Cần có giải pháp đồng bộ ngăn chặn tình trạng xe quá khổ, quá tải
Xử phạt 946 xe vi phạm chở quá tải trong tháng 3
Trong tháng 3 (tính từ ngày 21/2 đến 20/3/2021), các trạm kiểm soát tải trọng xe lưu động, cố định, lực lượng thanh tra của Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các sở giao thông vận tải địa phương đã kiểm tra 7.710 xe; trong đó có 946 xe vi phạm, tước 287 giấy phép lái xe, xử phạt nộp Kho bạc Nhà nước 10 tỷ đồng.
Tuy nhiên, qua phản ánh của báo chí và người dân, tình trạng xe quá tải lại tái diễn và ngày càng gia tăng; Xe cơi nới kích thước thành thùng để chở hàng quá tải, lưu thông công khai trên một số quốc lộ, đường đô thị và đường địa phương gây hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông, mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã xử phạt 946 xe vi phạm chở quá tải trong tháng 3 |
Đặc biệt, xe chở hàng siêu trường, siêu trọng không có giấy phép lưu hành, chở hàng với kích thước, khối lượng không đúng với nội dung trong giấy phép lưu hành hoặc sử dụng giấy phép lưu hành giả vẫn được xếp hàng và ra khỏi các cảng, lưu thông trên các tuyến đường.
Trước tình trạng trên, Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện đề nghị, trong tháng 4/2021 và các tháng tiếp theo, các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 25/11/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông; chỉ đạo các lực lượng chức năng, các ngành, các cấp phối hợp xử lý, không để tái diễn tình trạng xe quá tải...
Theo đánh giá của ông Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, công tác kiểm soát tải trọng phương tiện cơ bản vẫn được triển khai rộng khắp trên toàn quốc, tình trạng vi phạm về chở hàng hóa quá tải trọng đã giảm sâu; Thị phần vận tải đang được cơ cấu lại hợp lý, có sự kết hợp hài hòa giữa các phương thức vận tải đường sắt, đường bộ, hàng hải, đường thủy nội địa; Góp phần bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, kết quả xử phạt nêu trên chỉ phản ánh được một phần số xe quá tải lưu thông qua đoạn đường có đặt trạm cân xe lưu động, cố định và những vị trí mà lực lượng chức năng kiểm soát được bằng cân xách tay, chứ không thể phản ánh đúng thực tế nạn xe quá tải đang hoành hành theo chiều hướng ngày càng nghiêm trọng.
Lực lượng thanh tra giao thông của các Sở Giao thông vận tải chỉ kiểm soát tải trọng xe trên các quốc lộ được ủy quyền quản lý và đường địa phương, các lực lượng khác có chiều hướng buông lỏng nên tình trạng xe quá tải đã bùng phát trở lại, lưu thông trên các quốc lộ và một số đường địa phương nơi có các mỏ vật liệu xây dựng, mỏ quặng, nhà máy xi-măng, khu công nghiệp, bến thủy nội địa…
Đề xuất tiếp tục thực hiện thí điểm kiểm soát tải trọng xe tự động
Trước đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã báo cáo Bộ Giao thông Vận tải kết quả 6 tháng thí điểm kiểm soát tải trọng xe tự động tại Km78+830 trên quốc lộ 5.
Trong thời gian từ ngày 15/8/2020 đến ngày 14/2/2021, tổng số xe tải cân kiểm tra là 466.782 lượt, trong đó có 663 lượt xe (bằng 0,14%) vi phạm tải trọng, số xe vi phạm bình quân là 3,7 lượt xe/ngày.
Tính đến ngày 22/3/2021, đã có 63 trường hợp đến chấp hành việc lập biên bản vi phạm hành chính và chấp hành quyết định xử phạt với số tiền tổng cộng hơn 1 tỷ đồng, tước 25 giấy phép lái xe.
Tình trạng xe quá tải diễn ra ngày càng phổ biến, gây mất an toàn giao thông |
So sánh số liệu cân kiểm soát tải trọng xe trong 6 tháng hoạt động thí điểm với số liệu trong 7 tháng đầu năm 2020 cho thấy, số lượt xe vi phạm đã giảm 49,3 lần (từ 6,9% xuống còn 0,14%); số lượt xe vi phạm theo ngày đã giảm bình quân 48,9 lần, từ 176 lượt xe/ngày xuống còn 3,6 lượt xe/ngày.
Theo pTổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, việc đưa 2 bộ cân kiểm soát tải trọng xe vào hoạt động thí điểm đã mang lại hiệu quả rất cao trong công tác kiểm soát xe quá tải trên quốc lộ 5. Hệ thống này kiểm soát, giám sát được 100% lượt xe lưu thông trên đoạn đường đặt thiết bị cân.
Hầu hết chủ phương tiện nhận được thông báo vi phạm sau khi được lực lượng chức năng cung cấp các bằng chứng vi phạm đều chấp thuận kết quả và chấp hành quyết định xử phạt. Về hiệu quả kinh tế, việc vận hành, khai thác dữ liệu và xử phạt không tốn kém, do lực lượng các đơn vị hoạt động kiêm nhiệm và do số lượt vi phạm ngày càng ít (chỉ ở mức dưới 0,2%).
Về hiệu quả xã hội, với hiệu ứng tuyên truyền từ những lái xe, chủ xe vi phạm bị phát hiện, xử phạt, tình trạng xe quá tải nhanh chóng được ngăn chặn, tạo hiệu ứng tích cực trong xã hội nói chung và việc chấp hành các quy định của pháp luật về giao thông đường bộ nói riêng.
Từ kết quả trên, Tổng Cục Đường bộ Việt Nam kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục thực hiện thí điểm kiểm soát tải trọng xe tự động trên quốc lộ 5. Đồng thời, nghiên cứu áp dụng thí điểm cho một số dự án trọng điểm khác như: Cầu Thăng Long và đường vành đai 3, cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, quốc lộ 1 đoạn tránh thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai...