Bổ sung, chỉ rõ những biểu hiện cán bộ, công chức đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm
Đó là một trong những ý kiến góp ý vào dự thảo Chỉ thị của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường kỷ luật, kỷ cương và trách nhiệm trong xử lý công việc của các cấp ủy, địa phương, đơn vị thuộc thành phố Hà Nội. Đây là một nội dung được Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội cho ý kiến tại Hội nghị lần thứ 13 Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội khóa XVII, diễn ra trong 2 ngày (14-15/6).
Các đại biểu thảo luận tại tổ 1 |
Quy trình nội bộ trong các Sở còn rất hạn chế
Trong buổi sáng ngày làm việc thứ 2, các đại biểu thảo luận tại tổ cho ý kiến về các báo cáo sơ kết giữa nhiệm kỳ và dự thảo Chỉ thị của Ban Thường vụ Thành ủy về việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương và trách nhiệm trong xử lý công việc của các cấp ủy, địa phương, đơn vị thuộc TP Hà Nội.
Tại tổ 1, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đề nghị các đại biểu tập trung cho ý kiến về dự thảo Chỉ thị nêu trên, trọng tâm là phải làm rõ được những biểu hiện đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm, không dám nghĩ, dám làm; Trên cơ sở đó có chế tài xử lý trách nhiệm cụ thể đối với tập thể, cá nhân; không để tình trạng cào bằng, người làm tốt cũng như người làm không tốt.
“Muốn nói gì thì nói, thông qua thực hiện Chỉ thị phải siết chặt được kỷ luật, kỷ cương, nâng cao được trách nhiệm của từng cán bộ, công chức, công việc phải chạy, phải tốt, dân phải được nhờ thì mới thực chất, hiệu quả”, Bí thư Thành ủy nhấn mạnh; Đồng thời cho rằng, cán bộ, công chức theo chức năng nhiệm vụ phải rõ chính kiến, phải rõ tinh thần phê bình và tự phê bình.
Theo Phó Chủ tịch HĐND TP Phạm Quí Tiên, Chỉ thị có ý nghĩa chỉ đạo chung, trên cơ sở đó, các cấp ủy tổ chức Đảng, Đảng đoàn, Sở, ban, ngành phải cụ thể hóa thành kế hoạch thực hiện, quy chế, quy trình công tác. Hiện nay, các quy trình, quy chế của các Sở, ngành được UBND TP duyệt thì tốt nhưng quy trình nội bộ trong các sở còn rất ít và hạn chế.
Đồng chí Phạm Quí Tiên cho rằng, để Chỉ thị thực hiện hiệu quả, phải gắn trách nhiệm cá nhân với việc thực hiện các nhiệm vụ theo chỉ đạo của Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy, của đồng chí Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP; Các kết luận thanh tra, kiểm toán, kiểm tra; Giải quyết đơn thư... Đặc biệt, phải có cơ chế kiểm đếm kết quả công việc này thường xuyên làm căn cứ đánh giá cán bộ, công chức.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại hội nghị |
Bí thư Huyện ủy Đông Anh Lê Trung Kiên cho rằng, ngoài chỉ thị chung, có thể bổ sung phần phụ lục về những biểu hiện cán bộ, công chức đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm. Ngoài nội dung về xử lý trách nhiệm, chỉ thị cũng nên có thêm phần thứ hai là phát hiện, biểu dương cách làm hay, nhân tố mới.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải đề xuất Ban Chấp hành Đảng bộ TP 9 nội dung để triển khai thực hiện Chỉ thị, trong đó ngoài việc hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, khắc phục chồng chéo, xây dựng quy trình, quy chế, phải tăng cường kiểm tra, giám sát, sớm "vỗ vai" nhắc nhở.
“Khi xử lý đánh giá cán bộ, phải đi đến cùng về động cơ và thái độ. Nếu cán bộ có động cơ, thái độ xấu thì xử lý đến cùng và ngược lại. Đây cũng chính là bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung, tạo niềm tin cho cán bộ, công chức”, Phó Chủ tịch UBND TP nêu rõ.
Các đại biểu cũng thống nhất cao đề nghị Ban Thường vụ Thành ủy sớm ban hành Chỉ thị, tạo động lực mới nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, qua đó phục vụ Nhân dân tốt hơn, thực hiện thành công các nhiệm vụ chính trị đặt ra.
