Chủ động phòng chống thiên tai bằng khoa học công nghệ
Mô hình kè đê trụ rỗng tại Cà Mau bước đầu đã cho thấy nhiều tiện ích, vừa ngăn sạt lở vừa tránh được sự tác động va đập của sóng biển
Bài liên quan
Bài 1: Hậu quả từ việc phát triển kinh tế thiếu bền vững
Nhiều ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại
Trong bối cảnh thiên tai trên thế giới và tại Việt Nam diễn biến bất thường và khó dự báo, cùng với yêu cầu cần đảm bảo tính khẩn trương nhanh chóng, chính xác ở mức cao nhất trong công tác điều hành phòng, chống thiên tai, cơ quan tham mưu cho Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai - Tổng cục phòng, chống thiên tai đã chủ động, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan dự báo thời tiết, cơ sở Viện nghiên cứu, trường đại học. Đặc biệt, Tổng cục phòng, chống thiên tai cũng có nhiều phương án phối hợp với đơn vị tư vấn, các doanh nghiệp khoa học công nghệ và tổ chức quốc tế để có thông tin toàn diện và đầy đủ phục vụ cho công tác điều hành ứng phó khẩn cấp và khắc phục hậu quả thiên tai.
Nói về công tác ứng dụng khoa học công nghệ trong phòng chống thiên tai ở Việt Nam trong thời gian qua, đại diện lãnh đạo Tổng cục phòng, chống thiên tai cho biết: Với hệ thống giám sát đa thiên tai được thiết lập ở cấp Trung ương, với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, kết nối cơ sở dữ liệu phân tán trước đây và các bộ công cụ điều hành trực tuyến theo thời gian thực, việc cập nhật, tiếp nhận thông tin và diễn biến thiên tai được đa chiều, toàn diện. Không những vậy còn đảm bảo kịp thời cho công tác nhận định tình hình, đánh giá khả năng và mức độ ảnh hưởng mà đưa ra các định hướng, quyết định, công điện chỉ đạo sát với thực tế. Các hoạt động ứng phó và khắc phục hậu quả cũng đã phù hợp hơn với loại hình thiên tai và đặc điểm từng vùng miền, đối tượng bị ảnh hưởng.
Một buổi tập huấn sử dụng Facebook trong công tác phòng chống thiên tai do Tổng cục Phòng chống thiên tai tổ chức |
Ngoài ra, với sự hỗ trợ của giải pháp, vật liệu mới trong phòng chống thiên tai, bước đầu đã góp phần tăng tính chống chịu trước thiên tai bất thường cho các công trình phòng chống thiên tai. Cũng như việc tận dụng tối đa công nghệ thông tin trong tăng cường nhận thức cộng đồng thông qua đào tạo trực tuyến E-learning, thông tin thiên tai qua mạng xã hội như fanpage “Thông tin phòng chống thiên tai”, sử dụng viber để hàng ngày thông báo tình hình thiên tai trong nước và quốc tế cho toàn bộ cán bộ từ trung ương đến địa phương. Do đó, cộng đồng và cán bộ cấp cơ sở ngành phòng chống thiên tai nắm bắt thông tin kịp thời, chủ động hơn trong phòng ngừa, giảm thiểu rủi ro do thiên tai.
Đề cập đến việc ứng dụng công nghệ trong công tác thông tin truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng, ông Đặng Quang Minh, Quyền Vụ trưởng Vụ Quản lý thiên tai, Tổng cục Phòng chống, thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nêu rõ: “Việc ứng dụng tập trung vào sử dụng mạng xã hội Facebook, ứng dụng trên điện thoại thông minh (APP), sử dụng hệ thống đào tạo trực tuyến (E-LEARNING), truyền thông bằng hình ảnh trực quan. Việc sử dụng khoa học - công nghệ trong công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng được Tổng cục Phòng, chống thiên tai đầu tư và quan tâm. Hiện nay, Tổng cục Phòng, chống thiên tai đang rà soát và xây dựng lại các tài liệu hướng dẫn theo hướng trực quan dưới dạng các Video clip sử dụng đồ họa 3D”.
