Bước chuyển mình mạnh mẽ
Khu vực ngoại thành Hà Nội đã có những bước phát triển mạnh mẽ (Trong ảnh: Những người nhà khang trang vươn mình bên những mảnh vườn xanh mướt). Ảnh: Thái Nguyên
Xóa dần khoảng cách giữa nông thôn và thành thị
Về Thạch Thất (Hà Nội) vào những ngày đầu tuần, nhìn không khí lao động sôi nổi diễn ra tại các xưởng cơ khí và xưởng gỗ trên đường 419 kéo dài qua trung tâm huyện Thạch Thất, ít ai nghĩ nơi đây xưa là vùng đất “chó ăn đá gà ăn sỏi”. Đi sâu vào bên trong là những con đường liên thôn, liên xã đã được bê tông hóa, nhiều ngôi nhà khang trang được xây dựng mới thể hiện sự thay da đổi thịt, sức sống mới của vùng ngoại ô. Cùng những đổi thay kì diệu trên mọi mặt đời sống, người dân nơi đây cảm thấy như mình đang sống trong mơ. Nó đã mở ra một tương lai tươi sáng cho những vùng đất nghèo khó, xóa nhòa khoảng cách giữa nông thôn và thành thị.
“Thực hiện Nghị quyết 15 của Quốc hội về mở rộng địa giới hành chính, xã Tiến Xuân (tỉnh Hòa Bình) được sáp nhập vào huyện Thạch Thất (Hà Nội). Từ một xã nghèo đường đầy bùn đất, tỷ lệ hộ nghèo cao, sau khi được lãnh đạo TP Hà Nội quan tâm xây dựng cơ sở hạ tầng, chính quyền và bà con nhân dân trong xã đã nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế. Nhiều lao động được bố trí đi làm việc ở khu công nghiệp có thu nhập cao. Các hộ gia đình làm nông nghiệp đã biết cách khai thác và nuôi trồng các loại cây, con cho năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao. Cuối năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo của xã Tiến Xuân giảm còn 2,38%. Đây là tỷ lệ thấp nhất của huyện nhưng thu nhập hàng tháng của người dân 8 triệu đồng, thậm chí có lao động đạt trên 10 triệu đồng/tháng”, anh Nguyễn Văn Khánh, một người dân đang sinh sống tại xã Tiến Xuân cho biết.
Thực tế, không chỉ các xã của huyện Thạch Thất được “mặc áo mới’, việc sáp nhập cũng đã đem đến diện mạo mới cho các huyện Mê Linh, Sóc Sơn…
Chị Nguyễn Thị Hà – một người dân Mê Linh chia sẻ: “Ngay sau khi sáp nhập về Hà Nội, đời sống vật chất tinh thần của người dân Mê Linh được nâng lên rõ rệt, thu nhập bình quân đầu người tăng hơn 4 lần. Tuy nhiên, sự phát triển của huyện không chỉ thể hiện qua các con số tăng trưởng mà quan trọng hơn là người dân cảm thấy tự hào và phấn khởi hơn. Họ đã nỗ lực, cố gắng và làm được những điều đáng trân quý từ khi sáp nhập vào Thủ đô”.
Vượt lên những tổng kết khuôn mẫu của chặng đường 10 năm là dấu ấn đậm nét của Đảng bộ đoàn kết vững mạnh, chính quyền năng động, sáng tạo, nhân dân cần cù vươn lên từ xuất phát điểm thấp; là điểm sáng trong bức tranh phát triển kinh tế - xã hộ của Thủ đô.
Hợp ý Đảng lòng dân
Thực tế, ai quan tâm tới Thủ đô đều biết, sau khi sáp nhập địa giới hành chính, Hà Nội có quy mô về diện tích tăng gấp 3,63 lần, dân số gấp 1,8 lần. Thách thức đặt ra cho chính quyền thành phố lúc này vô cùng lớn. Ví dụ như: Sự chênh lệch về mức độ phát triển giữa các vùng miền; dân số nông thôn lớn, tỷ lệ hộ nghèo cao, khoảng cách chênh lệch giàu nghèo; hệ thống kết cấu cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ và còn thiếu; quy mô diện tích, dân số lớn, đơn vị hành chính nhiều; nhiệm vụ xây dựng, quản ly và phát triển một đô thị lớn với tốc độ đô thị hóa nhanh, áp lực tăng dân số cơ học, quá tải về hạ tầng kỹ thuật và xã hội.
