Cà Mau phát triển du lịch xanh và bền vững
Cà Mau phát huy thế mạnh nuôi trồng thủy sản Thiên nhiên tái sinh kì diệu nơi cánh rừng Net Zero Đất Mũi |
Cà Mau có hệ sinh thái đặc trưng của vùng đất ngập mặn với Vườn quốc gia Mũi Cà Mau, khu Ramsar Mũi Cà Mau, Vườn quốc gia U Minh Hạ và nhiều khu bảo tồn thiên nhiên khác.
Đây là những vùng đất giàu có về tài nguyên động, thực vật, đặc biệt là hệ thống rừng ngập mặn lớn nhất cả nước. Các khu rừng này đóng vai trò như lá phổi xanh, giúp điều hòa khí hậu, bảo vệ bờ biển và duy trì sự phong phú của đa dạng sinh học.
Nhằm khai thác lợi thế tự nhiên và văn hóa, Cà Mau đã và đang tập trung vào các chiến lược cụ thể để thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước vào lĩnh vực du lịch.
Trọng tâm của các chính sách này bao gồm việc cải thiện hạ tầng du lịch, phát triển các khu nghỉ dưỡng cao cấp, xây dựng các khu du lịch sinh thái và văn hóa, cũng như quảng bá, tiếp thị thương hiệu du lịch của tỉnh.
Vườn quốc gia U Minh Hạ |
Du lịch sinh thái là thế mạnh hàng đầu của tỉnh, với các điểm đến như Vườn quốc gia Mũi Cà Mau, Rừng U Minh Hạ và Đầm Thị Tường. Các tour du lịch sinh thái tại đây không chỉ mang lại những trải nghiệm khám phá thiên nhiên mà còn góp phần nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho du khách.
Theo báo cáo, trong năm 2023, lượng khách du lịch đến các khu sinh thái đã tăng trưởng ấn tượng, đạt hơn 500.000 lượt khách, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu từ du lịch sinh thái ước tính đạt hơn 600 tỷ đồng, chiếm gần 40% tổng doanh thu từ ngành du lịch toàn tỉnh.
Mô hình du lịch sinh thái kết hợp du lịch cộng đồng đang trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc của Cà Mau. Hiện, Cà Mau đã xây dựng hơn 10 mô hình du lịch cộng đồng tại các huyện như Ngọc Hiển, Năm Căn và Trần Văn Thời. Những mô hình này tạo thêm nguồn thu nhập cho người dân còn góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống.
Du lịch văn hóa tại Cà Mau tập trung khai thác các giá trị văn hóa phi vật thể và các di sản kiến trúc, lịch sử của vùng. Ngoài ra, các lễ hội truyền thống của người dân địa phương như: Lễ hội Nghinh Ông, lễ hội Cúng biển cũng thu hút nhiều du khách.
Lễ hội Nghinh Ông được tổ chức trong 3 ngày (14 - 15 - 16 ) tháng 2 Âm lịch hàng năm tại cửa sông Ông Đốc, huyện Trần Văn Thời |
Trong những năm gần đây, Cà Mau đã đạt được nhiều tiến bộ trong phát triển kinh tế du lịch. Nhờ các chính sách hỗ trợ du lịch sinh thái và cộng đồng, tỉnh đã thu hút đầu tư, cải thiện hạ tầng và nâng cao chất lượng dịch vụ, trong đó nổi bật là các dự án mở rộng đường bộ và nâng cấp bến tàu, góp phần tăng cường kết nối các điểm du lịch sinh thái.
Địa phương cũng tuyên truyền về du lịch xanh, bền vững, thông qua các chương trình giáo dục môi trường và khuyến khích cộng đồng tham gia bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Điều này đã tạo ra sự đồng thuận thuận lợi trong việc phát triển du lịch bền vững.
Hướng tới mục tiêu du lịch trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, Cà Mau tập trung vào các chính sách phát triển du lịch xanh, thân thiện môi trường. Đồng thời, tỉnh bảo tồn và phát triển các khu vực sinh thái như: Vườn quốc gia, khu Ramsar, và các khu bảo tồn thiên nhiên khác.