Bộ Công thương hướng dẫn phương án hỗ trợ giảm giá điện, tiền điện
Bộ Công thương vừa ban hành Công văn hướng dẫn phương án hỗ trợ giảm giá điện, tiền điện nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng của dịch Covid-19
Bài liên quan
Bộ Công thương đề xuất giảm 10% giá điện cho người dân trong 3 tháng
Bộ Công thương: Hạn ngạch xuất khẩu gạo trong tháng 4/2020 là 400.000 tấn
Bộ Công thương công bố điểm bán khẩu trang vải kháng khuẩn phòng dịch Covid-19
Hà Nội đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa trong cả trường hợp xấu nhất, cách ly diện rộng
Đảm bảo tính công khai, minh bạch trong việc thực hiện giá bán điện
Hỗ trợ giảm giá bán điện
Cụ thể, triển khai thực hiện Nghị quyết số 41/NQ-CP của Chính phủ tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2020, để tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, Bộ Công thương đã dự thảo và gửi xin ý kiến các Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các cơ quan, Bộ Công thương ban hành Công văn số 2698/BCT ĐTĐL hướng dẫn Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện.
Về phương án giảm giá bán điện, Công văn của Bộ Công thương nêu rõ: Đối với các ngành sản xuất, kinh doanh: thực hiện giảm 10% giá bán lẻ điện quy định tại Quyết định số 648/QĐ-BCT ngày 20 tháng 3 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định giá bán điện ở tất cả các khung giá giờ cao điểm, giờ bình thường và giờ thấp điểm.
Tổng thời gian hỗ trợ giảm giá điện là 3 tháng và được thực hiện theo kỳ hóa đơn gần nhất kể từ ngày ban hành Công văn số 2698/BCT-ĐTĐL (ngày 16 tháng 4 năm 2020). Số tiền ngành điện hỗ trợ các doanh nghiệp khoảng 6.104 tỷ đồng.
Đối với giá bán lẻ cho các khách hàng sinh hoạt, khách hàng sử dụng điện sinh hoạt sẽ được giảm 10% giá bán lẻ điện sinh hoạt từ bậc 1 đến bậc 4 quy định tại Quyết định số 648/QĐ-BCT. Ước tính khoảng 20 triệu hộ sẽ được giảm giá trong các tháng 4, 5, 6 với tổng số tiền hỗ trợ khoảng 2.930 tỷ đồng.
Tổng thời gian hỗ trợ giảm giá điện là 3 tháng và được thực hiện theo kỳ hóa đơn gần nhất kể từ ngày Bộ Công thương ban hành Công văn |
Giá bán buôn điện nông thôn; giá bán buôn điện khu tập thể, cụm dân cư; giá bán buôn điện cho tổ hợp thương mại-dịch vụ-sinh hoạt và giá bán buôn điện cho các khu công nghiệp, giá bán buôn điện cho chợ cũng giảm theo tỷ lệ tương ứng 10% như nêu trên.
Đối với khách hàng là các cơ sở lưu trú du lịch: giảm giá điện từ mức giá bán lẻ điện áp dụng cho kinh doanh xuống bằng mức giá bán lẻ điện áp dụng cho các ngành sản xuất sau khi giảm giá. Số tiền hỗ trợ các cơ sở lưu trú du lịch ước khoảng hơn 1.800 tỷ đồng.
Giảm tiền điện cho các cơ sở khám chữa bệnh cho người nhiễm Covid-19
Công văn của Bộ Công thương cũng nêu rõ: Trong thời gian qua có một số cơ sở đã được sử dụng để trực tiếp tham gia cách ly, khám bệnh và điều trị cho người bị nhiễm hoặc nghi nhiễm Covid 19. Để phối hợp chung tay cùng các bộ ngành, ngoài các đối tượng được giảm giá điện kể trên, Bộ đã chỉ đạo EVN và hướng dẫn thực hiện giảm tiền điện (giá trị trước thuế) trực tiếp cho các đối tượng mua điện từ các đơn vị thuộc EVN.
Cụ thể, các cơ sở được dùng để cách ly, khám bệnh tập trung bệnh nhân nghi nhiễm, đã nhiễm Covid-19 (không phải là khách sạn) được giảm 100% tiền điện. Các cơ sở y tế được dùng để khám, xét nghiệm, điều trị bệnh nhân nghi nhiễm, đã nhiễm Covid-19 được giảm 20% tiền điện. Các khách sạn được dùng để cách ly bệnh nhân nghi nhiễm, đã nhiễm Covid-19 được giảm 20% tiền điện. Tổng số tiền ngành điện hỗ trợ khoảng 100 tỷ đồng.
Tổng số tiền hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện trước khoảng gần 11.000 tỷ đồng tương ứng với số tiền doanh thu giảm của EVN.
Để đảm bảo cho khách hàng sử dụng điện được hưởng các chính sách hỗ trợ về tiền điện theo Nghị quyết 41, Bộ Công thương yêu cầu các đơn vị điện lực phải chủ động giải quyết nhanh chóng, kịp thời tất cả các thắc mắc, khiếu nại của khách hàng về chỉ số công tơ, hoá đơn tiền điện trước, trong và sau khi thực hiện việc giảm giá điện và giảm tiền điện.
Trong quá trình triển khai, Bộ sẽ thực hiện kiểm tra, giám sát các đơn vị điện lực thực hiện đúng các chỉ đạo của Chính phủ về giảm giá điện, giảm tiền điện, đảm bảo đúng đối tượng, đúng thời gian, qua đó góp phần hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị tác động của dịch Covid-19.
Ngoài ra, Bộ Công thương sẽ chỉ đạo, đôn đốc EVN thực hiện tiết kiệm chi phí thường xuyên, các khoản chi không cấp thiết khác tại Tập đoàn và các đơn vị trực thuộc. Bộ cũng chỉ đạo EVN tính toán lại chi phí mua điện năm 2020 với các thông số đầu vào cập nhật như giá than, dầu, khí, tỷ giá...