Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng ý cho khai quật thành cổ Sơn Tây
Người dân thị xã Sơn Tây hào hứng chuẩn bị "Trung thu thành cổ" |
Ngày 11/9, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định 2647 về việc đồng ý khai quật thành cổ Sơn Tây (nằm tại thị xã Sơn Tây, TP. Hà Nội).
Theo đó, Bảo tàng Hà Nội phối hợp với Viện Khảo cổ học thăm dò, khai quật khảo cổ giai đoạn 1 tại di tích thành cổ Sơn Tây. Thời gian thăm dò, khai quật bắt đầu từ ngày 15/9 - 30/10 với tổng diện tích là 120m2, trong đó mỗi phần diện tích thăm dò và khai quật chiếm 60m2.
Cụ thể, giai đoạn 1 tập trung thăm dò tại ba khu vực: Bố chính phủ, Án sát phủ, cổng Đông. Mỗi khu vực có tổng diện tích thăm dò là 20m2 với bốn hố với diện tích 5 m2/hố. Công tác khai quật được thực hiện tại khu vực Tổng đốc phủ với diện tích 60m2 gồm 3 hố diện tích 20m2/hố. Ông Nguyễn Văn Mạnh - Viện Khảo cổ học - đảm nhận vai trò chủ trì thăm dò, khai quật.
Thị xã Sơn Tây tổ chức chào mừng kỷ niệm 200 năm thành cổ Sơn Tây vào năm 2022 |
Bộ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu những hiện vật thu thập được trong quá trình thăm dò, khai quật khảo cổ, Ban Quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm có trách nhiệm giữ gìn, bảo quản tránh để hiện vật bị hư hỏng, thất lạc và báo cáo Bộ trưởng phương án bảo vệ và phát huy giá trị những hiện vật đó.
Sau khi kết thúc đợt thăm dò, khai quật, Bảo tàng Hà Nội và Viện Khảo cổ học báo cáo sơ bộ và đề xuất phương án quản lý, bảo vệ khu vực đã thăm dò, khai quật khảo cổ trong thời gian chậm nhất một tháng và có báo cáo khoa học gửi về Bộ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong thời gian chậm nhất một năm.
Ông Nguyễn Đăng Thạo (Trưởng Ban quản lý di tích làng cổ Đường Lâm và thành cổ Sơn Tây) cho biết, sau khi nhận được quyết định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đơn vị đã tích cực phối hợp với các nhà khoa học để bắt tay vào khai quật. "Chúng tôi rất hi vọng kết quả cuộc khai quật này sẽ tìm được nhiều bằng chứng để làm giàu thêm giá trị lịch sử, văn hoá, kiến trúc và ý nghĩa quan trọng của thành cổ Sơn Tây" - ông Nguyễn Đăng Thạo nhấn mạnh.
Thành cổ Sơn Tây là công trình kiến trúc quân sự cổ được xây dựng bằng đá ong, diện tích khoảng 12ha. Thành được xây dựng năm 1822 - một trong 20 thành được xây dựng vào triều Nguyễn. Cấu trúc thành cổ Sơn Tây hình tứ giác, mỗi bên dài khoảng 40m, tường thành cao khoảng 5m, rộng 4m được xây chủ yếu bằng đá ong xếp chồng lên nhau. Xung quanh thành có hào nước bao bọc, tường thành được kết cấu theo lối kiến trúc Vauban, trên bề mặt thành có nhiều lỗ châu mai giúp quân lính quan sát và chiến đấu. Thành có 4 cổng quay ra các hướng Bắc, Nam, Tây, Đông có tên là: Cổng Hậu, cổng Tiền, cổng Hữu, cổng Tả. Hiện 4 cổng thành bằng đá ong vẫn còn giữ được vẻ nguyên sơ cổ kính, trên các cổng có vọng lâu và ụ súng. Cửa Bắc Thành cổ Sơn Tây hiện còn đặt hai khẩu súng thần công, dấu tích của cuộc chiến đấu chống giặc Pháp theo chiếu Cần vương của vua Hàm Nghi. |