Cân nhắc quy định hưởng thai sản với lao động nữ hiếm muộn
Chỉnh lý thời gian đóng bảo hiểm trước khi sinh con
Quan tâm đến nội dung về điều kiện hưởng chế độ thai sản, đại biểu Đỗ Đức Hiển (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho biết, Điều 52 của dự thảo Luật đang quy định lao động nữ khi sinh con phải đóng BHXH bắt buộc từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng liền kề trước khi sinh con mới đủ điều kiện về chế độ thai sản.
Tuy nhiên thực tế hiện nay có tình trạng người lao động bị hiếm muộn. Nhiều trường hợp phải áp dụng các biện pháp y khoa để điều trị cho cả hai vợ chồng. Việc điều trị hiếm muộn thường tốn kém về chi phí và thời gian.
Trong khi đó, theo quy định tại Luật BHXH hiện hành, người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng BHXH và thời gian này không được tính để hưởng BHXH quy định nêu trên của Luật dẫn đến thực trạng để đáp ứng yêu cầu điều trị hiếm muộn, lao động nữ sẽ bị gián đoạn thời gian đóng BHXH do phải nghỉ việc không lương trên 14 ngày.
Đại biểu Đỗ Đức Hiển |
Theo ông Hiển, hệ quả của vấn đề trên là nữ lao động không được hưởng chế độ thai sản khi sinh con, mặc dù trước đó đã có thời gian đóng BHXH nhiều năm liên tục.
Mặt khác, do sức ép về kinh tế, có nhiều trường hợp lao động nữ muốn đi làm sớm để có thu nhập nhưng không được giải quyết do chưa đủ thời gian nghỉ sau sinh tối thiểu theo quy định, trong khi họ không được hưởng chế độ thai sản. Như vậy là rất thiệt thòi. Đó là chưa kể đến thời gian nghỉ sinh con trong trường hợp này cũng không được tính vào thời gian công tác.
“Do đó, để bảo đảm quyền lợi cho lao động nữ khi sinh con, dự thảo Luật cần tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý nội dung này theo hướng không quy định điều kiện thời gian đóng BHXH trong 12 tháng trước khi sinh con đối với lao động nữ thuộc trường hợp hiếm muộn.
Thay vào đó, trường hợp này chỉ cần có thời gian đóng BHXH 5 năm liên tục trở lên và có xác nhận của cơ sở khám, chữa bệnh có thẩm quyền về việc điều trị hiếm muộn” - đại biểu đoàn TP Hồ Chí Minh đề xuất.
Trước đó, trong phiên thảo luận sáng cùng ngày, đại biểu Trần Kim Yến (đoàn TP Hồ Chí Minh) đề xuất bổ sung các chính sách khuyến khích những người muốn sinh con, bởi Việt Nam đang có tốc độ già hóa dân số nhanh.
Theo báo cáo của Tổng Cục Thống kê, tỷ suất sinh của Việt Nam đang có xu hướng giảm trong những năm gần đây và được dự báo là sẽ tiếp tục giảm.
Ngoài ra, theo số liệu gần nhất của Tổng Cục Thống kê, tỷ lệ người độc thân tại Việt Nam đang có xu hướng tăng nhanh từ 6,23% năm 2004 đến hơn 10% năm 2019. Trong vòng 15 năm, tỷ lệ người chọn không kết hôn đã tăng gấp đôi.
Căn cứ vào dữ liệu này, đại biểu đề nghị bổ sung chính sách khuyến khích những người muốn sinh con, tức là bổ sung vào nghỉ hưởng chế độ BHXH khi đi khám và điều trị hiếm muộn…
Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi |
Đề xuất tăng số lần được nghỉ khám thai
Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (đoàn tỉnh Bến Tre) cho biết, qua tiếp xúc cử tri và công nhân… trong các doanh nghiệp, nhiều lao động nữ mang thai đi khám thai định kỳ bác sĩ thường chỉ định khám lại sau 30 ngày.
“Tuy nhiên theo quy định hiện hành và dự thảo Luật quy định cho lao động nữ chỉ được nghỉ việc đi khám thai tối đa 5 lần. Nếu thai phát triển trong điều kiện bình thường, còn nếu thai phát triển không bình thường thì bác sĩ chỉ định sau 1 tuần, 10 ngày, 15 ngày,... phải đi tái khám để bác sĩ theo dõi”, đại biểu nói.
Trong khi đó, dự thảo luật và luật hiện hành chỉ được nghỉ không quá 5 lần là quá thấp với những trường hợp thai không phát triển bình thường. Do đó, đại biểu đề nghị cần nên xem xét, quy định lựa chọn có thể nghỉ tối đa 5 lần, mỗi lần không quá 2 ngày hoặc tăng số lần khám thai lên 9 - 10 lần trong thai kỳ để đảm bảo cho lao động nữ được theo dõi đầy đủ sức khỏe cho thai nhi phát triển tốt.
Trước đó, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết: Về thời gian nghỉ việc hưởng chế độ khi khám thai (Điều 53), có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định tại khoản 1 về số lượng 5 lần, nên theo nguyên tắc đóng - hưởng và chỉ định của bác sĩ. Có ý kiến đề nghị tăng thời gian khám thai quy định tại khoản 1 từ 5 lần lên 8 lần.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, quy định này kế thừa quy định của Luật hiện hành (tối đa 5 lần). Tuy nhiên, dự thảo Luật đã bổ sung quy định thời gian khám thai "mỗi lần từ 1 đến 2 ngày theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh" tức là tối đa được nghỉ đi khám thai 10 ngày, nhằm bảo đảm tốt hơn quyền lợi cho người lao động và bảo đảm hài hòa, không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp sử dụng lao động, đặc biệt đối với những đơn vị sử dụng lao động có số lượng lớn lao động nữ.