Bộ trưởng Bộ Công thương: Kéo dài thời gian giá FIT cho điện gió là không hợp lý
Chiều 9/11, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đã thông tin liên quan đến chính sách giá ưu đãi (FIT) đối với các dự án điện gió.
Theo đó, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên bày tỏ chia sẻ với những khó khăn của các chủ đầu tư và các địa phương có dự án điện gió chậm tiến độ. Tuy nhiên, theo ông Diên, giá FIT là cơ chế giá hỗ trợ của Nhà nước, chỉ được áp dụng trong thời gian nhất định để khuyến khích đầu tư vào những lĩnh vực cần đầu tư.
Do vậy, ông Diên cho rằng việc kéo dài thời gian hưởng chính sách giá FIT là không hợp lý. Nguyên nhân là vì không đúng với bản chất có thời hạn của chính sách hỗ trợ, gây bất bình đẳng với các dự án khác cùng cơ chế nhưng đã thực hiện đúng tiến độ.
Cùng với đó, hiện nay giá đầu vào của các vật tư, nguyên liệu, thiết bị trong lĩnh vực điện gió giảm hơn so với thời điểm ban hành chính sách hỗ trợ và tiếp tục xu hướng giảm mạnh. Nếu kéo dài thời gian hưởng chính sách này, có thể sẽ xảy ra hậu quả về pháp lý, gây thiệt hại về kinh tế cho nhà nước và các đối tượng sử dụng điện.
Ngoài ra, theo ông Diên, trong quá trình lấy ý kiến về nội dung trên Bộ Công thương không nhận được sự thống nhất của các bộ, ngành và các cơ quan có liên quan.
Bộ Công thương đang xây dựng cơ chế đấu thầu, đấu giá để lựa chọn nhà đầu tư và xác định giá cho điện gió |
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, hiện Bộ Công thương đang xây dựng dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về phát triển các dự án điện gió, điện mặt trời theo Luật Đầu tư với hình thức đối tác công tư, trong đó điểm cốt yếu là cơ chế đấu thầu, đấu giá để lựa chọn nhà đầu tư và xác định giá điện.
Theo đó, các nhà đầu tư sẽ đàm phán giá với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trong khung giá phát điện do Bộ Công thương ban hành. Các dự án dở dang sẽ được xem xét giải quyết trong điều khoản chuyển tiếp của dự thảo quyết định nêu trên.
Đồng thời, Bộ Công thương cũng đang khẩn trương xây dựng khung giá cho điện gió, điện mặt trời làm căn cứ cho nhà đầu tư đàm phán với EVN trong thời gian tới.
Theo Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam, sau ngày 31/10/2021 tới, cơ chế giá FIT (được hiểu là biểu giá điện ưu đãi) cho điện gió sẽ hết hạn.
Trong đó, dự án vận hành thương mại trước ngày 1/11/2021 sẽ hưởng giá bán điện ưu đãi 8,5 cent/kWh (1.927 đồng) với điện gió trên đất liền và 9,8 cent/kWh (2.223 đồng) với điện gió ngoài khơi trong thời gian 20 năm.
Theo báo cáo của EVN gửi Bộ Công thương về kết quả công nhận vận hành thương mại (COD) các dự án điện gió đến hết ngày 31/10/2021, có 146 dự án điện gió, công suất 8.171MW đã ký hợp đồng mua bán điện (PPA) với EVN.
Cụ thể, số dự án đã vận hành thương mại là 84 với tổng công suất hơn 3.980MW, trong đó có 15 dự án đã vận hành thương mại một phần với tổng công suất là hơn 325MW. Như vậy, đến khi kết thúc thời điểm ngày 31/10/2021, có đến 62 dự án với tổng công suất trên 3.479MW không kịp công nhận vận hành thương mại.
Trước đó, nhiều địa phương và nhà đầu tư điện gió đã có văn bản gửi Chính phủ, Bộ Công thương đề xuất gia hạn thời gian hưởng giá FIT thêm ít nhất 3 tháng.
Nguyên nhân được đưa ra là do dịch Covid-19 ảnh hưởng tới tiến độ cung cấp tuabin gió bị ảnh hưởng (nhà thầu cung cấp thiết bị ở nước ngoài chậm tiến độ tại nước sở tại, vận chuyển thiết bị siêu trường siêu trọng gặp khó do giãn cách xã hội), hoạt động xuất nhập cảnh của chuyên gia và công nhân, xuất nhập khẩu hàng hóa bị gián đoạn, giá cả vật tư tăng cao bất thường... nên rất nhiều dự án điện gió đều đứng trước ngưỡng cửa chậm tiến độ vận hành.
Trong một diễn biến liên quan, tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận ngày 6/11 vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, đối với chính sách giá điện gió, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí, đề nghị Chính phủ nghiên cứu gia hạn chính sách ưu đãi đối với các dự án điện gió bị chậm tiến độ do ảnh hưởng của dịch Covid-19.