Các phong trào văn hoá phải có "đời sống" thực sự
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" đòi hỏi cách tổ chức thực hiện, phân công nhiệm vụ hết sức cụ thể - Ảnh: VGP/MK |
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ quan trọng trong chăm lo đời sống văn hoá, tinh thần cho người dân, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá đặc sắc. Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" được tổ chức sâu rộng, ở nhiều địa phương với hình thức đa dạng, phong phú.
Trong năm 2023, lĩnh vực văn hoá không chỉ nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, mà nhiều hoạt động, sự kiện văn hoá lớn đã được tổ chức.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được của phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", Phó Thủ tướng đề nghị thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương tập trung phân tích, đánh giá việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về lĩnh vực văn hoá, gắn kết với các chương trình, nhiệm vụ kinh tế-xã hội. Đồng thời, các thành viên đề xuất các định hướng, nhiệm vụ trọng tâm, mang tính nền tảng, có tầm nhìn dài hạn, cách làm bài bản để nâng cao chất lượng đời sống văn hoá, tinh thần trong bối cảnh, tình hình mới có nhiều thay đổi; chủ động tham mưu, cập nhật các quan điểm, tư duy mới về lĩnh vực văn hoá trong quá trình tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc 40 năm đổi mới.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh tầm quan trọng của cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho người dân, đối tượng của từng phong trào văn hoá có thể chủ động tham gia - Ảnh: VGP/MK |
Phong trào nòng cốt
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) Nguyễn Văn Hùng cho biết, cùng với các phong trào thi đua yêu nước, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" tiếp tục được xác định là phong trào nòng cốt trong phát triển đất nước với những hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ mới, nhằm mục tiêu xây dựng và phát triển đất nước toàn diện, đời sống nhân dân ấm no, hạnh phúc.
Trong năm 2023, công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương quan tâm chỉ đạo thực hiện toàn diện, cụ thể, tạo chuyển biến tích cực và trở thành hoạt động xã hội rộng lớn, thiết thực góp phần xây dựng và phát triển đời sống văn hóa, kinh tế-xã hội.
Phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng thôn, ấp, bản văn hóa được thực hiện với nhiều cách làm sáng tạo, phong phú, có trọng tâm, trọng điểm.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cùng các tổ chức thành viên đã tăng cường đổi mới công tác vận động, tuyên truyền nhân dân triển khai thực hiện các phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng năm thôn mới, đô thị văn minh", "Toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc", "Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau"...
Nhiều phong trào thi đua đã trở thành điểm sáng, nhiều nội dung đã đi vào cuộc sống hàng ngày, được các cấp, các ngành, xã hội và người dân hưởng ứng, tham gia thực hiện tích cực, trách nhiệm.
Hoạt động văn hóa, văn nghệ và thể dục, thể thao quần chúng được duy trì phát triển, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt phong phú, lành mạnh của người dân. Hệ thống thiết chế văn hóa trong cả nước được các địa phương quan tâm đầu tư xây dựng và sửa chữa, nâng cấp. Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Nhiều mô hình tự quản trong đấu tranh phòng, chống tội phạm được tổ chức thực hiện hiệu quả, như: "Xây dựng khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, trường học an toàn về an ninh, trật tự, không có tội phạm, tệ nạn xã hội", "Khu công nghiệp, cụm công nghiệp an toàn về an ninh trật tự", "Tổ xe ôm phòng, chống tội phạm", "Khu nhà trọ không có tội phạm, tệ nạn xã hội"...
Công tác xóa đói, giảm nghèo được các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo phong trào các cấp phối hợp thực hiện, đồng thời, tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia các tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới; hỗ trợ liên kết giữa hợp tác xã và hội nông dân với doanh nghiệp để phát triển các chuỗi liên kết có sức cạnh tranh; phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại...
Có giải pháp thực thi đồng bộ, thống nhất, xuyên suốt
Tại hội nghị, lãnh đạo một số bộ, ngành đã chia sẻ kinh nghiệm triển khai phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" trong ngành, lĩnh vực của mình; lựa chọn chủ đề, nhiệm vụ trọng tâm của năm 2024; bố trí nguồn lực phù hợp, kịp thời cho các hoạt động văn hoá…
Bên cạnh đó, các thành viên Ban Chỉ đạo cũng cho rằng, trong năm 2024, cần tăng cường công tác phối hợp, thực hiện các giải pháp xây dựng, triển khai phong trào văn hoá đồng bộ, hiệu quả; kiên quyết đấu tranh với các hành vi phản văn hoá, lệch chuẩn về văn hoá; tăng cường kiểm tra tình hình, kết quả thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" tại địa phương. Các địa phương cần quan tâm đầu tư và có chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu phát triển hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở; thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ công nhân ở các khu công nghiệp; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đánh giá chất lượng, hiệu quả sử dụng các công trình thiết chế văn hóa.
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" có phạm vi, địa bàn hết sức rộng lớn, phong phú về hình thức, đa dạng về đối tượng tham gia, đòi hỏi cách tổ chức thực hiện, phân công nhiệm vụ hết sức cụ thể mới có thể đánh giá đầy đủ, chính xác, thiết thực.
Theo Phó Thủ tướng, để thực hiện nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài là xây dựng thiết chế văn hoá cơ sở, cần có quy định, định mức, chỉ tiêu cụ thể giao cho cấp uỷ, chính quyền các cấp (quy hoạch sử dụng đất, hạ tầng, bố trí nguồn vốn đầu tư, chi phí quản lý, vận hành…), với trách nhiệm giám sát của Ban Chỉ đạo phong trào các cấp, trong đó có Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính.
"Trong năm 2024, các thành viên Ban Chỉ đạo cần đề xuất các phong trào xuất phát từ nhu cầu, đòi hỏi cấp thiết của quần chúng Nhân dân, có giải pháp thực thi đồng bộ, thống nhất, xuyên suốt, hình thành các mô hình, giá trị văn hoá gắn bó chặt chẽ với đời sống, sinh hoạt thường nhật", Phó Thủ tướng nói và nhấn mạnh tầm quan trọng của cơ chế, chính sách để nguồn lực Nhà nước sẽ kích hoạt, tạo điều kiện cho người dân, đối tượng chủ thể của từng phong trào văn hoá có thể chủ động tham gia.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý, cần có cơ chế theo dõi, khảo sát, đánh giá, tổng hợp phong trào văn hoá trên cả nước, từ đó tổng kết, hoàn thiện cơ chế, chính sách và nhân rộng mô hình xây dựng đời sống văn hoá phù hợp với đặc trưng, bản sắc ở từng địa bàn, vùng, miền; đẩy mạnh phân cấp, khuyến khích, hỗ trợ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các hội, đoàn thể chính trị-xã hội, như Đoàn Thanh niên, Hội Người cao tuổi, Hội Khuyến học, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh… trong tập hợp lực lượng, phát động và thực hiện phong trào xây dựng đời sống văn hoá.