Bước tiến mới trong phát huy “sức mạnh mềm”
Những chuyển biến quan trọng
Trong nhiều nhiệm kỳ Đại hội, Đảng bộ TP Hà Nội đều đề ra các chương trình mục tiêu về xây dựng văn hóa, xây dựng con người. Từ Chương trình 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về "Phát triển văn hóa xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh giai đoạn 2016 - 2020” đến Đại hội lần thứ XIII, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình 06-Ctr/TU về "Phát triển văn hóa xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh giai đoạn 2021 - 2026”.
Bên cạnh việc tiếp tục xác định một chương trình công tác lớn riêng về phát triển văn hóa, Thành ủy Hà Nội với tầm nhìn rộng mở và quyết tâm chính trị cao đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU “về phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô với định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Hằng năm, Thành ủy Hà Nội tổ chức Giải báo chí về “Phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”.
UBND TP ban hành “Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan trực thuộc TP và “Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn TP Hà Nội”, qua đó tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và Nhân dân Thủ đô trong việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Ban Tuyên giáo Thành ủy phối hợp Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức Hội nghị tọa đàm "Xây dựng hệ giá trị gia đình Thủ đô và chuẩn mực người Hà Nội thanh lịch, văn minh - Thực trạng và giải pháp" |
Thực hiện quan điểm và chỉ đạo của TP, nhiều cơ quan, đơn vị đã chủ động cụ thể hóa chủ trương, xây dựng mô hình văn hóa sáng tạo, phát huy một cách hiệu quả; đóng góp quan trọng vào phát triển hoạt động dịch vụ, thúc đẩy du lịch phát triển song song với việc nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Hà Nội đã có nhiều phong trào thi đua và mô hình tiêu biểu hướng tới nội dung: Bồi dưỡng tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc và phát huy truyền thống Thủ đô văn hiến, anh hùng; xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; nâng cao chất lượng các mô hình văn hóa; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, gắn với bài trừ các hủ tục mê tín, dị đoan; thực hiện tốt 2 quy tắc ứng xử trong các cơ quan, đơn vị của TP và nơi công cộng…
Hàng nghìn mô hình, phong trào tiêu biểu đã được nhân rộng và phát huy hiệu quả tích cực trong thực tiễn. Nổi bật như: Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Gia đình 5 không, 3 sạch”... được duy trì và phát triển tại nhiều địa phương. Phong trào xây dựng “Làng văn hóa”; “Tổ dân phố văn hóa” tiếp tục được nhân rộng, chất lượng và hiệu quả ngày càng đi vào chiều sâu. Phong trào xây dựng “Đơn vị văn hóa” được triển khai rộng khắp trong khối các cơ quan, doanh nghiệp, trường học, lực lượng vũ trang.
Các mô hình về tuyên truyền Nhân dân chấp hành trật tự văn minh đô thị và vệ sinh môi trường; các nhóm tự quản kiểm tra trật tự hè phố, chỉnh trang các tuyến phố, xây dựng nếp sống văn minh đô thị; những “Tuyến đường tự quản”, “Con đường nở hoa”, “tuyến đường không rác” được triển khai đồng bộ, góp phần tạo cảnh quan đô thị sáng - xanh- sạch - đẹp…
Triển khai thực hiện các nhiệm vụ, chỉ tiêu của Chương trình 06 và Nghị quyết 09 của Thành ủy, quận Hoàn Kiếm đã linh hoạt, sáng tạo trong công tác tổ chức tạo điểm tĩnh kết hợp với không gian công cộng với sự cởi mở, thiên về các hoạt động cộng đồng lồng ghép một cách hài hòa với các không gian đi bộ trên địa bàn như không gian đi bộ trong khu bảo tồn cấp I khu phố cổ Hà Nội; không gian đi bộ Hồ Hoàn Kiếm và phụ cận; không gian văn hóa đọc phố sách Hà Nội; không gian sáng tạo phố bích họa Phùng Hưng.
Thị xã Sơn Tây luôn quan tâm phát triển những giá trị văn hóa của địa phương |
Nhận thức rõ vai trò tiên phong, xung kích của thế hệ trẻ, đoàn viên, thanh niên trong xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, Đoàn Thanh niên quận Đống Đa chỉ đạo các cơ sở Đoàn, Hội tổ chức các nhiệm vụ theo từng chuyên đề; thực hiện nếp sống văn minh gắn với xây dựng, thực hiện quy ước tổ dân phố trên địa bàn.