Ông Vũ Duy Tuấn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Hà Nội cho biết: “Thời điểm năm 2008, khối lượng công việc phải thực hiện rất lớn như: Rà soát, hoàn thiện Quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết; thống nhất về cơ chế, chính sách, chế độ sau hợp nhất...”.
Để vượt qua khó khăn, thách thức ngay sau khi sáp nhập, lãnh đạo thành phố đã đầu tư xây dựng những công trình kết cấu hạ tầng hiện đại và khép kín; hoàn thành sắp xếp tổ chức bộ máy, tiếp nhận bàn giao và quản lý địa giới hành chính. Bên cạnh đó, lãnh đạo thành phố đã tập trung chỉ đạo triển khai xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội…Từ tiền đề đó, các huyện ngoại thành đã vươn mình mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực. Đến nay, sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính, không gian sản xuất kinh doanh được mở rộng, kinh tế Thủ đô tiếp tục tăng trưởng, đạt trung bình 7,41%/năm (cách tính cũ là 9,51%), nhiều chỉ tiêu tăng gấp từ 2-3 lần: GRDP/người tăng 2,3 lần; thu ngân sách trên địa bàn tăng 2,93 lần; thu nhập bình quân/người/năm của nông dân tăng 2,92 lần.
Cùng với việc tăng thu nhập thì tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn Hà Nội cũng giảm rõ rệt. Hết năm 2008, tỷ lệ hộ nghèo tại Hà Nội là 8,43%; đến hết năm 2017 tỷ lệ này giảm còn 1,69% - giảm 6,74 điểm%; Hà Nội không còn xã, thôn đặc biệt khó khăn.
Đánh giá về 10 năm Hà Nội thực hiện Nghị quyết về mở rộng địa giới hành chính, nhiều chuyên gia cho rằng, việc mở rộng địa giới hành chính tạo cho Thủ đô một không gian đủ lớn để thành phố phát triển mạnh mẽ, đầy đủ chức năng. Kinh tế Thủ đô tiếp tục tăng trưởng, đạt trung bình 7,4%/năm. Hà Nội duy trì là một trong hai đầu tàu kinh tế của cả nước.
“Sau 10 năm nhìn lại, chủ trương sáp nhập, mở rộng địa giới hành chính Hà Nội là hoàn toàn đúng đắn, hợp lòng dân. Dù lúc đầu còn có những hoài nghi song thực tiễn qua 10 năm cho thấy, công tác sắp xếp, kiện toàn bộ máy khi hợp nhất Hà Nội chính là thành công lớn nhất. Thành tựu đó còn là tiền đề để Hà Nội thực hiện Nghị quyết 39 sau này”, Bí thư Huyện ủy Thạch Thất Nguyễn Doãn Hoàn khẳng định:
Tuy chặng đường phía trước vẫn còn nhiều thách thức nhưng với những gì đã và đang làm được sẽ tạo cơ sở để xây dựng Hà Nội trở thành một đô thị hiện đại xứng tầm. “Hà Nội tiếp tục khẳng định vị trí đầu tàu, là động lực phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với kinh tế cả nước”.
Hà Nội xác định nhận diện đủ cơ hội, thách thức của cách mạng công nghiệp 4.0
Thời gian tới, với mục tiêu đạt tăng trưởng GRDP bình quân thời kì 3 năm (2018 – 2020) đạt trên 7,4%/năm, GRDP/người năm 2020 đạt trên 126 triệu đồng/người/năm, Hà Nội xác định phải nhận diện đầy đủ cơ hội và thách thức của cách mạng công nghiệp 4.0. Thành phố thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn; phát triển nông nghiệp bền vững theo hướng đẩy mạnh sản xuất hàng hóa sinh thái công nghệ cao…
Song song với các nhiệm vụ kể trên, Hà Nội cũng đặt mục tiêu hoàn thiện xây dựng các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, đồng bộ kết cấu hạ tầng, đẩy nhanh tiến độ cải tạo và nâng cấp hệ thống cung cấp điện, cấp thoát nước; tiếp tục tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới, hoàn thành chỉ tiêu trên 80% số xã đạt tiêu chí nông thôn mới vào năm 2020