Các cô gái start-up “chuyển đổi số” vượt dịch Covid-19
Sát cánh cùng khách hàng vượt dịch Covid-19 |
VietinBank kịp thời trợ lực cho doanh nghiệp, người dân vượt dịch Covid-19 |
“Chuyển đổi số” trong hội họa
Năm 2017, nữ họa sĩ, giảng viên trẻ Phạm Quỳnh Anh sáng lập ra Vườn nghệ thuật Dâu Tây (Strawberry Art Garden). Cô gái trẻ tài năng, xinh đẹp, từng là thủ khoa đầu ra của trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp, bước chân vào kinh doanh với đầy nhiệt huyết.
Trung tâm vẽ Vườn nghệ thuật Dâu Tây được khởi đầu tương đối thuận lợi, thu hút số lượng học viên đáng kể. Tuy nhiên đến năm 2020, dịch Covid-19 ập đến, mọi thứ trở nên khó khăn với Quỳnh Anh. Giãn cách xã hội, học sinh không được đi học, trung tâm dạy vẽ của cô giáo trẻ cũng phải đóng cửa. Cùng lúc đó, chi phí vẫn phát sinh, dẫn đến áp lực khiến Quỳnh Anh phải chuyển đổi, thích ứng để tồn tại, phát triển.
Phạm Quỳnh Anh |
Theo Phạm Quỳnh Anh, trong giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp, chuyển đổi số được coi là một trong những giải pháp trọng điểm của rất nhiều doanh nghiệp. Nhờ chuyển đổi số, họ không những tồn tại mà còn phát triển nhanh.
Cô gái trẻ cho biết: “Trước đây, khi mở trung tâm dạy vẽ, mình chỉ có ý định đào tạo tại lớp, chứ chưa bao giờ nghĩ sẽ ứng dụng chuyển đổi số vào lĩnh vực này nhưng trước tình hình dịch bệnh, mình quyết tâm đem một làn gió mới tới đứa con tinh thần - Strawberry Art Garden. Nhớ lại những ngày đầu tiên quả thật là khó khăn bởi không thạo về công nghệ thông tin nên việc tự mày mò lập website rồi quay bài giảng online vô cùng gian nan”.
Quyết tâm chuyển đổi, Quỳnh Anh cùng đội ngũ giáo viên của trung tâm tập trung vào việc xây dựng lại hệ thống bài giảng, mã hoá và xây dựng thành bài giảng online. Với hàng trăm video, mỗi video bài giảng kéo dài khoảng 35 - 40 phút với hướng dẫn tỉ mỉ, nội dung súc tích, cô đọng, dễ hiểu. Đặc biệt, đi kèm với hướng dẫn và giảng dạy là thực hành song song, tạo điều kiện cho truyền tải thông tin một cách dễ hiểu, dễ tiếp cận nhất cho học viên, trong đó có rất nhiều bạn nhỏ.
Cùng lúc, đội ngũ công nghệ của trung tâm cũng tích cực tìm hiểu, xây dựng nền tảng, website học trực tuyến cho lớp vẽ. Mô hình đã được đông đảo các học viên trên cả nước đón nhận.
Quỳnh Anh chia sẻ: “Trước đây ít người nghĩ sẽ học vẽ qua video, muốn được thực hành tại trung tâm. Khi dịch bệnh và làm quen với các khoá học trực tuyến với bài giảng được chăm chút, lợi thế về thời gian học tập linh hoạt, sở hữu trọn đời và được học đi học lại không giới hạn, học phí thấp, là những ưu điểm mà mô hình này mang lại đã thuyết phục được rất nhiều người lựa chọn”.
Quỳnh Anh và các cô tại Trung tâm Strawberry Art Garden |
Chuyển đổi mô hình giảng dạy, áp dụng công nghệ thông tin vào đào tạo không chỉ mang tới cho Phạm Quỳnh Anh những thành quả mà còn nhiều bạn trẻ khởi nghiệp khác khá thành công, có thêm thu nhập giữa đại dịch khó khăn. Chuyển đổi số, sử dụng nền tảng trực tuyến vừa là thách thức, cũng là cơ hội cho các bạn năng động, sáng tạo, biết nắm bắt thời cơ.
