Các siêu thị Hà Nội đầy ắp hàng hóa, sẵn sàng phục vụ người dân
Tối 23/7, tại các siêu thị Big C, Vinmart và Vinmart+ trên địa bàn TP đã chuẩn bị đầy hàng hóa. Các mặt hàng được bổ sung nhiều so với những ngày đầu tuần là thực phẩm như rau xanh, thịt lợn… với giá cả ổn định.
Siêu thị Vinmart Văn Quán (Hà Đông), các mặt hàng thực phẩm thiết yếu như rau, củ, quả, thịt… đã đầy ắp |
Tại một số siêu thị hệ thống loa phát thanh của siêu thị thường xuyên phát đi khuyến cáo người dân chỉ mua vừa đủ lượng hàng thiết yếu, không tích trữ. Đồng thời, siêu thị áp dụng các hình thức mua hàng online, giao hàng tận nhà để khách hàng lựa chọn.
Theo ghi nhận PV Báo Tuổi trẻ Thủ đô tại siêu thị Vinmart Văn Quán (Hà Đông) vào tối 23/7, các mặt hàng thực phẩm thiết yếu như rau, củ, quả, thịt… đã đầy ắp, phủ kín kệ hàng, giá cả cũng không khác ngày thường.
Lượng khách mua sắm không quá đông |
Tương tự, tại siêu thị Aeon Long Biên, các mặt hàng được bổ sung nhiều là thực phẩm như rau xanh, thịt lợn… với giá cả ổn định.
Nhân viên siêu thị Aeon Long Biên liên tục bổ sung hàng mới lên kệ |
Theo quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, từ khi dịch bệnh xảy ra, ngành Công thương đã xây dựng 5 phương án liên tục bám sát tình hình dịch để có phương án sát nhất thực tiễn. Sở Công thương thành phố đã tính toán 17 mặt hàng thiết yếu và nhu cầu sử dụng 1 tháng với giá trị 21.000 tỷ đồng, từ đó, đề xuất doanh nghiệp tăng lượng dự trữ lên gấp 3 và dự trữ từ đầu năm với khoảng 194.000 tỷ đồng.
Do vậy, suốt 7 tháng qua, diễn biến dịch bệnh phức tạp nhưng hàng hóa vẫn bảo đảm cung ứng tốt, chưa xảy ra tình trạng tăng giá đột biến. Các doanh nghiệp đã xác định được nguồn cung hàng hóa tương đối dồi dào, các doanh nghiệp đã chuẩn bị lượng hàng dự trữ theo sự chỉ đạo của thành phố hiện tại đủ phục vụ nhu cầu người dân.
Do có kinh nghiệm qua các đợt dịch, doanh nghiệp cũng chuẩn bị sẵn sàng nhân lực để phục vụ vận chuyển hàng hóa và bán hàng qua thương mại điện tử; nhà cung cấp cho các hệ thống phân phối tương đối ổn định. Nên tính đột biến sản lượng và giá cả không bị biến động.
Trên địa bàn thành phố hiện có 459 chợ, 28 trung tâm thương mại, 123 siêu thị, 1.800 cửa hàng tiện ích, 141 chuỗi, 2.382 điểm bán hàng hoá bình ổn giá, hàng chục nghìn cửa hàng tạp hóa,... phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân trên địa bàn. Thành phố Hà Nội đã rà soát bố trí sẵn sàng 1.920 địa điểm tại các quận, huyện đã bố trí làm kho dự trữ hàng, các điểm bán hàng lưu động khi cần thiết.
Tại buổi làm việc với lãnh đạo một số sở, ngành, doanh nghiệp phân phối hàng hóa về phương án cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân trong các tình huống dịch bệnh Covid-19, diễn ra chiều 19/7, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh: "Người đứng đầu các đơn vị phải nhập vai vào tình huống khi dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn để chỉ đạo ngay từ đơn vị mình".
Ngành Nông nghiệp cần tính theo lộ trình dịch bệnh có thể tiếp diễn 14 ngày, 1 tháng hay nhiều hơn, vì vậy, cần tính toán ở bối cảnh cách ly thì ảnh hưởng như thế nào đến sản xuất. Từ đó, ngành xây dựng, rà soát lại ngành sản xuất, rà soát mùa vụ đang trồng loại rau sạch, củ quả nào; Rà soát về gia súc, gia cầm, thủy sản... để có phương án tổ chức sản xuất cho phù hợp.
"Tất cả phải theo tinh thần chủ động, tự cung, tự cấp một cách cao nhất, đáp ứng được nhiều nhất", đồng chí Nguyễn Mạnh Quyền yêu cầu.
Phó Chủ tịch UBND thành phố cũng yêu cầu Sở Công thương rà soát lại toàn bộ hệ thống chợ, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích, cửa hàng bình ổn, lên danh sách cụ thể để khi hàng hóa về phân phối bảo đảm tiêu dùng. Tính toán từng loại sản phẩm để tiếp tục thực hiện liên kết chuỗi với các địa phương ở khu vực phía Bắc, đáp ứng đủ nhu cầu của Nhân dân. Cần đa dạng vùng cung cấp, không chỉ ở một vùng để có phương án thay thế khi cần thiết.