Bông hồng cài áo nhắc nhớ mỗi người về giá trị chữ hiếu
Quang Dũng da diết cùng “Bông hồng cài áo”, sâu lắng trong “Ca dao mẹ” |
Bắt nguồn từ các tác phẩm viết về mẹ của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, sáng tác những năm 1960, bông hoa hồng làm biểu tượng cho lễ Vu Lan báo hiếu của nhà Phật được ra đời.
Hoa hồng biểu trưng cho sự tri ân, hiếu thảo và lòng biết ơn của con đối với cha mẹ, dù cho họ không còn trên cõi đời này. Đồng thời, hoa hồng còn thể hiện cho một tình yêu chân thành, son sắc, sự cao quý và ngát hương.
Mỗi khán giả đến với chương trình "Ơn nghĩa sinh thành" đều được trân trọng cài bông hoa hồng lên ngực áo |
Trong buổi lễ Vu Lan thiêng liêng, ai còn cha mẹ được cài lên ngực áo một đóa hoa hồng đỏ thắm, đó là một lời nhắc nhở rằng mình vẫn còn cả cha và mẹ, còn cả một bầu trời yêu thương cao rộng để cảm nhận niềm hạnh phúc. Từ đó, mỗi người sẽ luôn biết cố gắng để làm vui lòng cha mẹ.
Xúc động khi được cài lên ngực bông hoa hồng đỏ thắm, chị Bùi Thu Hằng (Hoàn Kiếm, Hà Nội) xúc động chia sẻ: “Còn được bên cha, mẹ trong mỗi mùa Vu lan là niềm hạnh phúc không gì sánh nổi với mỗi người con. Bông hồng cài trên ngực áo một lần nữa nhắc nhở chúng ta phải hiếu kính với cha mẹ”.
Anh Nguyễn Bá Hải không giấu được những giọt nước mắt khi đây là mùa Vu lan thứ ba anh không còn được cất tiếng gọi mẹ, gọi cha. Anh Hải tâm sự: “Mỗi lần tôi trở về ngôi nhà xưa thấy vắng vẻ, quạnh hiu thật buồn. Hình bóng cha mẹ như còn đây mà không thể chạm đến được, có nỗi đau nào bằng. Những ai còn cha mẹ hãy hiếu kính, đừng để họ buồn”.
Anh Hải cho biết thêm, nỗi ngậm ngùi dâng trào nơi đáy mắt của người đã không còn may mắn được sống trong tình yêu thương của mẹ cha đã được an ủi, xoa dịu bởi sự đồng cảm, sẻ chia của những bàn tay trân trọng gài hoa nơi ngực áo.
Cùng với bông hồng cài áo, không gian sảnh Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt - Xô tràn ngập hoa hồng, biểu tượng cho tiết báo hiếu, khiến mỗi người có cảm xúc da diết khi nhớ về người sinh thành, dưỡng dục chúng ta nên người.