“Đón đầu” bằng tài năng tiếng Anh
Trước đây, Đỗ Thị Chung là sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội. Cô gái trẻ đam mê và giỏi tiếng Anh. Sau khi tốt nghiệp đại học, Chung đi du học tại Singapore. Trở về nước, cô làm trong ngành dịch vụ. Dịch bệnh Covid-19 khiến nhiều ngành nghề lao đao, ngành dịch vụ càng không tránh khỏi cơn bão dịch càn quét.
Khi nhận thấy dịch bệnh ngày càng phức tạp, Chung nghĩ ngay đến phương án, phải tìm một cái gì đó để làm thay đổi và kiếm tiền phòng khi công việc bị dừng lại. Cô chia sẻ: “Khi dịch bệnh Covid-19 phức tạp, các em nhỏ không thể đi ra ngoài chơi, cũng như không thể đi học ở trung tâm được. Tình cờ biết tới Easy Class thông qua Facebook, họ đăng tuyển đại lý phân phối ứng dụng học tiếng Anh đến học sinh. Với vốn ngoại ngữ và kinh nghiệm gia sư từ hồi đại học nên mình đã tự tin chọn làm đại lý phân phối độc lập của Easy Class”.
Thế rồi, từ tháng 5/2021, Đỗ Thị Chung cực kỳ bận rộn với các buổi lên lớp dạy tiếng Anh online cho các bạn từ mẫu giáo lớn đến lớp 12, người đi làm cần giao tiếp Anh ngữ tốt. Đây là một hình thức khởi nghiệp tự chủ qua nền tảng Easy Class mà cô gái trẻ đã sáng suốt lựa chọn trong bối cảnh dịch bệnh.
Đỗ Thị Chung |
Chung kể: “Thời gian đầu, mình gia sư cho các em học theo nội dung trên ứng dụng - số hoá từ nội dung sách giáo khoa của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Khi các em được phụ huynh mua gói từ mình thì mình sẽ hỗ trợ, dạy kèm các em học từ 1-2 tuần để hình thành sự ham học và tự học. Các em hứng thú học vì được luyện đọc chuẩn theo giáo viên bản ngữ thông qua trí tuệ nhân tạo AI, được xếp hạng và tích điểm để đổi quà. Mô hình học dưới dạng game hoá nên học sinh rất thích”.
Cứ như vậy, các em nhỏ và phụ huynh học sinh khắp mọi miền giới thiệu cho bạn bè, những người có nhu cầu học tiếng Anh chọn học cùng cô giáo trẻ. Vậy là Chung càng có thêm khách hàng, chỉ cần ở nhà làm việc, cô cũng có thêm thu nhập vượt qua mùa dịch và xây dựng được những lớp học tiếng Anh trên nền tảng trực tuyến, thu hút đông đảo học viên.
Khi Hà Nội giãn cách xã hội, nhiều phụ huynh kích hoạt ngay gói học tiếng Anh mà Chung phân phối cho bé học tại nhà. Sau 2 tuần học liên tục, nhiều học viên đã cải thiện vốn tiếng Anh. Các bạn nhỏ được học từ ứng dụng số hoá nội dung sách giáo khoa các cấp, với 32 dạng bài tập khác nhau, chia theo 5 phần, luyện tập đầy đủ các kỹ năng nghe - nói - đọc - viết.
Với Easy Class các học viên được luyện nói tương tác hai chiều cùng giáo viên bản ngữ thông qua công nghệ trí tuệ nhân tạo và cô Chung hỗ trợ online 24/7 giúp các em chinh phục tiếng Anh thông qua ứng dụng.
Lớp học của cô gái trẻ giúp cho nhiều bạn học sinh ở vùng nông thôn, miền núi, tự ti nhút nhát, phát âm sai, giờ đây đã tự tin trước ống kính để nói và hát tiếng Anh thuần thục. “Chính điều đó tiếp thêm sức mạnh để mình tiếp tục miệt mài tìm kiếm các phương pháp, giải pháp gỡ khó môn tiếng Anh vì ở ngoài kia vẫn còn nhiều người đang rất cần. Hơn nữa, đây cũng là việc làm rất hữu ích đối với mình không chỉ trong bối cảnh dịch bệnh mà còn được thỏa sức với đam mê tiếng Anh từ bấy lâu nay”, Đỗ Thị Chung bày tỏ.