Cần đưa ra những quy định chi tiết hơn về việc chuyển tuyến
Đề nghị chấn chỉnh hoạt động chuyển tuyến người bệnh giữa các cơ sở y tế Lợi ích khi “số hóa” giấy chuyển tuyến khám chữa bệnh Giải quyết triệt để bức xúc trong cấp giấy chuyển tuyến |
Với 93,11% tổng số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT).
Đáng quan tâm, Luật đã quy định về mức hưởng BHYT trên cơ sở xóa bỏ địa giới hành chính trong khám bệnh, chữa bệnh, giữ ổn định mức hưởng BHYT theo quy định của luật hiện hành; mở rộng với một số trường hợp như bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo... được lên thẳng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp chuyên sâu.
Về đăng ký khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu, chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT, luật quy định quyền của người có thẻ BHYT trong việc đăng ký khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp ban đầu và cấp cơ bản.
Ảnh minh họa |
Luật đồng thời quy định việc chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thực hiện theo yêu cầu chuyên môn và khả năng đáp ứng của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; việc chuyển người bệnh về cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu để điều trị, quản lý đối với các bệnh mạn tính.
Luật đã giao Bộ trưởng Bộ Y tế quy định việc liên thông và sử dụng kết quả cận lâm sàng liên thông giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT phù hợp yêu cầu chuyên môn...
Chia sẻ về thông tin này, bà Nguyễn Thị Bài (ở Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Tôi rất mừng vì đã thông qua quy định xóa bỏ địa giới hành chính trong khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Việc này sẽ giúp người dân tiếp cận được với chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh chuyên sâu khi chẳng may mắc bệnh nặng và không có chi phí để theo điều trị tự nguyện”.
Trước đó, tại buổi thảo luận tổ về dự thảo Luật này, một số đại biểu Quốc hội đã nhận định rằng, xóa bỏ địa giới hành chính trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế là chủ trương rất tốt, rất đúng nhưng còn băn khoăn về giấy chuyển tuyến.
Cụ thể, theo đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh), trước đây, nếu đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu ở Hà Nội thì chỉ được khám ở Hà Nội, giả sử mắc bệnh ở Thanh Hóa thì xem như trái tuyến. Điều này rất bất hợp lý, không bảo đảm quyền lợi cho người bệnh.
Một số đại biểu Quốc hội đề nghị bỏ giấy chuyển tuyến trong bảo hiểm y tế nhưng ý kiến cá nhân tôi và rất nhiều giám đốc bệnh viện, chỉ nên bỏ giấy chuyển tuyến trong trường hợp khám cấp ban đầu, cấp cơ bản. Từ cấp ban đầu lên cấp chuyên sâu nên có giấy chuyển tuyến.
Đại biểu phân tích, giấy chuyển tuyến rất cần thiết trong ngành Y tế. Nếu bỏ giấy chuyển tuyến thì bệnh nhân không khám ở trạm y tế và bệnh viện huyện nữa mà lên thẳng bệnh viện tuyến chuyên sâu như Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức… Như vậy, dần dần sẽ triệt tiêu hệ thống y tế cơ sở và vỡ trận ở y tế chuyên sâu.
Vì vậy, đại biểu này cho rằng, nếu bỏ giấy chuyển tuyến thì nên bỏ cấp ban đầu, cấp cơ bản; lên cấp chuyên sâu thì bắt buộc phải có giấy chuyển tuyến. Giấy chuyển tuyến này có vai trò quan trọng là tóm tắt bệnh án, rất có giá trị cho chẩn đoán ở cấp chuyên sâu.
Nhìn nhận ở góc độ người thụ hưởng bảo hiểm y tế, chị Nguyễn Thị Thanh (32 tuổi, ở Cao Phong, Hòa Bình) cho biết, thực tế, thời gian qua, việc xin giấy chuyển tuyến từ bệnh viện huyện không dễ dàng. Nhiều bệnh viện muốn giữ bệnh nhân nên có nhiều trường hợp bệnh chuyển biến xấu vẫn không muốn để bệnh nhân lên bệnh viện tuyến trên.
Chị Thanh dẫn chứng về trường hợp của con trai chị bị ngã va vào tấm kính, khiến chân bị thương nặng. Khi cấp cứu ở tuyến tỉnh, bác sĩ đã mổ chân cho cháu nhưng sau 2 tuần, gia đình chị thấy cháu có biểu hiện nhiễm trùng nặng. Gia đình kiến nghị bệnh viện cho chuyển viện lên tuyến trên để điều trị tiếp nhưng các bác sĩ không đồng ý và vẫn thông báo với gia đình rằng bác sĩ đang điều trị theo phác đồ.
“Sau đó, gia đình tôi tự chuyển cháu lên Bệnh viện Bỏng Trung ương, ở đây các bác sĩ chẩn đoán tình trạng chân của con tôi bị nhiễm trùng nặng sau mổ. Vì thế, tôi kiến nghị, khi ban hành những văn bản thực thi luật sắp tới cần đưa ra những quy định chi tiết hơn về việc chuyển tuyến, để tránh việc bệnh viện tuyến dưới cố tình giữ bệnh nhân”, chị Thanh đề xuất.
Hiện có đến 92% người dân Việt có bảo hiểm y tế. Với những đổi mới này, người dân đang rất mong chờ để việc khám chữa bệnh y tế thuận lợi hơn, người bệnh bảo hiểm giảm được phần chi trả từ tiền túi vốn gia tăng trong thời gian gần đây do nhiều bệnh viện thiếu thuốc và vật tư khám chữa bệnh.