Tiếp tục triển khai có hiệu quả các giải pháp
Việc ứng dụng khoa học công nghệ trong phòng, chống thiên tai, cảnh báo, dự báo, giám sát thiên tai trong thời gian qua được thực hiện khá hiệu quả. Tuy nhiên giải pháp công nghệ cần tập trung vào việc xây dựng cơ sở dữ liệu thiên tai, đê điều, sạt lở, bản đồ ngập lụt, ảnh vệ tinh, công cụ quản lý và vận hành hồ chứa thời gian thực. Các giải pháp về công nghệ trong công trình phòng, chống thiên tai cần chú ý như: Sử dụng các bao lớn để tăng cao trình đỉnh đê, túi đựng đá, kè bằng thảm vữa xi măng túi khuôn, vải địa kỹ thuật cho công trình xói lở bờ biển, làm đập ngăn mặn trữ nước ngọt...
Thời gian qua, nhiều địa phương đã có cách làm hay, hiệu quả trong công tác phòng chống thiên tai, đơn cử như tỉnh Cà Mau với mô hình kè đê trụ rỗng. Việc sử dụng kè đê trụ rỗng bước đầu đã cho thấy nhiều tiện ích, vừa ngăn sạt lở, vừa tạo bãi gây bồi để bảo vệ rừng rất hiệu quả. Đặc biệt, giá thành tương đối rẻ hơn các loại kè trước đó nhưng tính hiệu quả và bền vững thì cao hơn. Đồng thời, loại hình kè đê trụ rỗng được thiết kế, lắp đặt theo một quy trình chặt chẽ và tránh được sự tác động va đập của sóng biển. Đặc biệt, đê kè này có thể di dời được sang vị trí khác khi cần thiết.
Mô hình đê trụ rỗng này có thể di dời được sang vị trí khác khi cần thiết, đặc biệt giá thành tương đối rẻ hơn các loại kè khác |
Việc ứng dụng khoa học công nghệ trong phòng chống thiên tai được đánh giá là cách làm có hiệu quả. Tuy nhiên ngoài sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học cần đẩy mạnh xã hội hóa với sự tham gia của các doanh nghiệp. Liên quan đến vấn đề này, tại hội thảo "Ứng dụng khoa học công nghệ trong phòng chống thiên tai" do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa được tổ chức tại Hà Nội, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: "Ứng dụng khoa học công nghệ phải chú trọng vào công tác dự báo, cảnh báo, ứng phó, khắc phục và tái thiết sau thiên tai. Không chỉ có sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học mà cần đẩy mạnh xã hội hóa với sự tham gia của các doanh nghiệp với những sáng chế, ứng dụng kỹ thuật trong phòng chống thiên tai. Để thích ứng phải có các nhóm giải pháp gắn với ứng dụng khoa học công nghệ và tận dụng thành tựu của loài người về khoa học công nghệ”.
Để làm tốt công tác phòng chống thiên tai, các cấp, ngành từ Trung ương tới địa phương cần đa dạng hóa các hình thức, hoạt động nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ và người dân. Theo đó, cần đẩy mạnh và đa dạng hóa hoạt động thông tin, tuyên truyền, đào tạo, tập huấn, diễn tập, hội thảo, hội nghị, tọa đàm chia sẻ các bài học kinh nghiệm phòng chống thiên tai. Cùng với đó, triển khai tiếp thu, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ thông tin, các công cụ hỗ trợ cho người dân, xác định và đánh giá loại hình thiên tai, rủi ro thiên tai. Nghiên cứu thí điểm và tổ chức thực hiện xây dựng hệ thống thông tin cảnh báo sớm thiên tai tại cộng đồng, xây dựng và tăng sự tiếp cận sử dụng các bản đồ rủi ro thiên tai, bản đồ quy hoạch, sử dụng đất; thực hiện các hoạt động nâng cao nhận thức trong hệ thống trường học, các cơ sở đào tạo.
* Đây là bài viết tuyên truyền bảo vệ môi trường của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2019