Cà Mau chuyển từ phòng vệ thụ động sang chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu
![]() |
Ông Tô Quốc Nam, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau |
Hạn hán, ngập úng, sạt lở nghiêm trọng
- Tỉnh Cà Mau có ba phía tiếp giáp với biển, thời gian gần đây, tỉnh liên tục chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, mùa khô thì hạn nặng, mùa mưa lại ngập úng và sạt lở bở biển nghiêm trọng, xin ông cho biết rõ hơn về tình trạng này?
- Về hạn hán và xâm nhập mặn, mùa khô năm 2015 - 2016 được đánh giá là “lịch sử” nhưng đến năm 2019 - 2020 còn khắc nghiệt hơn, gây thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp và giao thông hơn 1.000 tỷ đồng. Chỉ riêng huyện Trần Văn Thời trong mùa khô 2019 - 2020 có 45.000ha lúa bị ảnh hưởng vì thiếu nước ngọt và cũng vì khô hạn làm co ngót đất mà hệ thống giao thông đường bộ ở huyện này mất ổn định, bị sụt lún hơn 1.000 điểm.
Về ngập úng, trong năm 2020, hai đợt mưa lịch sử (tháng 9 và 10) đã nhấn chìm TP Cà Mau gần một tháng, khác với trước kia triều cường chỉ gây ngập úng vài giờ trong ngày. Bây giờ nước thoát không kịp nên ngập úng kéo dài cả ngày, thậm chí là nhiều ngày. Triều cường và mưa gây ngập úng đã nhấn chìm con đường từ Năm Căn về Mũi Cà Mau khiến xe cộ không lưu thông được, đây là đoạn cuối đường Hồ Chí Minh mới làm từng mở ra nhiều hy vọng thúc đẩy phát triển mảnh đất cực Nam.
Về sạt lở bờ biển, tỉnh Cà Mau có 254km bờ biển bao quanh ba mặt từ Đông sang Tây; Trong đó, hơn 100km bờ Đông mỗi năm bị sạt lở sâu vào 30 - 40m (có đoạn sâu vào 50 m), hơn 100km bờ Tây mỗi năm bị sạt sở sâu vào 20 - 30m; Chỉ còn vài chục ki lô mét vùng Mũi Cà Mau là còn phù sa bồi lấn ra biển, tuy nhiên mức độ bồi lấn đã rất thấp so với trước đây.
![]() |
Kè ly tâm tạo bãi đang phục hồi rừng |
- Thưa ông, triều cường và nước biển dâng ngày càng cao, vậy tại sao còn có tình trạng khô hạn dẫn đến co ngót đất làm sụt lún đường giao thông?
- Triều cường và nước biển dâng ở những khu vực nằm ngoài đê biển, đê bao bảo vệ sản xuất nông nghiệp. Còn vùng nông nghiệp phải giữ nước ngọt mà đặc điểm của Cà Mau là nước ngọt từ sông Hậu không chảy tới được, nên phải bao ví giữ nước mưa để sản xuất và sinh hoạt. Khi hạn lớn, nhiều con kênh trước đây không bao giờ cạn nước thì vừa rồi cũng khô kiệt, nứt nẻ khiến đất co ngót; Chênh lệch với mực nước biển dâng bên ngoài cao dẫn tới những con đường giữa hai khu vực mất ổn định, sụt lún.
- Vậy hệ sinh thái nổi tiếng của Cà Mau là rừng ngập mặn và canh tác tôm lúa đang bị tác động như thế nào, thưa ông?
- Rừng ngặp mặn ven biển vốn là lá chắn bảo vệ Cà Mau từ xưa, đang dần biến mất. Dải rừng ven biển ở Cà Mau vốn dày từ 500 - 3.000m, nay chỉ còn 100 - 1.000m. Còn sản xuất nông nghiệp, khô hạn làm cho canh tác tôm lúa rất khó khăn. Vùng đất Cà Mau không có nước ngọt từ sông Hậu, chỉ bao ví giữ nước mưa để sản xuất, khi hạn lớn thì nước bay hơi, còn muối mặn sắt lại, ao nuôi tôm trong nội đồng có khi độ mặn lên tới 35 - 40%o, thậm chí 50%o, mặn chát hơn nước biển, tôm bị dịch bệnh chết hết. Tôm nước lợ chỉ sống tốt với nước có độ mặn 15 - 25%o.
Sáng tạo và kiến nghị để thích ứng
- Trước thiên nhiên trở nên khắc nghiệt, những năm qua, Cà Mau đã làm gì để chủ động thích ứng?