Gắn Chỉ thị của Ban Thường vụ Thành ủy với chế tài cụ thể, nghiêm minh
Thay mặt Ban Cán sự Đảng UBND TP giải trình, tiếp thu các ý kiến đại biểu nêu, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải cho biết, đã có 87 lượt phát biểu với 174 ý kiến liên quan đến các nội dung nêu trên.
Các đại biểu đã nhất trí đánh giá cao công tác chỉ đạo, điều hành của TP, qua đó đã giúp kinh tế - xã hội của Thủ đô vững vàng vượt qua đại dịch COVID -19 và từng bước phục hồi; Tạo nền tảng vững chắc để thực hiện những mục tiêu đã đề ra từ đầu nhiệm kỳ.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải cũng giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu quan tâm liên quan đến việc khắc phục những khó khăn trong việc triển khai các chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội từ nay đến hết nhiệm kỳ; Khai thác hiệu quả tài nguyên Nhân dân và chất xám, kết nối các chuyên gia, nhà khoa học, có cơ chế đặt hàng các nhà khoa học trong nước và quốc tế; Xây dựng cơ chế đặc thù để thu hút đầu tư xã hội cho các lĩnh vực dân sinh bức xúc; Hoàn thiện cơ chế về đầu tư công; Tiếp tục hoàn thiện cơ chế về phân cấp, ủy quyền.
Tiếp đó, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo đã báo cáo tiếp thu, giải trình các ý kiến đại biểu về 3 nội dung gồm Báo cáo về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, Báo cáo sơ kết 2 năm thí điểm mô hình chính quyền đô thị và Dự thảo Chỉ thị của Ban Thường vụ Thành ủy về việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương và trách nhiệm trong xử lý công việc của các cấp ủy, địa phương, đơn vị thuộc TP Hà Nội.
Theo đó, có 135 ý kiến góp ý vào 3 nội dung trên. Các ý kiến đều đánh giá cao sự chuẩn bị công phu của Ban Thường vụ Thành ủy về các nội dung.
Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo giải trình, tiếp thu các ý kiến đại biểu nêu |
Đối với dự thảo báo cáo công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, có 74 ý kiến trao đổi. Trong đó, các ý kiến đề nghị cần làm rõ bối cảnh khó khăn hơn dự báo; Việc đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành và sự đóng góp của Nhân dân. Các ý kiến đặc biệt đánh giá cao việc đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, đổi mới phong cách quản lý, điều hành. Các đại biểu nêu các kiến nghị cụ thể về công tác luân chuyển cán bộ, việc khó khăn trong thực hiện chỉ tiêu 50% bí thư, chủ tịch UBND xã không phải người địa phương.
Về Báo cáo sơ kết 2 năm thí điểm mô hình chính quyền đô thị, có 17 ý kiến phát biểu thảo luận. Các đại biểu cơ bản đồng tình với dự thảo báo cáo; Đồng thời tập trung phân tích, làm rõ kết quả; Đề nghị bổ sung thêm biên chế của vị trí trí công chức văn phòng cấp ủy; Tổ chức thi tuyển công chức phường, xã, thị trấn; Tháo gỡ khó khăn về thủ tục luân chuyển cán bộ, công chức từ quận xuống phường, từ phường lên quận; Tăng biên chế công chức cho các phường đông dân cư...
“Ban Thường vụ Thành ủy tiếp thu đầy đủ để xem xét giải quyết cụ thể và báo cáo các cơ quan Trung ương để giải quyết những vấn đề này”, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy nêu rõ.
Bên cạnh đó, có 44 ý kiến phát biểu thảo luận về Dự thảo Chỉ thị của Ban Thường vụ Thành ủy về việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương và trách nhiệm trong xử lý công việc của các cấp ủy, địa phương, đơn vị thuộc TP Hà Nội. Các ý kiến thống nhất cao sự cần thiết và thời điểm ban hành Chỉ thị; Đồng thời nêu các góp ý cụ thể về hình thức, nội dung Chỉ thị.
Các ý kiến cho rằng, Chỉ thị không chỉ mang tính hiệu triệu mà còn phải gắn với chế tài cụ thể, nghiêm minh; Đặc biệt cần lượng hóa gắn với những biểu hiện cụ thể về đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm của cán bộ, công chức để xử lý.