Bộ Thông tin & Truyền thông tăng tốc thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4
Nỗ lực của Bộ TT&TT giúp người dân thực hiện các dịch vụ công trực tuyến một cách thuận lợi |
Dịch vụ công trực tuyến thể hiện tính ưu việt trong bối cảnh dịch bệnh
Tại Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 7/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2025, Chính phủ đã đặt ra chỉ tiêu: Đến năm 2020, cung cấp tối thiểu 30% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.
Đây là một trong các chỉ tiêu quan trọng nhất của Chính phủ điện tử, hướng tới mục tiêu cuối cùng là cung cấp dịch vụ ngày càng tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp. Mục tiêu này đặc biệt có ý nghĩa khi cả xã hội chuyển sang trạng thái bình thường mới, hoạt động nhiều hơn trên môi trường mạng; thực hiện mục tiêu kép, vừa đẩy lùi dịch bệnh Covid-19 vừa phát triển kinh tế - xã hội.
Bộ TT&TT đã liên tiếp ban hành hai văn bản: Công văn số 929/BTTTT-THH về việc đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 4 (ngày 19/3/2020) và Quyết định số 684/QĐ-BTTTT phê duyệt kế hoạch triển khai dịch vụ công trực tuyến độ 4 năm 2020 của Bộ (16/4/2020).
Điều đó cho thấy sự quyết tâm cao của ngành TT&TT, nhất là sự chỉ đạo tích cực của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng trong việc đổi mới, cải cách thủ tục hành chính, góp phần phát triển, hiện đại ngành Thông tin& Truyền thông xứng đáng là đơn vị đầu tàu về công nghệ số.
Mới đây, Bộ TT&TT tiếp tục có văn bản đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai các biện pháp quyết liệt để cung cấp DVC trực tuyến mức độ 4.
Bộ TT&TT cũng đề nghị thực hiện kết nối Cổng Dịch vụ công, Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh với các hệ thống thông tin sau: Hệ thống thu thập, đánh giá việc sử dụng thông tin và DVC trực tuyến của Bộ TT&TT để phục vụ đánh giá hiệu quả sử dụng DVC trực tuyến; Hệ thống hỗ trợ thanh toán DVC trực tuyến toàn quốc của Bộ TT&TT để hỗ trợ thanh toán DVC trực tuyến, giúp nâng cấp các DVC trực tuyến từ mức độ 3 lên mức độ 4.
Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố hoàn thành xây dựng Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp bộ, tỉnh trong tháng 10/2020 và kết nối với Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia để kết nối, chia sẻ dữ liệu trên quy mô toàn quốc, tạo điều kiện triển khai DVC trực tuyến mức độ cao.
Theo Bộ Thông tin & Truyền thông, cung cấp dịch vụ công trực tuyến là một trong những chỉ số đo lường quan trọng trong phát triển Chính phủ điện tử khi lấy người dân là trung tâm, là đối tượng phục vụ của các cơ quan nhà nước.
Theo đó, dịch vụ công trực tuyến phải được cung cấp đến mọi người dân, mọi lúc, mọi nơi, góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí, làm cho hoạt động của các cơ quan nhà nước được minh bạch, hiệu quả, góp phần phòng chống tham nhũng, cải cách hành chính toàn diện.
Đặc biệt, trước tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay, việc đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 càng trở nên quan trọng và cấp bách.
Cán bộ Sở TT&TT tỉnh Phú Thọ hướng dẫn người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 |
Việt Nam đứng thứ 86/193 quốc gia về mức độ phát triển Chính phủ điện tử
Tuy nhiên, đến tháng 8/2020, tỷ lệ DVC trực tuyến mức độ 4 được cung cấp bởi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vẫn còn rất thấp so mới mục tiêu đặt ra. Tại hội nghị trực tuyến của Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử ngày 28/8/2020, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục yêu cầu các bộ, tỉnh, thành phố đẩy nhanh cung cấp DVC trực tuyến mức độ 4, đạt tỷ lệ tối thiểu 30% trong năm 2020.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: “Ngày 10/7/2020, Liên hợp quốc công bố Báo cáo khảo sát xếp hạng mức độ phát triển Chính phủ điện tử của 193 quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn cầu, ghi nhận kết quả trong giai đoạn từ tháng 8/2017 đến tháng 7/2019. Việt Nam tăng 2 bậc, xếp hạng 86/193 quốc gia, 24/47 châu Á và 6/11 Đông Nam Á. Chỉ số tổng hợp của Việt Nam là 0,6667, cao hơn chỉ số trung bình thế giới và khu vực, thuộc nhóm quốc gia ở mức Cao
Trong các chỉ số thành phần, Việt Nam có cải thiện vượt bậc ở Chỉ số Hạ tầng viễn thông (tăng 31 bậc), cải thiện ở Chỉ số Nhân lực (tăng 3 bậc) và tụt hạng đáng kể ở Chỉ số Dịch vụ trực tuyến (giảm 22 bậc). Ngoài ra, Việt Nam được đánh giá cao ở những nỗ lực của Ngành Thuế khi thực hiện kê khai thuế điện tử, thanh toán điện tử và hải quan điện tử.
Các bộ, ngành đã nỗ lực xây dựng và trình Chính phủ ban hành 03 Nghị định quan trọng đó là: Nghị định số 30/2020/NĐ-CP ngày 5/3/2020 về công tác văn thư tạo điều kiện pháp lý trong việc trao đổi văn bản điện tử giữa các cơ quan nhà nước; Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 8/4/2020 về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử tạo điều kiện phát triển các dịch vụ công trực tuyến; Nghị định số 47/2020/NĐ-CP ngày 9/4/2020 về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước xác định rõ trách nhiệm kết nối, chia sẻ, mở dữ liệu của các cơ quan nhà nước”.
Về nền tảng chia sẻ tích hợp dữ liệu, tính từ ngày 1/1/2019 đến hết ngày 31/7/2020, đã có tổng cộng khoảng 4,4 triệu giao dịch chính thức thực hiện thông qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NGSP), trung bình 1 ngày có khoảng hơn 7,6 nghìn giao dịch.
Ước tính chi phí, thời gian tiết kiệm được cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện 1 thủ tục hành chính thông qua NGSP là 30.500 đồng. Hàng năm chỉ riêng dịch vụ liên thông khai sinh và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi thông qua NGSP có thể giúp tiết kiệm cho xã hội khoảng 48,8 tỷ đồng.
* “Đây là bài viết tuyên truyền, hướng dẫn dịch vụ công trực tuyến của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2020”. |