Bộ đội, dân quân tích cực giúp dân khắc phục hậu quả sau mưa bão
Tích cực giúp dân chống bão
Do ảnh hưởng của bão, từ đêm 16/9, trên địa bàn thành phố Hội An trời bắt đầu có mưa to, gió mạnh. Trong căn nhà nhỏ tuềnh toàng nằm sát bờ biển, tuy đã chủ động chằng chống, xếp bao cát lên mái tôn khá kỹ càng, song hai mẹ con chị Trần Thị Năng ở phường Cửa Đại vẫn rất lo lắng.
Trưa 17/9, được cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS thành phố và Ban CHQS phường Cửa Đại cho xe buýt đến tận nhà đón đi tránh bão, chị rất xúc động. Trò chuyện với phóng viên, chị Năng chia sẻ: “Trước khi đưa mẹ con tôi dời đi, mấy chú bộ đội, dân quân còn trèo lên nóc nhà kiểm tra, gia cố lại toàn bộ mái tôn. Cửa chính, cửa sổ cũng được mấy chú chằng buộc rất cẩn thận bằng dây thép”.
Cơn bão số 5 được đánh giá là cơn bão có cường độ mạnh, di chuyển nhanh và có sức tàn phá lớn, nhận định được mức độ nguy hiểm khi bão số 5 đổ bộ vào đất liền. Ba ngày trước khi bão đổ bộ, tiếng loa tuyên truyền lưu động phòng, chống bão của các chiến sĩ dân quân thường trực phường Cửa Đại đã trở nên quen thuộc với bà con tiểu thương trong khu chợ Phước Hải và âu thuyền Phước Trạch.
Chiến sĩ bộ đội, dân quân, biên phòng hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả sau mưa bão |
Anh Trương Minh Sỹ, Chỉ huy trưởng Ban CHQS phường Cửa Đại cho biết: “Do công việc bận rộn nên nhiều người dân không có thời gian đọc báo, xem thời sự để cập nhật tình hình bão. Do đó, chúng tôi chủ động ghi âm các bản tin dự báo thời tiết và khuyến cáo của chính quyền địa phương, sau đó dùng xe máy chở âm ly, loa máy đi tuyên truyền lưu động tại các khu vực đông người sinh sống để nâng cao ý thức phòng, chống bão cho bà con.
Tuy quân số mỏng, lại căng kéo thực hiện cùng lúc nhiều nhiệm vụ nhưng chúng tôi vẫn cắt cử lực lượng đến hỗ trợ các gia đình chính sách, người già yếu, tàn tật chằng chống nhà cửa, kê đặt đồ đạc, tài sản để phòng, chống bão”.
Trung tá Lê Phước Thành, Phó Chỉ huy trưởng Ban CHQS thành phố Hội An cho biết: “Tính đến 10 giờ sáng 18/9, chúng tôi đã phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền và lực lượng chức năng các địa phương tổ chức di dời, vận động được gần 1.000 người sinh sống trong các khu nhà tạm ven biển đi sơ tán tập trung.
Cùng với đó, chúng tôi cũng đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ hàng nghìn người dân khác đến tránh trú bão tại các gia đình thân quen, có nhà ở kiên cố, cao ráo; Kêu gọi được 175 tàu, thuyền công suất lớn ở phường Cửa Đại về nơi neo đậu, tránh trú bão. Theo khuyến cáo của địa phương, sau khi chằng chống lồng bè, các hộ nuôi trồng thủy hải sản đã chủ động lên bờ nên giảm tối đa thiệt hại về người và tài sản khi bão đổ bộ”.
Cán bộ, chiến sĩ giúp nhân dân khắc phục hậu quả sau cơn bão số 5 |
Đối với quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng, nơi có hàng nghìn tàu, thuyền công suất lớn đánh bắt xa bờ và hàng trăm lồng bè nuôi trồng thủy hải sản, trước khi bão đổ bộ, Ban CHQS quận Sơn Trà đã tham mưu cho UBND quận tiến hành rà soát, chuẩn bị sẵn sàng mọi phương án phòng, chống bão, khắc phục hậu quả thiên tai.