Đoàn viên, thanh niên quận đã ra quân bóc xóa biển quảng cáo rao vặt trái phép, vệ sinh môi trường, trực an toàn giao thông, tổ chức các đoàn xe tuyên truyền về trật tự, văn minh đô thị, đặc biệt là mô hình trang trí các “tủ điện, bốt điện nở hoa” trên nhiều tuyến phố, góp phần lan tỏa quy tắc ứng xử nơi công cộng…
Quyết tâm chính trị mới
Tháng 2/2024, Thành ủy ban hành Chỉ thị số 30-CT/TU về “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”. Chỉ thị 30 khẳng định tư duy vừa mang tính kế thừa, vừa bổ sung, hoàn thiện, thể hiện quyết tâm chính trị mới của Thành ủy Hà Nội nhằm tạo ra kết quả mới trong một nhiệm vụ có tầm quan trọng đặc biệt.
Các chuyên gia nhìn nhận, Chỉ thị 30 thực sự là một bước tiến mới, có tính đột phá trong cuộc vận động xây dựng đời sống đô thị văn minh, con người Hà Nội thanh lịch. Bởi đây là lần đầu tiên có một sự chỉ đạo nhất quán, toàn diện ở cấp cao nhất của lãnh đạo TP, thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Hà Nội đối với việc xây dựng cho được đời sống văn minh đô thị.
Hệ thống 9 nhiệm vụ và giải pháp cho thấy rằng toàn bộ hệ thống chính trị, toàn thể Nhân dân, các cơ quan, doanh nghiệp, cộng đồng làng xã, phường, khối phố... phải cùng vào cuộc một cách quyết liệt, bài bản, kiên trì và có hiệu quả. Trong đó, đội ngũ trí thức, các nhà khoa học có vai trò nòng cốt, trung tâm, vừa là người thực hiện nhưng vừa dẫn dắt quá trình này. Bên cạnh đó, Đoàn Thanh niên, các Hội, Mặt trận Tổ quốc đều phải vào cuộc trong nhiệm vụ này.
Ban Thường vụ Thành ủy đặt vai trò gia đình lên hàng đầu trong xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Chỉ thị 30 nêu rõ: “Xây dựng, bồi đắp giá trị gia đình, lấy gia đình làm nền tảng để khôi phục, kế thừa, phát huy những giá trị đạo đức, văn hóa truyền thống của Thăng Long - Hà Nội, đồng thời tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới, góp phần hình thành nhân cách thế hệ trẻ Thủ đô thanh lịch, văn minh. Phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp trong gia đình: Lễ phép, lịch sự, hòa thuận, kính trên nhường dưới, nhân ái, khoan dung, trọng tình nghĩa, đạo lý…; xây dựng gia đình học tập, gia đình văn hóa, ấm no, văn minh, tiến bộ và hạnh phúc”.
Nhiều cuộc thi được các cơ quan TP Hà Nội phối hợp tổ chức nhằm đẩy mạnh tuyên truyền việc xây dựng nếp sống văn minh |
Sau gia đình, nhà trường cần xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh; đưa nhà trường thực sự trở thành cái nôi nuôi dưỡng, bồi đắp nhân cách, đạo đức, lối sống; nghiên cứu đưa môn “Hà Nội học” vào giảng dạy, hoàn thiện tiêu chí xây dựng “Trường học hạnh phúc”…
Đặc biệt, Chỉ thị cũng chỉ rõ nội dung “Xây dựng và gương mẫu thực hành văn hóa lãnh đạo, quản lý, văn hóa liêm chính để mỗi cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, đặc biệt là người đứng đầu trở thành tấm gương chuẩn mực trong ứng xử, phát ngôn, giao tiếp tại công sở, gia đình, nơi cư trú và nơi công cộng”; “Xây dựng môi trường văn hóa công sở đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, nhân văn”...
Với việc ban hành Chỉ thị 30 với cách thức triển khai đồng bộ, quyết liệt, tinh thần hành động tâm huyết, thực chất, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã và đang thể hiện rõ ý chí khát vọng hiện thực hóa Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” bằng cách thức triển khai đồng bộ, quyết liệt với một tinh thần hành động tâm huyết, thực chất.
Điều quan trọng đặt ra bây giờ là quyết tâm chính trị cần phải được biến thành hành động, tạo ra phong trào, lan tỏa, thấm sâu vào từng “tế bào” của Hà Nội, từng bước đi vào đời sống, đem lại kết quả cụ thể, rõ nét.