Cần nâng cao hiểu biết về sở hữu trí tuệ ngành gỗ
Báo cáo tại hội thảo “Bức tranh xuất nhập khẩu ngành gỗ năm 2017 – Thực trạng và xu hướng hội nhập bền vững” diễn ra ngày 27/3, ông Tô Xuân Phúc – Đại diện Forest Trends cho hay, cuối tháng 1/2018 ngành chế biến gỗ xuất khẩu đón nhận tin vui đặc biệt: Kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 8 tỉ USD. Với kim ngạch này, ngành đã về đích sớm 3 năm so với mục tiêu là 8-8,5 tỉ USD đến năm 2020 đề ra trong Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2016-2020. Mức kim ngạch này, ngành đã có vị trí số 6 trong bảng xếp hạng các ngành đem lại kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của cả nước.
Theo Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Thành phố Hồ Chí Minh (HAWA), có một số lý do dẫn đến sự tăng trưởng ấn tượng về kim ngạch xuất khẩu, trong đó bao gồm tụt giảm tính cạnh tranh của ngành gỗ Trung Quốc do ngành này bị Hoa Kỳ kiện bán phá giá và do chính sách áp dụng thuế xuất khẩu đồ gỗ của Chính phủ Trung Quốc. Suy thoái kinh tế năm 2008-2009 tại Châu Âu làm giảm sức sản xuất tại châu lục này, từ đó tạo cơ hội cho ngành gỗ Việt Nam. Bên cạnh đó, thiếu hụt lao động và giá lao động cao tại Trung Quốc, Malaysia và Indonesian – các quốc gia cạnh canh về chế biến gỗ xuất khẩu với Việt Nam cũng tạo cơ hội cho ngành gỗ chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam phát triển. Gần đây, mục tiêu kimngạch xuất khẩu của ngành đã được đẩy lên con số 10 tỉ USD đến 2020.
Hiện Việt Nam đã trở thành trung tâm chế biến gỗ của Châu Á. Do nguồn cung nguyên liệu trong nước không đủ cho chế biến phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, hàng năm Việt Nam phải nhập một lượng gỗ nguyên liệu rất lớn từ nước ngoài. Xuất khẩu và mở rộng xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ của Việt Nam có vai trò rất lớn của nguồn nguyên liệu gỗ nhập khẩu.
Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu đạt 8 tỷ USD nhưng giá trị sản phẩm thiết kế tại Việt Nam chiếm tỷ lệ rất nhỏ.
“Chúng ta đều sản xuất theo thiết kế đặt hàng của nước ngoài, vì vậy họ sẽ bảo vệ bản quyền đó. Muốn có thiết kế thì mình phải có thương hiệu, muốn có thương hiệu phải có sở hữu trí tuệ. Và muốn có sở hữu trí tuệ chúng ta phải có nhân lực, đào tạo. Đây là một vấn đề hết sức đau đầu. Có lẽ đã đến lúc ngành gỗ chúng ta phải bắt đầu từ bây giờ để có lộ trình triển khai, học tập để hiểu thế nào là sở hữu trí tuệ, thế nào là thực hiện sở hữu trí tuệ”, ông Quyền nói.
Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, để ngành chế biến, xuất khẩu gỗ phát triển một cách bền vững trong tương lai cần có những giải pháp hợp lý trong việc cân đối cung - cầu nguyên liệu từ nguồn nhập khẩu, khai thác trong nước và xuất khẩu, giữa thị trường nội địa và thị trường xuất khẩu…