Cần chấm dứt tình trạng “chủ nghĩa dân tộc vắc-xin”
Trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 vẫn tiếp tục bùng phát, việc chạy đua nghiên cứu và sản xuất vắc-xin của các quốc gia được coi như giải pháp hàng đầu. Ngay khi Nga ra mắt Sputnik V, các quốc gia cũng đã mạnh tay chi tiền để có thể sở hữu vắc-xin đầu tiên trên thế giới.
Khái niệm “chủ nghĩa dân tộc vắc-xin” cũng được nhiều người nhắc đến. “Chủ nghĩa dân tộc vắc-xin” được hiểu là việc tiếp cận vắc-xin sẽ phân hóa theo khả năng tài chính quốc gia và các nước nghèo hơn sẽ phải chấp nhận chờ và xếp hàng phía sau.
Ngay sau khi Nga phê duyệt một vắc-xin do nước này phát triển dù chưa tiến hành thử nghiệm giai đoạn 3 nhưng nhiều quốc gia đã đặt hàng. Nga đã nhận được đơn đặt hàng vắc-xin từ 20 quốc gia trên thế giới.
Nhiều nước nghèo khó tiếp cận vắc-xin ngừa Covid-19 (Ảnh: Getty) |
Mỹ đã chi 2,1 tỷ USD để giành quyền ưu tiên đối với khoảng 100 triệu liều vắc-xin ngừa Covid-19 của 2 hãng dược Sanofi và GlaxoSmithKline.
Trước đó, nước này cũng đã ký các thỏa thuận để mua tổng cộng khoảng 1 tỉ liều vắc-xin với các hãng dược phẩm khác.
Liên minh Châu Âu (EU) đã chi khoảng 2 tỷ euro (2,4 tỷ USD) từ quỹ khẩn cấp để đặt mua vắc-xin nhằm đảm bảo đủ liều tiêm cho 450 triệu công dân của khối. Anh cũng đã ký ít nhất 6 hợp đồng đặt trước vắc-xin Covid-19 với khoảng hơn 240 liều từ các hàng dược hàng đầu của Mỹ, Pháp.
Trong khi đó, tại nhiều nước nghèo ở Châu Phi tới nay thậm chí vẫn còn thiếu các loại vắc-xin sởi, bại liệt, bạch hầu... Do đó, Tổng giám đốc WHO kêu gọi chấm dứt tình trạng “chủ nghĩa dân tộc vắc-xin”.
"Các quốc gia cần hành động một cách chiến lược và trên quy mô toàn cầu và không ai được an toàn cho đến khi tất cả mọi người đều an toàn", ông Tedros nhấn mạnh và cho biết ông đã gửi thư tới tất cả các nước thành viên của WHO, trong đó đề nghị những nước này tham gia nỗ lực đa phương về phát triển vắc-xin phòng ngừa Covid-19.