẻ.
Không riêng Hoàng Mai, hiện toàn thành phố đã thành lập, triển khai và đưa vào hoạt động TTHCC các cấp ở tất cả các quận, huyện, thị xã và thành phố Hà Nội. Tất cả các xã, phường, thị trấn đều có bộ phận tiếp nhận và trả kết quả TTHC “một cửa”; Đồng thời, tiếp tục vận hành có hiệu quả Trung tâm Phục vụ hành chính công thành phố.
Tiếp tục đẩy mạnh triển khai cung cấp DVCTT
Trên thực tế, thời gian qua, hệ thống dịch vụ công trực tuyến còn được xem là phương thức hữu hiệu giúp người dân và cả cán bộ làm nhiệm vụ tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính giảm bớt nỗi lo lây lan dịch Covid-19.
Cùng với việc đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến, nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu trên quy mô toàn quốc đã được phát triển và hình thành theo Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam (bao gồm: Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia và các Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp bộ/tỉnh. Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia đã kết nối với trên 200 hệ thống thông tin của 90 cơ quan, đơn vị để kết nối chia sẻ dữ liệu quy mô quốc gia).
Tất cả các bộ, cơ quan ngang bộ, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp bộ/tỉnh để kết nối chia sẻ dữ liệu trong mỗi bộ/tỉnh và là đầu mối kết nối ra bên ngoài. Kết nối, chia sẻ dữ liệu hiệu quả sẽ là tiền đề phát triển Chính phủ số.
Một số cơ sở dữ liệu quy mô quốc gia đã được xây dựng và phát huy hiệu quả như các cơ sở dữ liệu về đăng ký doanh nghiệp, bảo hiểm, y tế, giáo dục, hộ tịch. Trong đó, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong nhiều năm không làm được thì đã được khai trương ngày 25/02/2021, là cú hích giảm giấy tờ thủ tục hành chính đáng kể.
Đến nay, tất cả các bộ, ngành, địa phương đã có Trung tâm điều hành và giám sát an toàn an ninh và kết nối với Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia để tạo thành hệ thống giám sát toàn diện an toàn không gian mạng quốc gia.
Tại Hội thảo quốc gia về Chính phủ điện tử năm 2021 diễn ra mới đây, các chuyên gia nhận định, DVCTT mức mức độ cao đang được phát triển để phục vụ tốt hơn người dân và doanh nghiệp; Tỷ lệ DCVTT mức 4 đạt 31%; Đã có một số bộ, ngành, địa phương cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến mức 4 như Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tỉnh Bến Tre…
Song, theo đánh giá của Chính phủ, một trong những hạn chế là tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức 4 vẫn thấp, vì vậy, các bộ, ngành, địa phương cần đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến, triển khai hệ thống Chính phủ điện tử cấp bộ, tỉnh thuận lợi nhất.
Xác định việc cung cấp DVCTT vẫn là nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu để phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số trong giai đoạn mới, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đề nghị các bộ, ngành, địa phương: Tiếp tục triển khai quyết liệt và có hiệu quả các giải pháp để đạt được mục tiêu cung cấp 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến mức độ 4 trong năm 2021.
Đối với các dịch vụ công không đủ điều kiện đưa lên trực tuyến mức độ 4, cần ứng dụng triệt để các giải pháp kỹ thuật nhằm đưa tối đa các hoạt động cung cấp dịch vụ công lên môi trường mạng, từ quá trình nộp, tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính cho đến trả kết quả tới người dân, doanh nghiệp.
Đồng thời, Bộ Thông tin và Truyền thông giao Cơ quan chuyên trách về công nghệ thông tin của các bộ, ngành xây dựng kế hoạch triển khai DVCTT mức độ 4, trong đó cần thể hiện rõ mục tiêu cung cấp 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến mức độ 4 trong năm 2021.
Bên cạnh đó, định kỳ hàng tháng gửi báo cáo triển khai cung cấp DVCTT về Bộ Thông tin và Truyền thông qua Hệ thống đánh giá mức độ chuyển đổi số tại địa chỉ: https://dti.gov.vn để tổng hợp.
* Đây là bài viết tuyên truyền, hướng dẫn dịch vụ công trực tuyến của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2021