- Cà Mau đã sáng tạo được kè ly tâm tạo bãi để bảo vệ và phát triển đai rừng phòng hộ rất tốt, cho đến nay, đây là phương pháp chống xói lở bờ biển hiệu quả nhất. Trước kia, các kiểu đê biển xây gần bờ đều bị sóng biển đánh sụp đổ. Còn kè ly tâm dựng cách bờ 100 - 200m, gồm những cọc bê tông đóng liền nhau, đóng 2 hàng song song cách nhau 1,5 - 2m và bỏ đá to vào giữa để giảm sóng, giữ phù sa tạo bãi bồi.
Nguyên lý như sau, sóng biển vào đến đây sẽ bị phân tán luồn qua kẽ hở các hộc đá và kết quả là lực tàn phá bị triệt tiêu, bờ bên trong được bảo vệ không bị xói lở, nước biển khi trở ra cũng luồn qua hộc đá thì phù sa được giữ lại, vài năm tạo nên bãi bồi. Nếu sát bờ còn rừng tự nhiên thì rừng sẽ lan ra bãi bồi, nếu không còn rừng tự nhiên thì trồng rừng cũng tạo được khu rừng mới. Cà Mau làm thí điểm kè ly tâm tạo bãi vào năm 2010 với 300 m, đến nay bằng nhiều nguồn vốn đã làm được 40km, khôi phục gần 300ha rừng; Phương pháp này đang được các tỉnh ở ĐBSCL học tập.
Trong sản xuất nông nghiệp cũng có nhiều sáng tạo thích ứng với thiên nhiên, điển hình là thí điểm trữ nước tại chỗ cho 600ha ở huyện Trần Văn Thời. Khu vực này, ngân sách đầu tư đê bao vòng ngoài, bên trong nông dân làm ao trữ nước với diện tích theo quy định cho phép là 20% tổng diện tích, tức là cứ 1ha thì hạ thấp 2.000m2 để làm ao. Đây cũng là ao nuôi cá, tăng thêm thu nhập.
![]() |
Một cánh rừng ven biển đã bị sóng đánh tan |
- Cà Mau có hơn 200km bờ biển phía Đông và phía Tây bị xói lở nghiêm trọng, với phương pháp làm kè ly tâm tạo bãi bảo vệ bờ biển rất tốt vậy tại sao chục năm qua chỉ làm được 40km, thưa ông?
Nguyên nhân khiến việc thi công kè li tâm còn khiêm tốn là do thiếu vốn. Mỗi cây số kè ly tâm tạo bãi cần 25 - 30 tỷ đồng ở bờ biển Tây và 45 - 50 tỷ đồng ở bờ biển Đông (phía Đông tốn tiền hơn bởi chênh lệch thủy triều lớn và sóng to hơn).
So với các loại đê biển khác thì làm kè ly tâm tạo bãi là rẻ và có hiệu quả cao, tuy nhiên vượt quá xa khả năng của tỉnh. Vì vậy, Cà Mau đang kiến nghị Trung ương hỗ trợ vốn làm kè ly tâm tạo bãi, trước mắt tập trung bảo vệ những khu vực xung yếu tổng cộng dài khoảng 70km. Đầu năm 2021 này đã có các nguồn vốn hỗ trợ để làm khoảng 10km.
Cà Mau cũng đã chủ động kiến nghị Trung ương xem xét cho thực hiện thí điểm cơ chế “Giao đất đầu tư các dự án sau khi doanh nghiệp đầu tư xây dựng kè tạo bãi trồng rừng ven biển” nhằm thu hút các nhà đầu tư có năng lực. Đây là cơ chế xã hội hóa bảo vệ bờ biển, trồng rừng kết hợp tạo quỹ đất đầu tư các dự án đem lại lợi ích nhiều mặt cho xã hội trong điều kiện hiện nay.
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Hơn 1.000 tình nguyện viên giải cứu san hô

Điện Thái Hòa di tích đầu tiên đạt tiêu chuẩn công trình xanh LOTUS

Lan tỏa sức mạnh cộng đồng nhân Ngày Trái Đất 2025

Công ty Việt - Pháp sản xuất thức ăn gia súc bị phạt gần 1 tỷ đồng

Doanh nghiệp ồ ạt tuồn chất thải vào vùng giáp ranh Quảng Nam

Bà Rịa - Vũng Tàu quyết liệt trong phòng, chống vi phạm IUU

Điện máy Xanh kết hợp cùng địa phương mang đến giải pháp nước sạch

Hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm về tăng trưởng xanh, bền vững

Nhiệt độ tại Bắc Bộ cao nhất 33 độ C
