Cần làm rõ động cơ, mục đích người phát tán clip học sinh tát cô giáo lên mạng xã hội
Liên quan hình ảnh clip học sinh tát cô giao được đăng tải trên mạng xã hội, gây bức xúc trong dư luận, ngày 19/2, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội đã xác minh clip học sinh tát cô giáo là học sinh của Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận Ba Đình và khi xảy ra sự việc học sinh này đang học lớp 8.
Sau khi clip được phát tán đã gây "bão" mạng xã hội, gây bức xúc trước hành vi của nam sinh |
“Theo điều tra, clip này xảy ra tháng 5/2020. Học sinh trong clip là của Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận Ba Đình. Sau khi xảy ra sự việc, nhà trường đã tiến hành lập hội đồng kỷ luật xem xét sự việc và đề xuất lãnh đạo cơ sở giáo dục ra quyết định kỷ luật đuổi học 1 năm đối với học sinh vi phạm; Đồng thời yêu cầu học sinh quay clip đưa lên mạng xóa clip.
Gia đình cũng xin cho học sinh này nghỉ học. Sự việc xảy ra trong tình huống giáo viên thu tai nghe của học sinh. Em này đã không bình tĩnh, đi lên đòi lại và tát cô giáo”, đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội nói.
Trao đổi với PV báo Tuổi trẻ Thủ đô về sự việc trên, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính pháp - Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết: Dựa trên nguyên tắc tất cả những hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức xã hội cần phải lên án, phải được xử lý. Tuy nhiên việc phát hiện, yêu cầu xử lý như thế nào thì phụ thuộc vào thái độ và hành vi của từng người.
Cụ thể, nếu ai đó lợi dụng việc này để bôi xấu, xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác hoặc lợi dụng hình ảnh đó để làm xấu đi hình ảnh của ngành giáo dục, của cô giáo hoặc gửi và làm ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe của học sinh thì sẽ bị xem xét xử phạt hành chính. Nếu mức độ nghiêm trọng thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Luật sư Đặng Văn Cường nêu quan điểm xử lý vụ việc phát tán clip học sinh tát giáo viên lên mạng xã hội |
Luật sư Cường cho rằng, những hình ảnh như vậy là không phù hợp với đạo đức, tình thầy trò: "Hình ảnh đó có ý nghĩa để tố cáo, tố giác, làm chứng cứ xem xét kỷ luật học sinh chứ không phải là hình ảnh để đăng tải công khai với những động cơ mục đích cá nhân".
Bởi vậy, trong vụ việc này cơ quan chức năng cũng sẽ làm rõ nguyên nhân, lý do đăng tải clip đó vào thời điểm này, động cơ mục đích đăng tải là gì, người đăng tải clip đó có biết được nội dung vụ việc và diễn biến như thế nào không?
Việc đăng tải các thông tin hình ảnh, bày tỏ thái độ quan điểm của cá nhân lên mạng xã hội là quyền tự do cá nhân được pháp luật bảo vệ. Tuy nhiên, việc đăng tải những thông tin, hình ảnh, biểu lộ thái độ không được vượt quá giới hạn tự do cá nhân để xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.
Nếu lợi dụng tự do dân chủ mà xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, gây hậu quả nghiêm trọng thì có thể bị xử lý hình sự. Việc sử dụng thông tin hình ảnh trái phép của cá nhân để đăng tải lên mạng xã hội có thể bị phạt đến 20 triệu đồng.
Còn đối với những thông tin hình ảnh có thể gây nguy hại cho cộng đồng, vì an toàn công cộng, lợi ích quốc gia thì người có thông tin hình ảnh đó có thể trình báo, cung cấp thông tin với cơ quan chức năng để xem xét xử lý.
Việc lợi dụng quyền tự do ngôn luận, tự do cá nhân để xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác nếu chưa đến mức nghiêm trọng thì vẫn có thể bị xử phạt hành chính. Bởi vậy trong vụ việc này cơ quan chức năng sẽ làm rõ động cơ mục đích của người phát tán clip, mức độ nhận thức hiểu biết thông tin của người này để có hướng xử lý phù hợp với quy định pháp luật.
Qua hành vicủa nam sinh trong clip, luật sư Cường bày tỏ: "Đây là một vụ việc rất đáng buồn trong ngành Giáo dục. Chuyện bạo lực xảy ra trong ngành Giáo dục tuy không mới nhưng ngày càng diễn biến phức tạp. Điều này cho thấy sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường trong việc giáo dục con cái vẫn còn nhiều thiếu sót. Những học sinh cá biệt thì chưa có giải pháp giáo dục phù hợp dẫn đến những vụ vi phạm quy chế giáo dục, làm ảnh hưởng đến đạo đức xã hội".
Cũng theo luật sư Cường, nếu cháu bé tự kỉ, tăng động, trầm cảm hoặc mắc các bệnh làm rối loạn cảm xúc, hạn chế khả năng điều khiển hành vi thì nhà trường và gia đình cần có sự phối hợp trong quản lý giáo dục cháu bé. Không để cháu bé thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật, gây mất an ninh trật tự, xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của cô giáo và các bạn học sinh khác.
“Trường hợp cháu bé hoàn toàn bình thường, hành vi của cháu bé là do giáo dục trong gia đình và của nhà trường có khiếm khuyết, cháu bé có đạo đức và nhân cách chưa tốt thì cần phải có hình thức giáo dục phù hợp với quy định của pháp luật. Tuy nhiên vẫn phải hướng đến mục đích giáo dục, dù kỷ luật hay đến mức xử lý hình sự thì mục đích cuối cùng vẫn là để cải tạo, giáo dục cháu bé trở thành người tốt, sống có ích cho xã hội”, luật sư Đặng Văn Cường nói.