Vi phạm đê điều vẫn gia tăng trong mùa mưa bão
Tình trạng san lấn hàng lang thoát lũ sông Hồng tại quận Tây Hồ diễn biến phức tạp
Phát sinh 80 vụ vi phạm
Theo thống kê của các cơ quan chức năng, trong tháng 8/2019, toàn thành phố phát sinh 10 vụ vi phạm pháp luật về đê điều. Các vi phạm như: Xây nhà cấp 4, móng là 2 vụ; xây tường chắn 1 vụ; dựng lều, quán, lán tạm 2 vụ; chứa chất tải lên phạm vi bảo vệ đê 4 vụ; đào xẻ đê, xây dốc 1 vụ. Ngay khi phát hiện vi phạm, các Hạt quản lý đê thuộc Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội đã đề nghị chính quyền cơ sở xử lý theo thẩm quyền. Tính từ đầu năm đến nay, toàn thành phố đã xảy ra 80 vụ vi phạm pháp luật về đê điều.
Một nhà hàng lấn chiếm hàng lang đê sông Hồng tại quận Long Biên |
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, tình hình vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn thành phố vẫn diễn biến phức tạp, nhiều vụ việc nghiêm trọng xảy ra gây bức xúc dư luận. Hằng tháng, Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội đều tổng hợp, báo cáo tình hình vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn thành phố gửi đến UBND các quận, huyện, thị xã đề nghị xử lý theo thẩm quyền. Tuy nhiên, tỷ lệ xử lý còn hạn chế, số vụ vi phạm tồn đọng nhiều.
Các vi phạm xảy ra trên địa bàn 23 quận, huyện, thị xã có đê từ cấp III đến cấp đặc biệt của thành phố. Các địa bàn xảy ra nhiều vi phạm là: Ba Vì 18 vụ, Sóc Sơn 12 vụ, Thường Tín 8 vụ, Ứng Hòa 6 vụ, Hoài Đức 6 vụ...
Xử lý chẳng bao nhiêu
Về kết quả xử lý tính đến đầu tháng 8/2019, số vụ vi phạm đã được xử lý 11 vụ, trong đó: Gia Lâm 2 vụ, Ba Vì 3 vụ, Sóc Sơn 1 vụ, Thanh Trì 1 vụ, Hoàng Mai 2 vụ, Thanh Oai 1 vụ. Số vụ vi phạm pháp luật về đê điều phát sinh 7 tháng còn tồn đọng là 59 vụ.
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tình hình vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn thành phố vẫn diễn biến phức tạp, trong khi đó, số vụ vi phạm được xử lý còn hạn chế, tồn đọng nhiều. Một số địa bàn xảy ra nhiều vi phạm, nhưng kết quả xử lý rất thấp, thậm chí chưa được xử lý. Đặc biệt, đã xảy ra các vụ việc vi phạm nghiêm trọng ảnh hưởng đến an toàn đê điều, thoát lũ, an toàn giao thông, gây ra nhiều bức xúc trong dư luận. Vì vậy, thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp về giải pháp công trình, phi công trình để ngăn chặn, hạn chế vi phạm vi phạm pháp luật đê điều.
Sở đề nghị các quận, huyện, thị xã và các xã, phường, thị trấn: Thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND thành phố và kiến nghị của đoàn kiểm tra công vụ thành phố về xử lý vi phạm pháp luật về đê điều; chỉ đạo các phòng ban chuyên môn, UBND các xã, phường, thị trấn ven đê phối hợp chặt chẽ với hạt quản lý đê lập kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện xử lý, giải tỏa vi phạm pháp luật về đê điều còn tồn đọng trên địa bàn...
Trước đó, UBND thành phố, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cũng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo xử lý vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn thành phố. Ngoài ra, Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội đã thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc các hạt quản lý đê thực hiện tốt công tác kiểm tra, phát hiện sớm các vụ vi phạm và gửi các văn bản kịp thời tới các cấp chính quyền đề nghị xử lý vi phạm Luật Đê điều trên địa bàn thành phố…
Cũng liên quan đến xử lý vi phạm trên địa bàn TP Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản đề nghị xử lý vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn thành phố Hà Nội. Đồng thời, Bộ này cũng ban hành quyết định thanh tra việc chấp hành pháp luật về đê điều; phòng chống thiên tai đối với các tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến đê điều trên địa bàn thành phố Hà Nội. Theo đó, Đoàn Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tiến hành lập biên bản làm việc, biên bản vi phạm hành chính về lĩnh vực phòng, chống thiên tai, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều đối với Công ty TNHH MTV Cảng Hồng Vân và Công ty cổ phần Thương Mại và Sản xuất Hoàng Gia.