Cải cách hành chính nâng cao chất lượng khám chữa bệnh
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và các lãnh đạo Bộ Y tế, lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam cùng tham gia bấm nút kết nối 100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Y tế kết nối với Cổng dịch vụ công Bộ Y tế |
Hướng tới xây dựng nền y tế thông minh
Thời gian qua, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe người dân có bước phát triển quan trọng. Ðiều này đặt nền móng xây dựng nền y tế thông minh với ba trụ cột chính là phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe thông minh; khám, chữa bệnh thông minh và quản trị y tế thông minh. Người dân bước đầu được hưởng lợi từ các thành tựu CNTT trong hoạt động y tế.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, ứng dụng CNTT trong lĩnh vực y tế thời gian qua đạt nhiều kết quả nổi bật. Bên cạnh việc xây dựng, từng bước hình thành hành lang pháp lý về ứng dụng CNTT y tế thì gần như toàn bộ số bệnh viện đã có phần mềm hệ thống thông tin bệnh viện, bước đầu triển khai phần mềm truyền tải và lưu trữ hình ảnh (PACS); 99,5% số bệnh viện đã kết nối, liên thông dữ liệu khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) với cơ quan giám định và thanh toán BHYT, phục vụ giám định khám, chữa bệnh BHYT điện tử.
Bộ Y tế đã triển khai thành công, có hiệu quả các dịch vụ công trực tuyến kết nối Cổng thông tin một cửa quốc gia, thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia và Một cửa ASEAN.
Hệ thống quản lý và điều hành văn bản điện tử của bộ được kết nối liên thông với Văn phòng Chính phủ, hơn 20 bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố; công khai kết quả giải quyết thủ tục hành chính trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ.
Nhân viên Phòng hướng dẫn thủ tục dịch vụ công trực tuyến của Sở Y tế TP HCM giải quyết hồ sơ đăng ký qua dịch vụ công trực tuyến |
Hệ thống thông tin quản lý y tế dự phòng, triển khai phần mềm tiêm chủng mở rộng trên cả nước, đã có hơn 6,2 triệu đối tượng tiêm chủng được quản lý. Bước đầu hình thành mạng lưới y tế từ xa, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh ở tuyến dưới, vùng miền núi, vùng khó khăn.
Các bệnh viện ứng dụng phần mềm quản lý bệnh viện, bệnh án điện tử, y tế từ xa, xếp hàng điện tử, thẻ điện tử thanh toán viện phí... giúp quá trình quản lý bệnh viện được minh bạch hóa, giảm thủ tục hành chính, giảm thời gian khám, chữa bệnh, chờ khám, chờ mua thuốc, làm thủ tục xuất viện... hiệu quả công việc cao hơn, người dân hài lòng hơn.
Bộ Y tế "cán đích" hoàn thành dịch vụ công trực tuyến trước năm năm
Đồng chí Nguyễn Thanh Long, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết: Trong những năm qua, Bộ Y tế rất quan tâm chỉ đạo, dành nguồn lực cho cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý điều hành, minh bạch hóa hoạt động của cơ quan nhà nước, phục vụ tốt hơn người dân, doanh nghiệp. Ngay từ năm 2014, Bộ Y tế đã là một trong số những cơ quan đầu tiên thực hiện một DVCTT lĩnh vực An toàn thực phẩm một cách hoàn chỉnh, số hóa tất cả các khâu công việc, từ nộp, bổ sung, xử lý hồ sơ, thanh toán lệ phí, trả kết quả đều thực hiện trên môi trường mạng.
Bộ Y tế cũng là một trong số các Bộ đầu tiên thực hiện Cơ chế một cửa Quốc gia từ năm 2015. Tính đến hết năm 2019, sau năm năm triển khai, Bộ Y tế đã xây dựng và đưa vào vận hành 90 DVCTT mức độ 3, 4 trong các lĩnh vực: An toàn thực phẩm và dinh dưỡng; Dược phẩm; Mỹ phẩm; Trang thiết bị và công trình y tế; Đào tạo, nghiên cứu khoa học, công nghệ thông tin; Khám bệnh, chữa bệnh; Y tế dự phòng,… với khoảng gần 400 hồ sơ được tiếp nhận/ngày.
Năm 2019, Cổng Dịch vụ công Bộ Y tế đã chính thức được khai trương. Với việc hoàn thành trực tuyến các TTHC, hằng năm hàng trăm nghìn hồ sơ sẽ được nhận, trả, xử lý trực tuyến trên môi trường mạng, tiết kiệm tiền bạc, thời gian, công sức cho người dân, doanh nghiệp; đồng thời, công việc của cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức, viên chức cũng trở nên thuận tiện, minh bạch, kịp thời hơn. Đây là một cuộc cách mạng số trong ngành Y tế, góp phần thay đổi bộ mặt của ngành Y tế trong ứng dụng công nghệ thông tin”.
Đến nay, Bộ Y tế đã hoàn thành cung cấp DVCTT mức độ 4 đối với 100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Y tế, kết nối với Cổng Dịch vụ Công Bộ Y tế. Theo thống kê tính từ ngày 1/1/2020 đến nay, tổng số hồ sơ được xử lý trực tuyến là 33.429 hồ sơ.
Thực hiện các thao tác trên dịch vụ trực tuyến giúp người dân đỡ mất thời gian xếp hàng khi tới bệnh viện |
Như vậy chỉ trong 6 tháng đầu năm 2020, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ Y tế đã tăng tốc, đột phá, thực hiện mục tiêu kép vừa tranh thủ sự vào cuộc của cả hệ thông chính trị để phòng chống dịch Covid-19 lẫn thực hiện chuyển đổi số trong y tế, đã thực hiện được số TTHC trên môi trường mạng gấp hơn 2,5 lần so với năm năm trước đó. Bộ Y tế đã về đích DVCTT trước năm năm so với lộ trình đặt ra ban đầu.
Bộ Y tế đã đổi mới về quản lý, cách làm và phương pháp kiểm tra, đánh giá chất lượng bệnh viện hàng năm. Trong đó, bộ xây dựng và ban hành quy trình khám bệnh tại khoa khám bệnh của các bệnh viện, giảm TTHC; hay Bộ Tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện năm 2016 làm căn cứ cho các bệnh viện triển khai.
Đồng thời, ngành Y tế đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý bệnh viện, quản lý bảo hiểm y tế (BHYT) để giảm thủ tục, giảm thời gian chờ đợi của người bệnh, thực hiện công khai, minh bạch các khoản chi phí mà người bệnh phải chi trả.
* “Đây là bài viết tuyên truyền, hướng dẫn dịch vụ công trực tuyến của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2020”. |