Đơn vị cũng huy động lực lượng chằng chống nhà cửa, doanh trại, cắt tỉa cành cây, khơi thông cống rãnh, dòng chảy các khu vực có nguy cơ ngập úng cao. Theo Thượng tá Phạm Văn Tám, Chính trị viên Ban CHQS quận Sơn Trà: “Với phương châm 4 tại chỗ, chúng tôi đã kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương sử dụng các ngôi trường kiên cố trên địa bàn làm điểm sơ tán tập trung.
Trong trường hợp cần thiết, doanh trại của các đơn vị quân đội cũng được sử dụng để tiếp đón bà con đến tránh bão. Đơn vị đã huy động toàn bộ lực lượng dân quân cơ động tăng cường cho ban CHQS các phường, tổ chức tuyên truyền, vận động, hỗ trợ bà con, ngư dân phòng, chống bão, phối hợp cùng các lực lượng tổ chức tuần tra, kiểm soát bảo vệ an ninh, an toàn các khu vực”.
Khẩn trương khắc phục hậu quả sau mưa bão
Ngay sau khi cơn bão đi qua, hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ bộ đội thường trực và dân quân tự vệ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế đã nhanh chóng ra quân không kể ngày đêm để giúp đỡ người dân khắc phục hậu quả, sớm quay về với cuộc sống thường ngày.
Thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, bà Trương Thị Gái (xã Phong Hiền, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế) đã lường trước được mức độ nguy hiểm của cơn bão nhưng một mình neo đơn bà chẳng thể phòng, chống được gì cho căn nhà cấp 4 của mình. Sau bão, toàn bộ ngói vỡ nát và tôn trên mái hiên của căn nhà cũng theo gió quật mạnh bay xiêu vẹo. Nỗi khó khăn của bà Gái sau đại dịch Covid-19 càng nặng nề hơn khi cơn bão số 5 đi qua.
Trong lúc đang không biết tìm kiếm sự giúp đỡ từ đâu thì 10 cán bộ, chiến sĩ bộ đội áo xanh đã đến nhà giúp bà dựng cây gãy, lợp lại mái ngói mới để bà có nơi trú mưa, tránh nắng vững chãi hơn trong những ngày tháng tiếp theo.
Hàng trăm người dân khẩn trương khắc phục hậu quả sau mưa bão |
Với tinh thần hết mình hỗ trợ cho người dân, xem bà con như chính người thân, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ bộ đội không chỉ động viên tinh thần mà còn trở thành lực lượng chính xây dựng, sửa chữa lại nhà cửa cho bà con nhân dân xã Phong Hiền.
Thiếu tá Nguyễn Văn Thạnh, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện Phong Điền cho hay, trước mắt đơn vị tập trung ưu tiên giúp đỡ các gia đình neo đơn, chính sách, hộ nghèo trên địa bàn sửa chữa nhà cửa, dọn dẹp cây cối bị gãy ngã để bà con có thể sớm ổn định lại được cuộc sống.
Trên địa bàn toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế có 20 trường học bị tốc mái, sập hàng rào, hư hỏng thiết bị dạy học. Đặc biệt, hầu hết các cây xanh xung quanh và trong khuôn viên các trường học bị đổ ngã, ước tính thiệt hại trên 2 tỷ đồng. Cơn bão cũng khiến toàn bộ học sinh các cấp phải nghỉ học trong hai ngày 18 - 19/9/2020.
Để đảm bảo cho các em được đến trường, giữ tiến độ học tập sau thời gian dài nghỉ dịch Covid-19, các chiến sĩ bộ đội cụ Hồ toàn tỉnh khẩn trương cùng các giáo viên thu dọn cây cối, sửa chữa các hạng mục bị bão làm hư hỏng, trả lại mỹ quan cho trường học. Tuy lượng công việc lớn nhưng với tinh thần trách nhiệm cao, công tác khắc phục tại các cơ sở giáo dục đã cơ bản hoàn thành.