Cần có thêm chế tài xử lý các đơn vị lợi dụng hình ảnh người nổi tiếng, quảng cáo trá hình
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 4, sáng 2/11, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).
Thảo luận tại tổ về Dự án Luật Bảo vệ người tiêu dùng (sửa đổi), quan tâm đến những quy định của dự thảo luật về những hành vi bị cấm tại Điều 17, đại biểu Nguyễn Quang Huân (Đoàn Bình Dương) bức xúc trước một số vụ việc lợi dụng người có ảnh hưởng, người nổi tiếng để quảng cáo trên mạng thời gian qua, đồng thời đề nghị cần có quy định để bảo vệ hình ảnh của họ.
Đại biểu Nguyễn Quang Huân trong phiên thảo luận tổ sáng 2/11 |
Đại biểu Nguyễn Quang Huân cho rằng, việc lấy hình ảnh của người có ảnh hưởng, người nổi tiếng để ghép với sản phẩm quảng cáo, trong khi người ta không mua, không dùng, không biết rõ chất lượng sản phẩm thế nào cần phải bị xử lý mạnh. Sử dụng hình ảnh của họ mà không được phép để quảng cáo sản phẩm của mình, thành ra người có ảnh hưởng bị mang tiếng đi quảng cáo cho sản phẩm kém chất lượng, mặc dù về luật pháp, người có ảnh hưởng hay người nổi tiếng là ngoại phạm. Vì thế, luật cần bảo vệ người có ảnh hưởng, như thế cũng có nghĩa là bảo vệ người tiêu dùng không bị mắc bẫy của hành vi quảng cáo trá hình như thế.
Theo đại biểu, cùng với quy định người có ảnh hưởng, người nổi tiếng không được sử dụng hình ảnh của mình để đi quảng cáo thì cũng cần có quy định bảo vệ người có ảnh hưởng, người nổi tiếng bị sử dụng hình ảnh cho hoạt động quảng cáo.
Tuy nhiên, đối với quy định người có ảnh hưởng, người nổi tiếng không được sử dụng hình ảnh của mình để quảng cáo, theo đại biểu Huân, phải cân nhắc, xem xét kỹ càng bởi nếu làm chặt quá, có thể hạn chế người nổi tiếng, người có tầm ảnh hưởng ngần ngại làm công tác cộng đồng, bởi có những người rất mong muốn được cống hiến cho cộng đồng thông qua những kinh nghiệm, hiểu biết hay những trải nghiệm tích cực.
Góp ý về quy định “xử lý vi phạm pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng” được quy định tại Điều 18 của dự thảo luật, đại biểu Đỗ Huy Khánh (Đoàn Đồng Nai) cho rằng, quy định như trong dự thảo còn chung chung, cần làm rõ.
Đại biểu Đỗ Huy Khánh |
Đại biểu Khánh dẫn chứng, thời gian vừa qua xuất hiện rất nhiều quảng cáo thực phẩm chức năng, thuốc chữa bách bệnh do các nghệ sĩ nổi tiếng quảng cáo, bán hàng trên mạng rùm beng. Tuy nhiên, khi cơ quan chức năng điều tra thì các sản phẩm này không có chức năng như vậy. Nghệ sĩ bị ảnh hưởng uy tín và chỉ xin lỗi là xong. Vì thế, cần đưa ra quy định cụ thể về việc xử lý những nghệ sĩ đó như thế nào để không tái diễn, đồng thời cũng cần xem xét lại các công ty, doanh nghiệp quảng cáo đó.
Trước đó, Quốc hội đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2011. Trong gần 12 năm thực thi, các quy định tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã góp phần thay đổi mạnh mẽ công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đồng thời, kiến tạo các khuôn khổ, nền tảng cơ bản vững chắc để tiếp tục tạo dựng sự phát triển của hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Việt Nam trong thời gian tới.
Tuy nhiên, quá trình thực thi Luật hiện đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, bao gồm các vấn đề liên quan đến tính thống nhất, hiệu lực, hiệu quả thực thi các quy định của Luật, sự thay đổi của thực tiễn sản xuất, kinh doanh cũng như những yêu cầu, xu thế mới đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Cùng với đó, trong những năm gần đây, Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, định hướng sự phát triển của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trong đó, đã chỉ rõ và đặt ra yêu cầu xem xét, sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Vì vậy, việc xây dựng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) là hoạt động cần thiết, kịp thời, không chỉ nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập đặt ra trong thực tiễn mà còn nhằm thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về hoàn thiện thể chế về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, dự thảo Luật sửa đổi khái niệm người tiêu dùng theo hướng xác định chính xác người tiêu dùng là các cá nhân thực hiện giao dịch vì mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân và gia đình.
Dự thảo Luật cũng bổ sung quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương; trong đó đưa ra khái niệm về người tiêu dùng dễ bị tổn thương theo hướng bao gồm: Người cao tuổi theo quy định pháp luật người cao tuổi; người khuyết tật; trẻ em theo quy định pháp luật trẻ em…
Liên quan đến thông tin của người tiêu dùng, tổ chức, cá nhân kinh doanh phải thông báo rõ ràng, công khai, bằng hình thức phù hợp với người tiêu dùng về mục đích, phạm vi thu thập, sử dụng thông tin của người tiêu dùng trước khi thực hiện và phải được người tiêu dùng đồng ý.
Đáng chú ý, tổ chức, cá nhân kinh doanh thu thập, sử dụng thông tin phải có cơ chế để người tiêu dùng lựa chọn việc cho phép hoặc không cho phép trong việc: Chia sẻ, tiết lộ, chuyển giao thông tin cho bên thứ ba; Sử dụng thông tin của họ để quảng cáo, giới thiệu sản phẩm, hàng hóa và các hoạt động có tính thương mại khác…
Nhằm tăng cường trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, dự thảo luật đã hoàn thiện quy định về thu hồi sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật, về bảo vệ thông tin của người tiêu dùng trong quá trình thực hiện các giao dịch, đặc biệt là các giao dịch trên không gian mạng.
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) hiện có 7 Chương, 80 Điều. Dự thảo Luật được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở kế thừa các điều khoản cơ bản của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiện hành; bảo đảm tính tương thích, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và bám sát 7 Chính sách đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 6/5/2021. |