55 dịch vụ công cần sớm cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia
Nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện dịch vụ công trực tuyến, thời gian qua, các Bộ, ngành, TP đã tập trung triển khai tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Tính riêng từ tháng 12/2019 đến nay, Cổng Dịch vụ công quốc gia đã cung cấp 3.143 dịch vụ công trực tuyến (trong đó có 1.736 dịch vụ công cho công dân; 1.716 dịch vụ công cho doanh nghiệp).
Đến nay đã có 100% Bộ, ngành, địa phương; 8 tập đoàn, tổng công ty, công ty; 15 ngân hàng, trung gian thành toán kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia. Số giao dịch được thực hiện trên cổng là 116.000 với tổng số tiền 258 tỷ đồng cho các dịch vụ thanh toán: Phí, lệ phí, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, án phí...
Người dân tra cứu thông tin trên Cổng dịch vụ công quốc gia |
Cổng dịch vụ công trực tuyến đã tích hợp hơn 2.900 thủ tục hành chính của 21 bộ ngành và 63 tỉnh thành, hơn 57 triệu hồ sơ được xử lý, tiết kiệm ngân sách khoảng 8.000 tỷ đồng mỗi năm.
Để nâng cao hiệu quả dịch vụ công trực tuyến, ngày 22/3/2021, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định phê duyệt danh mục 55 dịch vụ công trực tuyến cần sớm tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia trong năm 2021. Trong đó, có 11 dịch vụ thuộc nhóm dịch vụ công thực thi phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư như: Cấp, cấp lại, đổi thẻ căn cước công dân; Xác nhận số Chứng minh nhân dân khi đã được cấp thẻ Căn cước công dân; Đăng ký thường trú; Đăng ký tạm trú; Khai báo tạm vắng; Thông báo lưu trú; Liên thông đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi; Cấp hộ chiếu phổ thông…
Danh mục mới ban hành còn gồm 44 dịch vụ thuộc nhóm dịch vụ công trực tuyến thiết yếu theo đánh giá Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Liên hợp quốc, đó là các dịch vụ như: Gia hạn tạm trú, cấp thị thực cho người nước ngoài tại Việt Nam; Cấp giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ; Cung cấp thông tin về quy hoạch xây dựng; Đăng ký dự thi kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia và xét tuyển đại học, cao đẳng; Đăng ký xét tuyển đại học hệ chính quy; tuyển sinh cao đẳng, tuyển sinh trung cấp nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy; Đăng ký, cấp biển số mô tô, xe gắn máy; Đổi giấy phép lái xe do ngành giao thông vận tải cấp; Thanh toán học phí; Thanh toán viện phí; Thu tiền nộp phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ; Đăng ký khai sinh; Cấp phiếu lý lịch tư pháp…
Đáng chú ý, theo thống kê, trong danh mục dịch vụ công trực tuyến cần sớm tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia năm 2021, có 48 dịch vụ mức 4.
Ngoài các dịch vụ công trực tuyến thuộc danh mục nêu trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương căn cứ vào điều kiện thực tiễn của mỗi đơn vị để phê duyệt danh mục, lộ trình, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trực thuộc trong việc tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến thuộc phạm vi quản lý trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia năm 2021 đảm bảo đạt tỷ lệ tối thiểu theo quy định tại Nghị quyết 01 ngày 1 tháng 1 năm 2021 của Chính phủ.
Trên thực tế, trong thời gian qua, Cổng Dịch vụ công Quốc gia ngày càng tích hợp nhiều dịch vụ công trực tuyến của các Bộ, ngành, địa phương từ đó tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp truy cập với 2.900 dịch vụ được tích hợp, không phân biệt địa giới hành chính.
Đặc biệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, đã có 8 dịch vụ công trực tuyến hỗ trợ người dân, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng, gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19 được bổ sung trên Cổng Dịch công quốc gia.
Việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến là nhiệm vụ hàng đầu để phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số. Theo báo cáo của liên Hợp quốc, năm 2020, thứ hạng phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam đã tăng hai bậc, lên vị trí thứ 86/193 quốc gia, vùng lãnh thổ. Dù vậy, so với các nước trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam vẫn giữ nguyên vị trí thứ 6 trong thứ hạng phát triển Chính phủ điện tử. Điều này khiến cho lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong thu hút đầu tư, phát triển đất nước chưa thực sự bứt phá.
Theo nhiều chuyên gia, trong giai đoạn tới, để nâng cao năng lực cạnh tranh trong khu vực, Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa trong việc nâng cao hiệu quả Chính phủ điện tử. Muốn vậy, việc đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến mức độ cao cần được thực hiện quyết liệt hơn.
* Đây là bài viết tuyên truyền, hướng dẫn dịch vụ công trực tuyến của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2021