Cần lựa chọn sản phẩm độc đáo, đặc trưng riêng để phát triển du lịch
Xây dựng câu chuyện hấp dẫn ở điểm đến
Thạch Thất là một vùng đất cổ nằm ở vị trí cửa ngõ phía Tây của Thủ đô Hà Nội, có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa. Huyện Thạch Thất có trên 50 làng có nghề, trong đó có 10 làng nghề đã được cấp bằng công nhận danh hiệu “Làng nghề truyền thống”; 209 di tích như đình, chùa, đền, quán, miếu, văn chỉ...
Đến nay, Thạch Thất đã có 101 di tích được xếp hạng, trong đó di tích chùa Tây Phương được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt. Ngoài ra, một trong những thế mạnh của Thạch Thất là có nhiều sản phẩm OCOP từ nông sản với 142 sản phẩm OCOP 3-4 sao.
Phó Chánh Văn phòng Sở Du lịch Hà Nội Bùi Lan Hương cho biết, Thạch Thất cũng là 1 trong 6 địa phương được lựa chọn triển khai xây dựng mô hình thí điểm về du lịch nông nghiệp nông thôn theo Kế hoạch số 73/KH-UBND ngày 4/3/2022 của UBND thành phố Hà Nội về việc phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2022-2025.
Với những tiềm năng, thế mạnh từ thiên nhiên cùng thế mạnh về nông nghiệp trang trại sạch, huyện Thạch Thất có kế hoạch phát triển du lịch bền vững gắn với việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc của địa phương.
Di tích chùa Tây Phương, điểm đến nổi tiếng của huyện Thạch Thất |
Theo Chủ tịch UBND xã Yên Bình Nguyễn Văn Tùng, xã có nhiều tiềm năng phát triển du lịch trang trại (farmstay). Hiện, địa phương đã có mô hình trang trại rau sạch Hoa Viên với diện tích hơn 60ha, đạt tiêu chuẩn chất lượng châu Âu, từng bước đón khách du lịch. Ngoài ra, với đặc trưng có 40% đồng bào dân tộc Mường sinh sống, xã đang nỗ lực hướng dẫn bà con phát triển du lịch cộng đồng.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND xã Tiến Xuân Nguyễn Văn Nghĩa cho biết, thế mạnh của địa phương là phát triển du lịch nghỉ dưỡng. Trên địa bàn hiện có 5-6 khu nghỉ dưỡng cao cấp và trên 10 khu homestay do nhà dân quản lý, thu hút nhiều du khách từ nội đô và các tỉnh, thành lân cận. Khó khăn hiện nay là nâng cao chất lượng dịch vụ và kỹ năng làm du lịch của người dân.
Để nâng cao chất lượng dịch vụ, xây dựng thêm nhiều sản phẩm du lịch mới cho vùng ngoại thành Hà Nội nói chung và của huyện Thạch Thất nói riêng, theo PGS.TS Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch học, trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, người dân Thạch Thất nên khai thác nét văn hóa đặc sắc bản địa, trong đó nổi bật là văn hóa dân tộc Mường, như: Ẩm thực người Mường, các hoạt động trải nghiệm như trò chơi đẩy gậy, ném còn, văn hóa cồng chiêng…
Bên cạnh đó, người dân cần nâng cao kỹ năng giao tiếp phục vụ khách, quảng bá sản phẩm địa phương, xây dựng thêm nhiều câu chuyện hấp dẫn ở điểm đến. Địa phương cũng nên xây dựng nhiều điểm đến giới thiệu sản phẩm OCOP đặc trưng để khách du lịch dễ dàng mua sắm…
Nâng cao kỹ năng giao tiếp, ứng xử văn minh với khách du lịch
Cùng với huyện Thạch Thất, trước đó Sở Du lịch Hà Nội cũng phối hợp với UBND huyện Quốc Oai tổ chức Hội nghị triển khai về ứng xử văn minh du lịch và du lịch cộng đồng cho dân cư tại các điểm du lịch trên địa bàn huyện.
Không chỉ có giao thông thuận lợi (cách trung tâm Hà Nội khoảng 20km), Quốc Oai còn có nền văn hóa xứ Đoài đặc sắc, đa dạng với các làng nghề truyền thống, những di tích, danh thắng, loại hình văn hóa phi vật thể nổi tiếng có giá trị văn hóa, lịch sử. Trong đó nổi bật là quần thể di tích quốc gia đặc biệt chùa Thầy, di tích quốc gia đặc biệt Đình So…
Bên cạnh các sản phẩm du lịch đặc sắc, du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng ở Quốc Oai đã được đầu tư phát triển, điển hình như khu du lịch Tuần Châu cung cấp các dịch vụ du lịch phong phú cho du khách, đặc biệt với show diễn thực cảnh “Tinh hoa Bắc Bộ”.
Khi đến với các huyện ngoại thành Thủ đô Hà Nội, du khách còn có thể khai thác các tour du lịch nông nghiệp, nông thôn |
Ngoài ra, khi đến với Quốc Oai, du khách còn có thể khai thác các tour du lịch nông nghiệp, nông thôn; Du lịch cộng đồng theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững tại địa phương có tiềm năng và thế mạnh như các xã Đông Xuân, Phú Mãn, Tân Hòa...; Du lịch trải nghiệm tại các khu vực Đông Xuân, Phú Mãn... Tại đây còn có các làng nghề nổi tiếng có thể tạo điểm trải nghiệm cho du khách như làng nghề mộc, miến dong, mây tre đan…
Mặc dù có đầy đủ tài nguyên để phát triển du lịch, đặc biệt là phát triển du lịch văn hóa, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng nhưng lượng khách đến với Quốc Oai chưa đông đảo như kỳ vọng. Đặc biệt, sau ảnh hưởng của dịch COVID-19, khách du lịch đến Quốc Oai giảm sâu, gần như chỉ có khách dịp lễ hội chùa Thầy vào đầu năm mới.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, do Hà Nội có quá nhiều tiềm năng và các sản phẩm du lịch phân bố rộng khắp cả nội và ngoại thành nên khách có nhiều lựa chọn. Do đó, để các địa phương, trong đó có Quốc Oai, thu hút được khách, cần phải có những sản phẩm độc đáo, đặc trưng riêng.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Long cũng cho rằng, người dân cần nắm tâm lý, văn hóa của du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài để có cách ứng xử, phục vụ khác nhau.
“Du khách thường có xu hướng tìm kiếm trải nghiệm mới lạ nhưng vẫn phải giữ được văn hóa bản địa. Ngoài ra, vấn đề bảo đảm vệ sinh môi trường, chất lượng dịch vụ cũng cần phải được bảo đảm, trong đó, địa phương cần có khu vệ sinh công cộng bảo đảm để tạo sự thoải mái cho du khách. Bên cạnh đó, sự niềm nở, vui vẻ, thân thiện của người dân sẽ là điểm cộng để du khách quyết định có quay trở lại hay không”, ông Phạm Hồng Long chia sẻ.