Cẩn trọng nguy cơ lây nhiễm Covid-19 từ giao dịch tiền mặt
Nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh từ tiền mặt
Ngay từ thời điểm dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đưa ra khuyến cáo mọi người nên rửa tay thường xuyên hơn và nên ngừng giao dịch bằng tiền mặt nếu có thể vì tiền giấy có thể là một nguồn lây nhiễm virus Covid-19.
Lý giải về vấn đề này, đại diện WHO cho rằng virus gây dịch bệnh Covid-19 có khả năng tồn tại trong một số ngày trên các bề mặt như tiền giấy. Để phòng lây nhiễm bệnh, người dân nếu có thể nên sử dụng các phương thức thanh toán phi tiền mặt.
Lo ngại trước nguy cơ có thể lây nhiễm dịch bệnh từ tiền mặt, bà Phạm Thị Phượng, một hộ kinh doanh đồ gia dụng trên phố Hai Bà Trưng (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho hay: "Do tính chất công việc kinh doanh phải thường xuyên tiếp xúc, giao dịch tiền mặt với khách mua hàng nên tôi rất lo trước nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Vì vậy, hàng ngày, ngoài việc thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch như đeo khẩu trang, giữ khoảng cách với người mua hàng, tôi còn thường xuyên sát khuẩn tay và tiền mặt sau khi nhận từ khách".
Giao dịch bằng tiền mặt khi mua hàng tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 |
Còn với chị Nguyễn Thu Trang, kinh doanh online tại quận Đống Đa (Hà Nội) lại chọn cách hướng dẫn người mua thanh toán online để hạn chế tiếp xúc với tiền mặt.
“Sau khi giao hàng cho khách, tôi thường nhờ khách thanh toán tiền hàng bằng hình thức chuyển khoản, vừa nhanh chóng, thuận tiện lại không lo ngại nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 từ việc giao dịch bằng tiền mặt. Hầu hết, khách hàng của tôi đều ủng hộ cách làm này nên tôi cũng khá yên tâm vì loại trừ bớt đi nguy cơ nhiễm bệnh”, chị Trang chia sẻ.
Thanh toán online - giải pháp thay thế cho tiền mặt
Để phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong tình hình mới, đặc biệt đối với công tác phát hành kho quỹ và giao dịch tiền mặt, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng yêu cầu chi nhánh và các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam triển khai các biện pháp phòng, chống dịch trong giao dịch tiền mặt. Trong đó NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố trang bị chu đáo nước rửa tay sát khuẩn, khẩu trang y tế, găng tay và bảo hộ lao động… cho cán bộ tiếp xúc trực tiếp với tiền mặt; Thực hiện khử trùng, sát khuẩn thường xuyên tại các khu vực giao dịch tiền mặt và kho quỹ.
Các loại tiền cũ khi các tổ chức tín dụng, Kho bạc Nhà nước nộp về phải được phun thuốc khử khuẩn. Các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải thực hiện khử trùng, sát khuẩn, vệ sinh thường xuyên tại các khu vực giao dịch tiền mặt, kho quỹ và các cây ATM.
Để đẩy lùi nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, người dân nên sử dụng phương thức thanh toán online khi mua hàng |
Để hạn chế giao dịch tiền mặt, các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tăng cường các hoạt động online trong các quy trình, thủ tục giao dịch tiền tệ, tín dụng và cắt giảm các thủ tục không cần thiết để hạn chế đi lại và khách hàng phải đến trực tiếp ngân hàng để giao dịch.
Đáng chú ý, NHNN cuối tuần qua tiếp tục đề nghị các ngân hàng nghiên cứu áp dụng các chính sách ưu đãi hợp lý như miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán, tặng quà… để khuyến khích khách hàng sử dụng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.
Đồng thời, các ngân hàng có chính sách ưu đãi để thúc đẩy hoạt động chuyển khoản, chi trả tiền mua hàng hóa, dịch vụ, thanh toán hóa đơn bằng các phương thức thanh toán không tiền mặt như bằng thẻ hay qua ứng dụng điện thoại di động, mã QR, trích nợ tự động.
Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ Trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) cho hay: Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp các tháng đầu năm, hoạt động thanh toán trong nền kinh tế vẫn diễn ra an toàn, hiệu quả, thông suốt.
Đáng chú ý, các hạ tầng kỹ thuật và công nghệ phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt, nhất là thanh toán điện tử tiếp tục được chú trọng đầu tư, mở rộng. Nhờ đó, thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công đã mở rộng về số lượng dịch vụ triển khai, về quy mô xử lý và chất lượng dịch vụ. Đơn cử như 92,3% các giao dịch thu ngân sách được thực hiện qua ngân hàng hay 94,35% số tiền điện được thanh toán qua ngân hàng, vượt mức mục tiêu đề ra tại đề án.
Cũng theo ông Phạm Tiến Dũng, một diễn biến đáng chú ý khác là hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trong những tháng đầu năm 2021 tiếp tục đạt mức tăng trưởng rất ấn tượng. Chỉ tính đến cuối tháng 3 vừa qua, có trên 79 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán triển khai thanh toán qua Internet và 44 tổ chức thanh toán qua điện thoại di động.
Một kênh thanh toán mới cũng đang được NHNN tích cực triển khai thí điểm là kênh thanh toán qua tài khoản di động (Mobile Money).
Theo Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh, với gần 125 triệu thuê bao di động và khoảng 30% người trưởng thành chưa có tài khoản ngân hàng, việc phát triển dịch vụ dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ đang có cơ hội phát triển rất lớn tại Việt Nam. Thông qua tài khoản Mobile Money gắn liền với số điện thoại cá nhân, người dân có thẻ thực hiện nhiều giao dịch khác nhau như thanh toán việc mua hàng hóa, dịch vụ và chuyển tiền.
Ở thời điểm hiện nay, để hạn chế rủi ro trong giai đoạn thí điểm và phù hợp với giao dịch giá trị nhỏ, hạn mức giao dịch của Mobile Money được ấn định là 10 triệu đồng/tháng.
Theo Phó Thống đốc NHNN Việt Nam, với việc triển khai thí điểm dịch vụ này, thị trường sẽ có thêm các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt; Tăng cường việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính, đặc biệt tại khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa.
“Mobile Money được phát triển dựa trên tận dụng hạ tầng viễn thông nên sẽ giảm các chi phí xã hội để phát triển thanh toán không dùng tiền mặt”, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh cho hay.
Cũng theo lãnh đạo NHNN, sau 2 năm, kết quả thực hiện thí điểm dịch vụ Mobile Money là cơ sở thực tiễn để cơ quan quản lý có thẩm quyền xem xét, xây dựng và ban hành quy định pháp lý chính thức cho hoạt động cung ứng dịch vụ Mobile Money tại Việt Nam.