Cải cách tiền lương đáp ứng mong mỏi của người lao động
Nhiều ý kiến của lãnh đạo các cơ quan từ Trung ương đến địa phương và người dân đều cho rằng, việc thay đổi chế độ tiền lương là rất cần thiết, đáp ứng nguyện vọng của toàn thể người lao động trên cả nước.
Giao quyền tự chủ cho các đơn vị
Theo ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), Hội nghị Trung ương 7 đã đưa ra thảo luận và thông qua những vấn đề nóng về tiền lương. Tất cả những bất cập về vấn đề tiền lương, Trung ương đã đánh giá phân tích.
“Theo tôi, cần tiếp tục hoàn thiện lương khu vực ngoài nhà nước, trong đó tiếp tục thực hiện theo hướng thị trường có sự quản lý giám sát của Nhà nước. Riêng khu vực sự nghiệp công phải tiếp tục đổi mới, cơ cấu lại ngân sách theo hướng đặt hàng, đấu thầu, giao nhiệm vụ cho từng đơn vị. Tức là giao quyền tự chủ cho các đơn vị trong vấn đề tuyển dụng, trả lương. Các đơn vị sự nghiệp công như bệnh viện, trường học phải thực hiện quy chế tự chủ tài chính, để học sinh, bệnh nhân tự trả lương... cho cán bộ, nhân viên ở khu vực này. Nhà nước chỉ thực hiện hỗ trợ cho người nghèo, người cận nghèo, đối tượng chính sách”, ông Huân nói.
Ông Huân cho rằng, khu vực công còn nhiều bất cập nhất, cơ chế trả lương chưa được đổi mới. Trung ương đã nhấn mạnh, để thay đổi cần phải sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế, đánh giá cán bộ công chức, tăng nguồn, tăng ngân sách... để cải cách lương cho công nhân, viên chức. Điều này đáp ứng được đúng vấn đề mong mỏi của quần chúng nhân dân.
Tuy nhiên, từ việc thông qua tới việc thực hiện đề án là cả một vấn đề, chính vì vậy Trung ương cần có chương trình hành động, giao cho Chính phủ để Chính phủ giao cho từng cơ quan cụ thể. “Quan trọng nhất là phải rà soát lại hết chính sách pháp luật xem cái gì cần sửa đổi, cái gì cần bổ sung. Tiếp đó cần thể hiện quyết tâm chính trị của cả hệ thống. Như vậy, cần xây dựng tiêu chí đánh giá, sắp xếp người đủ năng lực, đáp ứng yêu cầu ở lại, người không đáp ứng thì phải giải quyết chế độ cho thỏa đáng”, ông Huân nhấn mạnh.
Cần có chính sách riêng cho công chức Thủ đô
Xung quanh vấn đề cải cách tiền lương, ông Ngọ Duy Hiểu, đại biểu Quốc hội, Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, chính sách tiền lương của nước ta hiện nay còn nhiều bất cập ở cả khu vực công và khu vực doanh nghiệp. Đó là lý do lần này Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận Đề án cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong các doanh nghiệp
Theo ông Ngọ Duy Hiểu, đối với khu vực công chính sách tiền lương khá phức tạp, chưa tuân theo quy luật kinh tế thị trường; chưa thiết kế hệ thống thang lương, bảng lương theo vị trí việc làm; còn bình quân, cào bằng, quá coi trọng thâm niên; chưa gắn với kết quả công tác; không tạo được động lực mạnh mẽ để nâng cao năng suất lao động và hiệu quả làm việc của người lao động.
Quy định về mức lương và cơ cấu tiền lương chưa hợp lý. Mức lương cơ bản được quy định bằng hệ số nhân với mức lương cơ sở đã che lấp giá trị thực của tiền lương và còn thấp; chưa bảo đảm cuộc sống và chưa là nguồn thu nhập chính của người hưởng lương.
Việc nâng bậc lương đối với cán bộ, công chức, viên chức chưa gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ hằng năm; việc nâng lương đối với sĩ quan vừa theo chế độ phong, thăng cấp bậc quân hàm, vừa theo thâm niên không nhất quán. Việc xét và thi nâng ngạch công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp chưa gắn với nhiệm vụ cụ thể và cơ cấu ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp. Cơ chế quản lý tiền lương chưa có giải pháp hữu hiệu để gắn tiền lương với việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị; chậm thực hiện đổi mới tổ chức và quản lý, cơ chế tài chính đối với khu vực sự nghiệp công lập. Nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương đối với khu vực công cơ bản vẫn do ngân sách nhà nước bảo đảm. Việc thực hiện xã hội hóa và điều chỉnh giá, phí dịch vụ công theo thị trường trong nhiều lĩnh vực còn chậm…
Về vấn đề lương cho đội ngũ cán bộ, công chức của TP Hồ Chí Minh và Hà Nội - hai vùng được cho là có năng suất lao động cao nhất cả nước - phải giải quyết rất nhiều đầu việc, nhưng mức lương hiện nay lại “cào bằng”. “Đây là vấn đề cụ thể về sự không công bằng đã tồn tại nhiều thập kỷ. Tương tự ở TP Hồ Chí Minh, làm việc ở một đô thị đặc biệt, các cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô phải đảm nhận khối lượng công việc rất lớn, yêu cầu cao và nhiều áp lực, trong khi giá cả ở Hà Nội lại rất đắt đỏ. TP Hồ Chí Minh với cơ chế đặc thù vừa được Quốc hội thông qua đã có chính sách tăng lương cho cán bộ, công chức ngay trong năm 2018.
Ngọ Duy Hiểu phân tích, lương tối thiểu ở khu vực doanh nghiệp, chúng ta đã thiết kế thành vùng 1, vùng 2, vùng 3, vùng 4. Chính phủ có thể giao cho các địa phương đặc thù như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh thiết kế một thang, bảng lương cụ thể hơn, sát hơn đối với từng vị trí việc làm cụ thể, tạo động lực sáng tạo, làm việc hiệu quả, tăng năng suất lao động.
Bên cạnh ý kiến của các chuyên gia, nhiều ý kiến người dân cho rằng, các giải pháp đề ra trong đề án thực sự mang tính đột phá, hướng tới công bằng trong phân phối thành quả lao động sẽ được cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đồng tình cao.
Chị Linh Hiền (Tạp chí Cộng sản) mong muốn việc cải cách tiền lương sẽ sớm được triển khai. Chị Hiền cho rằng, để đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tận tụy, nhiệt tình và trách nhiệm trong công việc thì chính sách tiền lương phải được cải cách, lương thực sự phải là nguồn thu nhập chính đáp ứng được nhu cầu thiết yếu của gia đình. "Khi cuộc sống được đảm bảo tối thiểu bằng lương, người lao động sẽ không phải tìm cách để có thêm những thu nhập ngoài luồng khác. Vì vậy, cải thiện tiền lương có tác dụng to lớn trong việc lành mạnh hóa các mối quan hệ xã hội, đặc biệt trong phòng chống tham nhũng”, chị Hiền nói.